Sau chuỗi phiên đi ngang vùng 1.160 điểm, VN-Index bắt đầu xuất hiện các tín hiệu bứt phá khỏi ngưỡng tâm lý này. Kể từ cuối năm 2023 đến nay, động lực tăng trưởng của thị trường chứng khoán chủ yếu đến từ nhóm ngân hàng.
Bất chấp thế giằng co quyết liệt ở các nhóm cổ phiếu khác, cổ phiếu ngân hàng vẫn là điểm đến hấp dẫn dòng tiền. Diễn biến này giúp các cổ phiếu ngân hàng trong phiên 19/1 đều có biên độ tăng lớn.
Có thể kể đến mã BID của BIDV với biên độ tăng 5%, cao nhất nhóm ngân hàng lẫn rổ VN30, thị giá của BID đã tiếp tục lập kỷ lục mới khi dừng lại ở mốc 49.850 đồng/cổ phiếu.
BIDV tiếp tục củng cố vị trí top 2 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán. Sau phiên hôm nay, vốn hóa thị trường của nhà băng này đã tăng thêm 14.000 tỷ đồng, lên hơn 284.000 tỷ đồng.
Cổ phiếu BID tăng liên tục từ tháng 10/2023 đến nay. Ảnh: DNSE. |
Cổ phiếu BID cũng dẫn đầu nhóm kéo chỉ số khi đóng góp hơn 3,4 điểm tăng vào VN-Index hôm nay. Ngoài BID, nhóm ngân hàng còn có các cổ phiếu khác hỗ trợ thị trường chung như VCB (+1,7%), CTG (+3,5%), TCB (+1,6%), MBB (+1,6%).
Trái ngược với cổ phiếu ngân hàng, nhóm chứng khoán có diễn biến kém sắc khi bị chốt lời ồ ạt. Sắc đỏ bao trùm nhóm này với những cái tên như SSI (-0,3%), VND (-0,91%), SHS (-1,08%), BSI (-2,1%), FTS (-1,21%)…
Kết phiên 19/1, VN-Index tăng 12,44 điểm (+1,06%) lên mốc 1.181,50 điểm, cao nhất trong vòng 4 tháng qua; HNX-Index giảm 0,45 điểm (-0,19%) xuống 229,48 điểm; UPCoM-Index tăng 0,31 điểm (+0,35%) lên 87,46 điểm. Thanh khoản toàn thị trường không quá nổi bật khi chỉ đạt 16.500 tỷ đồng.
Chỉ số VN-Index tăng lên vùng cao nhất 4 tháng qua. Ảnh: DNSE. |
Rổ cổ phiếu vốn hóa lớn VN30 hôm nay chứng kiến 27 mã tăng và chỉ 3 mã giảm gồm VIC, SSI, VHM. Do có biên độ điều chỉnh thấp, tác động tiêu cực của 3 cổ phiếu giảm điểm không đáng kể.
Hơn một tuần trở lại đây, khối ngoại không còn ghi nhận xu hướng bán tháo cổ phiếu và bắt đầu duy trì lực mua vào ổn định. Phiên 19/1 chứng kiến dòng tiền ngoại mua vào với quy mô 167 tỷ đồng.
Danh mục mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu là các bluechips như HPG (+98 tỷ đồng), STB (+71 tỷ đồng), MWG (+64 tỷ đồng) hay VPB (+48 tỷ đồng). Ngược lại, SSI dẫn đầu danh sách bị khối ngoại bán ròng với giá trị 85 tỷ đồng, VRE (-74 tỷ đồng), chứng chỉ quỹ FUEVFVND (-37 tỷ đồng) và PVS (-33 tỷ đồng).
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.