Thị trường chứng khoán trong nước hôm nay tiếp tục vấp phải áp lực bán và được giao dịch dưới ngưỡng tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch. Tưởng chừng chứng khoán Việt sẽ có phiên giảm thứ 5 liên tiếp, lực cầu tập trung vào các cổ phiếu trụ đã giúp thị trường đảo chiều vào cuối phiên.
Trên sàn HoSE, chỉ số VN-Index có thời điểm giảm gần 10 điểm nhưng kết phiên lại đóng cửa trong sắc xanh, tăng 4,42 điểm (+0,4%) lên 1.096,3 điểm. Tương tự, chỉ số HNX-Index tăng 1,54 điểm (+0,68%) lên 227,27 điểm; UPCoM-Index tăng 0,21 điểm (+0,25%) lên 85,1 điểm.
VN-Index thoát phiên giảm thứ 5 liên tiếp. Ảnh: DNSE. |
Rổ vốn hóa lớn VN30 hôm nay ghi nhận số mã tăng áp đảo lên tới 20 mã, 4 mã giữ tham chiếu và 6 mã giảm. Số mã tăng tập trung chủ yếu ở các cổ phiếu dòng ngân hàng như HDB (HDBank) tăng 3%, TCB (Techcombank) tăng 1,8%, CTG (VietinBank) tăng 1,7%.
Dẫu vậy, chỉ số vẫn chịu sự đè nén của các mã dẫn đầu về vốn hóa như VHM (Vinhomes), VCB (Vietcombank), GAS (PV Gas) hay MSN (Masan). Trong khi chiều ngược lại, lực kéo đến từ HPG (Hòa Phát) và các cổ phiếu ngân hàng dẫn đầu biên độ tăng kể trên.
Cổ phiếu dòng thép hôm nay chứng kiến phiên giao dịch ấn tượng khi HPG tăng 2,26%; HSG (Hòa Sen) tăng 3,61%; NKG (Thép Nam Kim) tăng 5,49% hay TLH (Thép Tiến Lên) tăng 2,24%. Các cổ phiếu vật liệu xây dựng như VGC (Viglacera), VCS (Vicostone), HTI (Hạ tầng Idico) cũng nhận được phản ứng tích cực từ thị trường.
Cổ phiếu thép, ngân hàng kéo thị trường vực dậy phiên 19/12. Ảnh: Vietstock. |
Tương tự, dòng chứng khoán đều có biên độ tăng tốt, điển hình như SSI (Chứng khoán SSI) tăng 1,42%; VND (VNDirect) tăng 1,16%; VCI (Chứng khoán Vietcap) tăng 0,98%; SHS (Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội) tăng 2,73%; HCM (Chứng khoán HSC) tăng 1,61%; VIX (Chứng khoán VIX) tăng 2,44% hay MBS (Chứng khoán MB) tăng 2,67%. Hai mã giảm hiếm hoi là WSS của Chứng khoán Phố Wall và HBS của Chứng khoán Hòa Bình.
Cổ phiếu bán lẻ lại diễn biến trái ngược khi MWG của Thế Giới Di Động tăng 2,65%; DGW của Digiworld tăng 2,42%, trong khi FRT của Bán lẻ kỹ thuật số FPT giảm 0,89%.
Đáng chú ý, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai giao dịch tại giá sàn từ rất sớm và không có dấu hiệu hồi phục ngay cả khi thị trường được kéo lên. Thanh khoản cổ phiếu này hôm nay đạt 27 triệu đơn vị, tương đương 346 tỷ đồng, khối lượng còn chất bán lên tới 14 triệu đơn vị.
Cổ phiếu HAG bất ngờ bị bán tháo. Ảnh: DNSE. |
Khối ngoại hôm nay thu hẹp giá trị bán ròng xuống còn 451 tỷ đồng. Tâm điểm xuất hiện ở chiều mua khi chứng chỉ quỹ FUEVFVND không còn bị bán tháo mà được gom ròng trở lại 142 tỷ đồng. Đây có thể là tín hiệu tích cực cho thấy khối ngoại phần nào hoàn thành quá trình cơ cấu danh mục.
Ngoài ra, một số mã đứng sau được khối này mua mạnh gồm DGC (Hóa chất Đức Giang) 52 tỷ đồng, VRE (Vincom Retail) 16 tỷ đồng, IDC (Idico) 16 tỷ đồng, HDB 12 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, cổ phiếu EIB của Eximbank dẫn đầu giá trị xả ròng của khối ngoại trong phiên với 161 tỷ đồng. Mã này cũng là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm đến nay với giá trị khoảng 5.300 tỷ đồng.
Dù cho phép tỷ lệ sở hữu tối đa nước ngoài ở mức 30%, tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ cổ phần tại nhà băng này đã giảm một mạch từ 18,92% đầu năm xuống mức 2,73%. Nguyên nhân chủ yếu do Eximbank mất đi cổ đông chiến lược là Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) và chưa tìm được đối tác ngoại mới.
Ngoài EIB, VNM của Vinamilk cũng bị bán 93 tỷ đồng hay các mã chứng khoán như SSI bị bán 91 tỷ đồng; HCM (-57 tỷ đồng); VND (-32 tỷ đồng); VCI (-25 tỷ đồng).
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...