Trao đổi với Zing chiều 1/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết các bên liên quan đang đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng, triển khai dự án cầu Thủ Thiêm 2. Dự án cần được hoàn thành để vận hành trước ngày 30/4/2022.
"Vướng mắc lớn nhất của cầu Thủ Thiêm 2 hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng. Việc bàn giao đất của nhà máy Ba Son vừa qua thực hiện còn chậm, ảnh hưởng tới tiến độ", Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ.
Việc thi công cầu Thủ Thiêm 2 tạm ngừng khi đã hoàn thành 70% khối lượng. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM khẳng định sau khi bàn giao toàn bộ mặt bằng theo kế hoạch, dự án này sẽ không còn trở ngại nào khác. Hiện tại, UBND quận 1 cùng các bên liên quan đang hoàn tất thủ tục pháp lý để bàn giao phần đất còn lại cho dự án cầu Thủ Thiêm 2.
Vừa qua, Công ty Đại Quang Minh (nhà đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 2) cho biết công trình này đang đối mặt nhiều rủi ro về chất lượng sau thời gian dài ngừng thi công.
Đến nay, nhịp cầu chính lắp đặt được 11/17 đốt dầm thép và 35/56 bó cáp dây văng. Việc thi công dang dở khiến dầm có nguy cơ bị vặn, xoay, tạo ra ứng suất phát sinh trong kết cấu nhịp và trụ. Bên cạnh đó, các dây văng chưa được lắp thiết bị giảm chấn sẽ làm tình trạng dao động này trầm trọng hơn.
Trong quá trình tạm dừng thi công, nhà đầu tư cho biết công trình vẫn được quan trắc thường xuyên. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài đến mùa mưa, việc ổn định cho nhịp, dây văng đã lắp đặt là rất khó.
Liên danh nhà thầu kiến nghị từ nay đến 15/4, nếu công trình không tái thi công sẽ giải thể công trường. Các thiết bị đặc chủng như giàn nâng sẽ đưa sang thi công ở Singapore, thiết bị thi công dây văng sẽ chuyển sang Nam Phi.
Cầu Thủ Thiêm 2 có tổng mức đầu tư 3.082 tỷ đồng. Dự án thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), khởi công từ 2015 và dự kiến ban đầu hoàn thành vào 2018.
Cầu có quy mô 6 làn xe, dài hơn 1,4 km, với phần cầu dài gần 890 m, trụ tháp chính cao 113 m, nghiêng về phía Thủ Thiêm. Cầu được kỳ vọng kết nối giao thông giữa khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm thành phố hiện hữu, giảm áp lực giao thông cho cầu Sài Gòn, đường hầm sông Sài Gòn giữa quận 1 và TP Thủ Đức.
Tháng 9/2020, công trình đạt 70% khối lượng và tạm dừng thi công các hạng mục còn lại do còn vướng giải phóng mặt bằng.