Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

‘Chúng ta đến sân vận động xem bóng đá, không phải để chết’

Sau sự cố đốt pháo sáng gần đây ở V.League 2019, điều người hâm mộ chân chính trông chờ là những biện pháp trấn áp mạnh mẽ, thay vì phạt sân và kêu gọi cổ động viên phải "ngoan".

co dong vien nem phao sang anh 1

‘Chúng ta đến sân vận động xem bóng đá, không phải để chết’

Sau sự cố đốt pháo sáng gần đây ở V.League 2019, điều người hâm mộ chân chính trông chờ là những biện pháp trấn áp mạnh mẽ, thay vì phạt sân và kêu gọi cổ động viên phải "ngoan".

co dong vien nem phao sang anh 2

co dong vien nem phao sang anh 3

Trương Anh Ngọc

Nhà báo

  • Facebook
  • Nhà báo, bình luận viên Trương Anh Ngọc hiện công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Từ năm 2010, anh là phóng viên thể thao Việt Nam duy nhất được tạp chí danh tiếng France Football mời tham gia bình chọn cho danh hiệu Quả bóng vàng FIFA. Trương Anh Ngọc đã cho ra mắt những cuốn ký sự gồm Nước Ý, câu chuyện tình của tôi; Phút 90++; Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu Hẹn hò với Paris.

Tôi đã rùng mình khi xem lại đoạn clip về quả pháo sáng bắn từ phía các cổ động viên (CĐV) Nam Định và mường tượng lại những ký ức của 10 năm trước.

Đó là trận đấu giữa AS Roma và AC Milan vào tháng 2/2009. Trận đấu không chỉ được chú ý bởi đó là màn ra mắt của David Beckham trong màu áo Milan, mà còn vì một lý do khác.

Tiếc thay, đây không phải lần đầu tiên với lực lượng bảo vệ an ninh trên sân: Trận đấu này được cho là có nguy cơ cao xảy ra xung đột giữa các nhóm CĐV quá khích (ultra) của Roma và Milan.

Gần một nghìn cảnh sát được huy động. Máy bay trực thăng lượn trên bầu trời từ nhiều giờ trước khi trận trận đấu bắt đầu. Ở ngay lề sân, một xe cấp cứu đã túc trực sẵn.

Quả pháo ném không trúng tôi, rơi vào một hàng ghế trống ngay phía trước, nhưng cảm giác run rẩy vì sợ hãi đến giờ vẫn tồn tại.

Tôi đã quen với cảnh này, cũng như không lạ gì việc ngồi trên khán đài của một sân vận động nào đó ở Italy, chứng kiến cảnh các nhóm ultra ném đủ thứ về phía nhau. Dù vậy, tôi vẫn chưa từng "nếm mùi" bị pháo ném về phía mình.

Lần này là thật, và nó khiến tôi run rẩy, vì có cả vợ con cùng những người bạn đồng hành. Quả pháo ném không trúng tôi, rơi vào một hàng ghế trống ngay phía trước, nhưng cảm giác run rẩy vì sợ hãi đến giờ vẫn tồn tại.

Từng có một CĐV của Lazio tên Vincenzo Paparelli chết vì một quả pháo sáng bắn trúng người cách đây 40 năm trong trận derby Roma vào tháng 10/1979. Đã có rất nhiều sự cố xảy ra trên các khán đài ở Italy trong nhiều năm qua vì vấn nạn pháo sáng.

Đã có những người bị bỏng, bị thương, có những trận đấu bị gián đoạn, những đội bóng bị kỷ luật vì thú vui chết người của một bộ phận "tifosi". Có hàng chục người đã thiệt mạng bên ngoài sân bóng vì những cuộc ẩu đả và xô xát giữa các nhóm CĐV đối địch trong 4 thập kỷ qua.

Tôi cảm thấy may mắn hơn Huyền Anh, nữ CĐV đã bị quả pháo bắn trúng đùi, gây ra một vết thương kinh khủng. Song, xét cho cùng, tôi và Huyền Anh đều may mắn hơn Paparelli, người đã chết ngay bên cạnh vợ mình khi họ ngồi trên khán đài.

Cái chết ấy đến giờ vẫn còn gợi lên những nỗi đau trong lòng các CĐV Italy, đến mức nhiều tờ báo ở Roma, khi nhắc đến sự kiện đau lòng này, luôn viết rằng: "Chúng ta đến sân vận động để xem bóng đá, không phải để chết".

Không ai kêu gọi CĐV phải “ngoan”

Điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trên các sân cỏ V.League, nếu như tệ nạn gây rối bằng cách đốt pháo không được xử lý mạnh mẽ và quyết liệt. Đây hoàn toàn không phải đang thổi phồng nguy cơ xảy ra thảm hoạ trên các khán đài.

Đương nhiên, nếu nhìn vào những gì nhà chức trách đã làm sau sự kiện 11/9 ở sân Hàng Đẫy - ban tổ chức sân bị kỷ luật, CLB Nam Định và đội Hà Nội bị phạt, 2 CĐV Nam Định bị bắt - nhiều người sẽ đồng tình rằng họ đã phản ứng rất nhanh chóng và xử lý thành công vụ việc. Tuy nhiên, đó chỉ là giải quyết một việc đã rồi.

Giới chức Italy không làm một việc thừa thãi là kêu gọi các CĐV phải "ngoan", phải biết cách cư xử. Họ trấn áp thực sự bằng các biện pháp và hành động.

Điều mà người ta chờ đợi hơn một tuần sau khi xảy ra sự cố đáng tiếc và đáng trách trên là một chiến dịch tổng thể hoặc các biện pháp được đưa thành quy định, nhằm thắt chặt hơn nữa an ninh trên các sân bóng, lại không xảy ra.

Thay vào đó, sự việc vừa rồi chỉ được coi là cá biệt, chỉ vì nó nghiêm trọng khi có người bị thương.

Người ta vẫn chỉ kêu gọi ý thức của CĐV đến sân bóng, coi đó là một trong những yếu tố hàng đầu cho việc đảm bảo an ninh tại các sân vận động. Đó là một điều hoàn toàn sai lầm và có thể đi theo vết xe đổ của chính Italy 40 năm trước, sau cái chết của Paparelli.

Máu đã đổ ở nhiều nơi trên đất Italy vì tình yêu bóng đá bị hoen ố bởi những nỗi thù hận giữa các nhóm ultra và tạo ra một bầu không khí lo sợ, chán nản với nhiều "tifosi" chân chính.

Phải mất rất nhiều năm, với nhiều biện pháp mạnh mẽ và tốn kém nhằm trả lại sự an toàn cho các khán đài, giờ đây, những sân cỏ ở Italy mới lại đông khán giả như trước kia.

Giới chức Italy không làm một việc thừa thãi là kêu gọi các CĐV phải "ngoan", phải biết cách cư xử. Họ trấn áp thực sự bằng các biện pháp và hành động.

Đây là cách người Italy thực hiện một quy trình khép kín để đảm bảo an ninh, ngay từ bên ngoài cổng SVĐ:

- Xác định cụ thể các trận đấu có nguy cơ xung đột cao giữa CĐV đội nhà và đội khách, từ đó bố trí lực lượng cảnh sát và phân giờ thi đấu cho phù hợp.

- Phân định tuyến đường để các CĐV đội khách đến sân vận động nhằm đảm bảo an toàn giao thông, tránh việc họ đến sân ảnh hưởng đến giao thông của thành phố, đồng thời ngăn không cho họ va chạm với các CĐV đội nhà trên đường đi.

- Lắp cổng từ ở tất cả sân vận động để kiểm tra các CĐV. Ngoài ra, luôn có thêm 1-2 lớp cảnh sát và an ninh kiểm tra từng người một sau khi đã qua cửa từ để không lọt CĐV mang vũ khí hay pháo sáng vào sân.

- Lập hồ sơ CĐV để ngăn ngừa các nhóm quá khích vào sân gây rối. Việc này từng gây tranh cãi ở Italy, khiến nhiều CĐV phản đối và không tới sân nhưng lại có hiệu quả rất tốt.

- Sử dụng các hệ thống camera an ninh trên sân để xử lý sự cố ngay khi một hoặc một nhóm CĐV nào đó đốt pháo hay gây rối trên sân. Tùy theo mức độ mà các CĐV gây rối có thể bị cấm đến sân trong một thời gian hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các nền bóng đá lớn ở châu Âu và Nam Mỹ từng nếm trải rất nhiều rắc rối liên quan đến các vấn đề của CĐV. Từ những chuyện cơ bản như sự thù ghét giữa các nhóm CĐV đối địch cho đến sự thâm nhập của các tư tưởng phát xít mới, cực đoan hoặc bài ngoại, chống người nhập cư vào các nhóm ultra, biến họ thành lực lượng nguy hiểm đến sân bóng chỉ để phô trương sức mạnh và tư tưởng.

Chỉ có thể tìm và xét xử những kẻ quá khích và có một chiến lược chống các hành vi quá khích trên khán đài mới là giải pháp đúng đắn nhất, thay vì chỉ tuyên truyền và phạt sân.

Đương nhiên, các hành động quá khích ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức độ diễu hành gây cản trở giao thông và đốt pháo sáng trên các sân bóng. Chưa hề có những dấu hiệu nghiêm trọng như các nhóm ultra ở châu Âu, nhưng cũng đã bắt đầu manh nha các tư tưởng hận thù và lấy đó làm động cơ để tiến hành các hoạt động gây rối.

Không thể không bỏ qua những dòng viết trên Facebook từ một CĐV quá khích tự xưng là của Nam Định rằng quả pháo đó là để nhắm vào bầu Hiển, người được "giang hồ đồn" đang sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp 5 đội bóng, tức là 1/3 số đội tại V.League 2019, và do đó, có thể gây ra sự bức xúc đối với các CĐV đội khác.

Điều đó cho thấy sự quá khích không chỉ dừng lại ở việc đốt pháo cho vui, cho có không khí, để thể hiện đó là một phần của văn hoá cổ động như không ít CĐV Hải Phòng từng bao biện. Nó đã tiến lên một bước mới, nguy hiểm hơn, bởi mục tiêu gây rối đã cụ thể, rõ ràng hơn và nhắm vào một nhân vật của V.League.

Trong hai năm qua, đã xảy ra rất nhiều vụ đốt pháo ở nhiều sân bóng V-League. VFF cũng đã bị phạt tổng cộng hàng chục nghìn USD vì các CĐV đốt pháo trong các trận đấu quốc tế của đội tuyển Việt Nam. Nhưng chưa bao giờ thấy người ta đi đến tận gốc rễ của các sự cố, là tìm ra và trừng trị những kẻ gây rối.

Vài chục triệu phạt các sân, thậm chí buộc các đội đá không có khán giả chẳng thể giải quyết vấn đề gì, trong khi ảnh hưởng đến số đông những người hâm mộ chân chính.

Chỉ có thể tìm và xét xử những kẻ quá khích và có một chiến lược chống các hành vi quá khích trên khán đài mới là giải pháp đúng đắn nhất, thay vì chỉ tuyên truyền và phạt sân.

Trương Anh Ngọc

Illustration: Nhân Lê

Bạn có thể quan tâm