Ngày đầu người dân TP.HCM được ăn uống tại chỗ sau giãn cách (28/10), Hồng Hân và Hoàng Yến (quận 7) là 2 trong 3 vị khách đầu tiên ghé ngồi ở một quán cà phê trên chung cư số 42 Nguyễn Huệ (quận 1).
Đây cũng là hôm các quán ở chung cư mới mở cửa, dù thành phố đã cho phép hoạt động hàng quán vài tuần nay. Chỉ 6 quán sáng đèn chờ khách. Cách đây gần nửa năm, nơi này từng có hơn 40 hộ kinh doanh quán cà phê, bar, nhà hàng.
Đó là chung cư cà phê, theo cách gọi của người dân TP.HCM và du khách. Khi đường Nguyễn Huệ được quy hoạch thành con phố đi bộ đầu tiên của thành phố vào năm 2015, hàng loạt quán xá mở ra đã khoác màu áo mới cho chung cư cũ.
Chung cư có mặt từ những năm 1880, từng là tòa nhà cao nhất nhì đại lộ Charner ngày ấy (nay là đường Nguyễn Huệ). Ảnh: Ý Linh. |
3 khách đầu tiên ngồi quán cà phê
Khoảng 10h sáng, quán The Letter (lầu 6) phục vụ một người ngoại quốc và cũng là khách đầu tiên sau khi mở cửa. Phượng (nhân viên) chờ đón khách từ 7h30, đã đứng ngay dậy vui mừng ghi món.
“Đó là một anh khá trẻ, người Hàn Quốc, mặc đồ công sở. Nhìn dáng vẻ vừa đi vừa ngó nghiêng của anh ta từ hành lang, mình đoán anh ấy đã ghé từng lầu tìm quán ngồi lại. Anh này 'khai trương' 2 ly cà phê, ngồi làm việc bên máy tính khoảng 1,5 giờ”, Phượng thuật lại.
Sau 3 năm làm việc ở quán, cô để ý đối tượng khách thường là người ngồi làm việc vào buổi sáng cho đỡ ồn, nhân viên văn phòng giải lao buổi trưa, giới trẻ đi chơi lúc chiều tối. Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, khách ngoại quốc chiếm số đông.
Còn tại quán Boo (lầu 8), Hồng Hân và Hoàng Yến (19 tuổi) ngồi đây từ đầu buổi chiều đến khoảng 16h. Đôi bạn chọn quán gần cao nhất có view đẹp, nhiều ánh sáng, để làm bài tập kết hợp chụp ảnh “sống ảo”. Chung cư này là điểm vui chơi quen thuộc của họ cũng như giới trẻ thành phố.
“Sau 5 tháng chưa đi cà phê, cảm xúc tụi mình khó tả lắm khi được trải nghiệm trở lại, như kiểu lần đầu tiên trong đời được đi chơi. Từ nhà đến đây như bước vào một không gian khác. Và cũng khá bất ngờ khi biết tụi mình là khách đầu tiên của quán”, Hân và Yến cùng cảm nhận.
Hoàng Yến và Hồng Hân đã chuẩn bị vẻ ngoài xinh xắn để chụp ảnh. Ảnh: Ý Linh. |
Quán Boo nơi hai bạn nữ đến cũng mới đón khách từ sau 12h. Đây là một trong những quán cà phê lâu năm nhất ở chung cư 42 Nguyễn Huệ, ra mắt từ 2015. Anh Huy (quản lý) cho biết sau 2 đợt giãn cách xã hội từ năm ngoái, quán vẫn đủ khả năng duy trì kinh doanh.
Khi thành phố cho bán mang đi, chung cư còn đang đóng cổng hạn chế người lạ, shipper hay khách vãng lai không thể vào mua. Đó là lý do các quán đến ngày này mới mở cửa. Ngày đầu mở lại, chỉ có tấm biển đề tên các quán cà phê Sài Gòn Ơi, The Letter, Boo, Buihaus là sáng đèn.
Các hộ kinh doanh trên chung cư thường thuê cả căn, vài cửa hàng thuê lẻ một phòng. Quán The Letter có mặt bằng gồm 2 căn hộ ở cách tầng, hiện mở bán ở căn lầu 6. Có quy mô tương tự, quán Boo thì đang bán ở căn lầu 8 và Sài Gòn Ơi ở lầu 5.
Theo quy định của thành phố, hàng quán được hoạt động trước 21h, công suất phục vụ tối đa 50%. Hiện quán xá quận 1 chưa được bán và để khách sử dụng đồ uống có cồn.
Quán đóng cửa, chỉ còn là kỷ niệm
Trong khi vài quán ở dãy nhà nhìn ra phố đi bộ Nguyễn Huệ đã đón khách, thì anh Đăng Khánh (28 tuổi) đang cùng nhân viên khuân những nội thất cuối cùng ra khỏi một căn hộ lầu 5 ở dãy nhà bên trong.
Quán Zalem của Khánh thuộc mô hình cà phê - pub, phục vụ đồ uống có và không cồn. Nơi này thường tổ chức tiệc âm nhạc, sinh nhật, nhảy múa được các bạn trẻ ưa chuộng.
Thời điểm mới mở quán từ năm 2019, việc kinh doanh của Khánh rất thuận lợi. “Doanh thu từ lượng khách vào cuối tuần có thể đủ chi trả tiền thuê nhà và lương nhân viên cả tháng”, anh khoe.
Khách nước ngoài là đối tượng đến quán đông nhất. Từ thứ 6 đến chủ nhật thường có những xe chở đoàn khách quốc tế dừng ở phố đi bộ. Nhiều người trong số họ tìm lên chung cư, khách trẻ tuổi sẽ vào quán bar, pub nhạc sôi động như Zalem.
Tuy nhiên, chung hoàn cảnh như mọi hàng quán ở thành phố trong Covid-19, Khánh bắt đầu kinh doanh khó khăn từ các đợt giãn cách. Anh mới quyết định ngưng hoạt động quán và trả mặt bằng từ tháng trước.
Quán Zalem đóng cửa hẳn, khách nước ngoài ở TP.HCM mất đi một điểm đến sôi động về đêm. Ảnh: NVCC. |
“Tôi sẽ nghỉ bán hẳn, tìm một công việc mới. Với tình hình cứ bùng dịch là phải đóng cửa bất ngờ và đợi chờ quá lâu để mở lại, tôi cảm thấy mình khó trụ nổi. Và khách có thể sẽ làm quen với kiểu giải trí mới sau dịch”, Đăng Khánh bày tỏ.
Tại lầu 7, một nữ cư dân cũng đang dọn dẹp, gom rác ra khỏi quán cà phê đã đóng cửa. Người phụ nữ cho biết chủ quán đã trả nhà từ tháng 6, nay bà xuống dọn dẹp lại để khách thuê mới đến xem.
“Không chỉ tôi, nhiều chủ nhà ở đây cũng nhận được mong muốn trả mặt bằng từ các chủ hộ kinh doanh, dù chưa hết hợp đồng. Chúng tôi thấu hiểu họ đã trải qua khó khăn từ năm ngoái, đã giảm tiền thuê nhưng rồi họ vẫn không trụ nổi”, cư dân này kể.
Theo thống kê của tổ trưởng khu dân cư, chung cư có gần 100 căn hộ, mặt bằng được thuê để kinh doanh hàng quán ăn uống, cửa hàng thời trang, thẩm mỹ là 50 căn. Nay trong đó có khoảng 20 hàng quán đã “dứt áo ra đi”.
Chiều 28/10, PV Zing ghi nhận đa số hàng quán trên chung cư vẫn đóng cửa, một số quán có nhân viên dọn dẹp nhưng chưa đón khách, hoặc đang dỡ quán trả mặt bằng. Ảnh: Ý Linh. |
Nhớ cảnh chung cư nhộn nhịp ngày trước
Bà Ngô Thị Thanh Tần (60 tuổi) là tổ trưởng khu dân cư tại đây, sống ở chung cư 42 Nguyễn Huệ từ năm 1982.
Bà kể trước năm 2015 chung cư đã cũ và không đẹp như bây giờ. Đứng từ dưới đường nhìn lên thì thấy tòa nhà tông màu xám đơn điệu, bên trong nhiều góc hơi u ám. Đến khi có phố đi bộ đầu tiên của thành phố, hàng loạt quán xá mở ra tại đây đã khoác màu áo mới cho chung cư cũ.
“Đa số chủ quán thuê căn hộ nhìn ra mặt đường Nguyễn Huệ để tận dụng lợi thế góc nhìn từ trên cao. Họ trang trí từ hành lang ra ngoài ban công màu sắc sặc sỡ, lắp đèn tên quán sáng trưng, mỗi quán một phong cách. Do đó ai đi dưới đường nhìn lên cũng thấy bắt mắt”, người phụ nữ thuộc thế hệ trước khen.
Những ngày hàng quán ở chung cư còn xập xình ngày đêm, thang máy và cầu thang bị kẹt vì khách xếp hàng dài chờ lên quán. Bà Tần và cư dân từng đau đầu “chịu đựng”.
Nhiều người dân TP.HCM và du khách nơi khác tìm đến chung cư cà phê này để ngắm trọn khung cảnh phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Ý Linh. |
“Từ ngày trở thành chung cư cà phê gì đó, cuộc sống cư dân bị ảnh hưởng lắm. Nhưng rồi bản thân hộ kinh doanh cũng dần biết ý, khách đọc bảng nhắc nhở ‘đi nhẹ - nói khẽ’ cũng ý thức hơn, chúng tôi ngày càng quen”, bà tổ trưởng chia sẻ.
Bà Thanh Tần cũng tâm sự rằng bà và cư dân coi những sắc màu, âm thanh từ hàng quán là nhịp sống của khu chung cư. Cả khu có khoảng 70 cư dân sinh sống, yên ắng đã lâu. Chút tiếng ồn hay hàng loạt khách đi qua lại cũng góp phần mang không khí tươi mới đến đây.
“Tôi mong họ sớm hoạt động trở lại. Nếu ảnh hưởng thì mình như người lớn trong nhà nhắc nhở các cháu. Ít ra nơi đây cũng an toàn, lành mạnh để giới trẻ giải trí”, bà cho hay.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.