Quý III/2021, kinh tế Việt Nam chứng kiến một kỷ lục buồn chưa từng có khi lần đầu tiên từ khi Đổi mới, GDP một quý giảm tới 6,17%. Tăng trưởng GDP 9 tháng năm đó chỉ đạt 1,42%, cũng thấp kỷ lục. Đó là khi Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Nhiều vùng kinh tế trọng điểm phải giãn cách xã hội, cả y tế và kinh tế đều gánh những hậu quả chưa từng có.
Tháng 9/2021 cũng là thời điểm “đầu tàu” kinh tế của Việt Nam là TP.HCM tiên phong bắt đầu mở cửa trở lại sau những tháng cao điểm chống dịch. Bài toán vừa chống dịch, vừa thích nghi để phục hồi kinh tế được quan tâm đặc biệt lúc này. Bối cảnh đó lại càng cấp thiết khi nhiều nước trên thế giới đã mở cửa, bắt đầu sống chung với dịch, phục hồi nhanh về kinh tế.
Lúc TP.HCM chuẩn bị tiên phong mở cửa cũng là lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mở lại Diễn đàn Kinh tế thường niên sau thời gian gián đoạn từ 2017. Chủ đề nóng nhất, được quan tâm nhất, cũng là thời sự lúc đó của diễn đàn là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam để vượt qua dịch bệnh. Làm thế nào để Việt Nam có thể sớm phục hồi, “đón làn sóng” tăng trưởng của thế giới.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh việc Việt Nam có thể lỡ nhịp phục hồi khi dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 là 3,5-3,8%, trong khi nhiều nước trên thế giới là 6%. Bài toán sớm xây dựng và triển khai một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chưa từng có lịch sử kinh tế Việt Nam được manh nha. Đó cũng là chủ đề thời sự được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Phạm Thắng. |
Nhiều nước mạnh tay tung các gói hỗ trợ kinh tế
Theo thống kê của các nhà kinh tế, dịch Covid-19 khiến kinh tế toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng. Năm 2020có thể gọi là năm “gục ngã” của nền kinh tế toàn cầu với GDP suy giảm tới 4,4% so với năm 2019, thậm chí, có nghiên cứu còn cho rằng, mức suy giảm có thể lên trên 5,2%. Thiệt hại nặng nề nhất là ở các nước phát triển, với mức suy giảm trong tăng trưởng thường ở mức từ 6%. Điển hình như Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha… mức suy giảm trên 11%.
Sang năm 2021, khi các nước phát triển bắt đầu phục hồi và sống chung với dịch nhờ chiến lược tiêm chủng sớm, thì châu Á bắt đầu hứng chịu những đợt dịch nặng nề. Kinh tế châu Á, trong đó có Việt Nam, bắt đầu hứng chịu những hậu quả chưa từng có.
Từ giữa năm 2020 đến đầu năm 2021, để ngăn chặn đà suy thoái kinh tế sâu, nhiều nước tung ồ ạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ với quy mô rất lớn.
Ở Mỹ, ngay từ tháng 3/2020, Chính phủ nước này đã công bố Đạo luật cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES) với một gói chi tiêu lên tới 3.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế vượt qua dịch Covid-19. Đầu tháng 10/2020, Bộ Tài chính Mỹ lại đề xuất gói cứu trợ mới trị giá 1.800 tỷ USD. Bước sang năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden lại đề xuất thêm gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD và được thông qua.
Đến cuối năm 2021, Tổng thống Joe Biden lại tiếp tục ký ban hành Luật cơ sở hạ tầng với gói hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nước này lên tới 1.200 tỷ USD. Như vậy, quy mô gói kích thích kinh tế Mỹ lên tới trên 6.000 tỷ USD.
Quy mô gói hỗ trợ kinh tế của một số quốc gia | ||||||
Nhãn | Mỹ | EU | Nhật Bản | Trung Quốc | Indonesia | |
Tỷ USD | 6000 | 5100 | 708 | 559 | 43 |
Đối với các nước EU, cuối tháng 7/2020 đã phê chuẩn gói cứu trợ 750 tỷ euro. Sau đó, khối này tiếp tục tung ra gói hỗ trợ 1.350 tỷ euro thông qua chương trình mua vào trái phiếu. Tính đến giữa tháng 5/2021, toàn khối EU đã tung ra các gói kích thích kinh tế lên đến khoảng 4.800 euro.
Nhật Bản cũng tung gói kích thích trị giá 108.000 tỷ JPY (khoảng 989 tỷ USD) ngay từ tháng 4/2020, tương đương 20% tổng GDP nước này nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tháng 12/2020, gói kích thích kinh tế mới trị giá lên tới 73,6 nghìn tỷ JPY (khoảng 708 tỷ USD) tiếp tục được tung ra.
Đối với Trung Quốc, tháng 5/2020 nước này công bố gói kích thích kinh tế trị giá 4.000 tỷ CNY (tương đương 559 tỷ USD).
Cần có một gói phục hồi và phát triển kinh tế đủ lớn
Kinh tế Việt Nam có mức độ mở cao, khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến chuỗi sản xuất toàn cầu bị đứt gãy, các hoạt động kinh tế của Việt Nam chịu các cú sốc cung cầu nghiêm trọng. Hệ quả tất yếu là tăng trưởng suy giảm rất mạnh, chỉ còn đạt mức 2,91% năm 2020. Tuy đây vẫn là mức tăng trưởng dương nhưng là mức tăng trưởng GDP thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Ba quý đầu năm 2021 chỉ tăng trưởng 1,42%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra.
Năm 2020, Chính phủ tiến hành một loạt biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp người dân. Nổi bật là các chính sách giãn, hoãn thuế phí, biện pháp hỗ trợ với gói 38.000 tỷ đồng trích từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Theo tính toán, khoảng 13,7 triệu người được thụ hưởng trực tiếp từ gói này với mức hỗ trợ thấp nhất là 1,8 triệu đồng và cao nhất 3,3 triệu đồng/người. Tuy nhiên, các chương trình ứng phó, hỗ trợ có quy mô còn khiêm tốn. Khi dịch Covid-19 ảnh hưởng càng mạng, kinh tế càng khó khăn, đòi hỏi gói hỗ trợ cũng phải lớn hơn rất nhiều.
Tăng trưởng GDP một số quý giai đoạn 2021-2022 | ||||||||
Nhãn | Quý I/2020 | Quý II/2020 | Quý III/2020 | Quý IV/2020 | Quý I/2021 | Quý II/2021 | Quý III/2021 | |
% | 3.68 | 0.39 | 2.69 | 4.48 | 4.48 | 6.61 | -6.17 |
Tại Diễn đàn kinh tế thường niên vào tháng 9/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định khi xuất hiện biến chủng mới Delta, dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ tư đã tác động nặng nề đến kinh tế - xã hội, sức khỏe, thể chất và tinh thần của người dân. Dịch bệnh tác động rất nhanh và mạnh đến TP.HCM cùng các tỉnh trọng điểm phía Nam, nơi đóng góp 45% GDP cho cả nước.
Ông lo ngại kết quả này còn tiếp tục tác động đến mục tiêu tăng trưởng năm 2022 và nhiệm vụ trong giai đoạn 5 năm (2021-2025). Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn lại lời chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng mức tăng trưởng của Việt Nam bị sụt giảm một phần do tình hình y tế xấu đi và chương trình vaccine triển khai chậm.
Do đó, ông đồng tình với khuyến nghị của các chuyên gia kinh tế rằng Việt Nam cần có một chính sách tài khóa và tiền tệ đủ lớn, đủ mạnh, giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng quyết sách của Quốc hội. Đặc biệt khi tháng 10/2021, Quốc hội bắt đầu xem xét lại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2021 và 2022, có thể sẽ là một chương trình phục hồi và phát triển kinh tế lớn bắt đầu triển khai ngay từ đầu năm 2022.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc tung ra gói kích thích kinh tế là cần thiết và phải làm nhanh để đón đà phục hồi của kinh tế thế giới.
“Năm 2021 và cả năm 2022, khi các nước phục hồi mạnh, Việt Nam có thể gặp rủi ro khi lỡ nhịp tăng trưởngcủa thế giới", ông Vương Đình Huệ nói.
Tính toán đến đà phục hồi kinh tế của thế giới
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định trên thế giới đang có sự phân hóa 2 nhóm nước. Nhóm thứ nhất là các nước đang phục hồi mạnh, chủ yếu là quốc gia phát triển. Tiền đề của họ là chủ động nguồn vaccine, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, thực lực kinh tế tốt, tung ra các gói hỗ trợ hấp dẫn, thậm chí có nước "siêu nới lỏng" chính sách tài khóa và tiền tệ.
Nhóm thứ hai là những nước đang phục hồi chậm, đối mặt với rủi ro bùng phát dịch bệnh trở lại, số ca tử vong có thể tăng lên. Đây là nhóm thuộc nhóm thị trường mới nổi, đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đặc điểm của nhóm này là chưa tự chủ vaccine, dư địa tài khóa tiền tệ chưa phải nhiều, thực lực còn yếu.
Khi mình có khả năng bắt đầu phục hồi, mà những đối tác lớn của chúng ta lại thắt chặt sớm hơn, thì đó là thách thức lớn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Ông nhấn mạnh việc lỡ nhịp phục hồi hoàn toàn có thể xảy ra khi dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam là 3,5-3,8%, trong khi nhiều nước trên thế giới là 6%. Do đó, ông lưu ý cần phải coi trọng công tác dự báo, tính toán cả những yếu tố này trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, ông cảnh báo các nước đang phát triển như Việt Nam còn có thể gặp rủi ro kép. Đó là khi trong trung và dài hạn, nhóm này phục hồi kinh tế thì nhóm nước tiên tiến đã lại thắt chặt trở lại chính sách tài khóa và tiền tệ, để đề phòng rủi ro lạm phát và hệ quả của "siêu nới lỏng".
"Chính phủ cần bàn kỹ vấn đề này. Khi mình có khả năng bắt đầu phục hồi, nhưng những đối tác lớn của chúng ta sẽ thắt chặt sớm hơn, thì đó là thách thức lớn", ông nói.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc hỗ trợ phải có mục tiêu, có đích đến, có thời hạn cụ thể cho từng đối tượng. Ông cũng cho rằng cần có giải pháp giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp như có thể cho phép chuyển lỗ nhiều hơn trong điều kiện hiện nay để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ dòng tiền.
Ngoài ra, có thể tính toán biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị lỗ bằng khoản chi phí trong giá thành cao hơn chi phí thực tế, nhất là trong chi phí về nhân công. Điều này có thể hỗ trợ doanh nghiệp có thực lực, nhưng đang bị lỗ.
Khâu tổ chức thực thi chính sách cũng phải nhanh gọn, tăng cường đẩy nhanh giải ngân đầu tư công. Ông nhấn mạnh trước mắt phải làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, đẩy nhanh giao vốn vì hiện tại còn khoảng 80.000 tỷ chưa phân bổ được.
Về mô hình chống dịch, ông nhắc lại ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng dịch bệnh còn kéo dài, trên thế giới có nhiều mô hình chống dịch. Ngày càng có nhiều nước chuyển sang mô hình thích ứng, chuyển sang giảm tỷ lệ tử vong thay vào giảm ca nhiễm, đẩy nhanh tiêm chủng và đạt 60-70% dân số.
Do đó, Việt Nam nếu mở cửa thì phải mở có lộ trình, có kiểm soát, mở cửa theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng đối tượng doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào an toàn sẽ được ưu tiên xem xét mở cửa. Cùng với đó, cần nâng cao năng lực của ngành y tế và nâng cao ý thức của cộng đồng.
Bình luận