Trong phiên giao dịch đầu tuần này, chứng khoán Việt Nam tiếp tục đối mặt áp lực bán lớn, đặc biệt từ nhóm cổ phiếu bluechips. Tình trạng dòng tiền bắt đáy từ chối nhập cuộc khiến các chỉ số dễ dàng bị xô đổ và đưa bảng điện tử ngập trong sắc đỏ.
Toàn thị trường hôm nay ghi nhận tới 427 mã giảm, 11 mã giảm sàn; 889 mã đứng giá và chỉ 250 mã tăng giá, với 23 mã tăng trần. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức trung bình, đạt 16.500 tỷ đồng.
Chỉ số VN-Index hôm nay đã bị đánh bật ra khỏi mốc 1.100 điểm lần thứ 7 tính trong năm 2023 sau khi giảm 10,42 điểm (-0,95%), tạm dừng ở mốc 1.091,88 điểm. Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng giảm 1,29 điểm (-0,57%) xuống 225,73 điểm, chỉ số UPCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,19%) xuống 84,88 điểm.
VN-Index đã giảm 4 phiên liên tiếp. Ảnh: DNSE. |
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 hôm nay chứng kiến 25 mã giảm, 2 mã giữ tham chiếu là SSB (SeABank), VHM (Vinhomes) và 3 mã tăng là VJC của Vietjet (+1,9%), ACB của Ngân hàng Á Châu (+0,2%) và VRE của Vincom Retail (+0,2%). Trái ngược với ACB và SSB, các cổ phiếu ngân hàng khác đều bị điều chỉnh giảm với biên độ mạnh nhất thuộc về HDB của HDBank (-3,2%).
3 mã ngân hàng quốc doanh gồm VCB (Vietcombank), CTG (VietinBank), BID (BIDV) dẫn đầu nhóm tác động xấu đến chỉ số. Bên cạnh đó còn có FPT (Tập đoàn FPT), VPB (VPBank), VNM (Vinamilk), TCB (Techcombank), VIC (Vingroup), GVR (Tập đoàn Cao su Việt Nam), HDB. 10 cổ phiếu kể trên đóng góp tới 6,1 điểm giảm của chỉ số chính.
Ở chiều ngược lại thì những đóng góp của VJC, STG (Kho vận Miền Nam), HNG (HAGL Agrico) là không đủ để đỡ thị trường.
Ngoài nhóm ngân hàng, cổ phiếu chế biến thủy sản tiếp tục điều chỉnh với biên độ lớn, điển hình như VHC của Vĩnh Hoàn (-3,84%), ANV của Nam Việt (-2,31%), ASM của Sao Mai (-0,7%), hay IDI của Tập đoàn IDI (-1,69%).
Trong thông báo mới nhất, quỹ thành viên Norges Bank thuộc nhóm Dragon Capital cho biết đã bán ra 100.000 cổ phiếu VHC trong phiên 13/12. Sau giao dịch, tổng lượng cổ phần nhóm Dragon Capital nắm giữ tại doanh nghiệp thủy sản này đã giảm từ 9,4 triệu xuống 9,3 triệu đơn vị, tương ứng tỷ lệ sở hữu giảm từ 5,02% xuống còn 4,97% vốn, chính thức không còn là cổ đông lớn tại Vĩnh Hoàn.
Tạm tính theo giá đóng cửa cùng phiên, nhóm quỹ Dragon Capital đã thu về khoảng 8 tỷ đồng từ thương vụ trên.
Cổ phiếu ngân hàng lao dốc mạnh phiên hôm nay. Ảnh: Vietstocks. |
Một số nhóm cổ phiếu như bán lẻ, công nghệ, chứng khoán, bảo hiểm cũng ghi nhận áp lực bán chiếm ưu thế trong phiên hôm nay.
Nhóm cổ phiếu bất động sản phân hóa mạnh khi VHM giữ tham chiếu, cổ phiếu cùng “họ Vin” là VIC giảm 1,14% còn VRE tăng 0,22%. Một số cổ phiếu khác như DIG (DIC Corp), NLG (Nam Long), TCH (Tài chính Hoàng Huy) cũng có giao dịch tích cực.
Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục nối dài chuỗi bán ròng lên 14 phiên khi xả ròng 750 tỷ đồng phiên hôm nay. Trong đó, chứng chỉ quỹ FUEVFVND dẫn đầu giá trị bán với 209 tỷ đồng, kế đó là các bluechips như VNM (-92 tỷ đồng), STB (-66 tỷ đồng), VPB (-54 tỷ đồng), CTG (-50 tỷ đồng).
Ngược lại, các mã như NLG được khối này mua vào 28 tỷ đồng, IDC (+25 tỷ đồng), FTS (+12 tỷ đồng), HAG (+10 tỷ đồng).
Độc giả Znews có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...