Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Lãnh đạo áp lực trách nhiệm, địa phương 'khóa cứng'

TS Nguyễn Sỹ Dũng nhận xét nhiều lãnh đạo địa phương chịu áp lực về trách nhiệm, nên khi xuất hiện ca nhiễm nCoV thì thực hiện phong tỏa, "khóa cứng" địa bàn lại.

Việc các địa phương áp đặt mô hình "Zero Covid-19" trong thời gian quá dài là một trong những nguyên nhân khiến kinh tế - xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề. Đây là nhận định của TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đưa ra tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội sáng 27/9.

1-2 ca nhiễm đã phong tỏa

"Phong tỏa cứng đất nước chỉ có thể kéo dài trong 7 ngày, nhiều nhất là 10 ngày, không thể phong tỏa cả nửa năm trời", ông Dũng nói và cho biết điều may mắn là Chính phủ đã bắt đầu nói về việc sống chung an toàn với Covid-19, chuyển đổi mô hình chống dịch.

Nhiều nơi chỉ mới xuất hiện ca nhiễm nhưng đã yêu cầu phong tỏa, "khóa cứng"

TS Nguyễn Sỹ Dũng

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, mô hình chống dịch của các địa phương hiện vẫn rất khác nhau. Đồng thời, "vòng kim cô" đối với lãnh đạo địa phương chính là việc áp đặt người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để bùng phát dịch bệnh.

Điều này khiến nhiều nơi chỉ mới xuất hiện 1-2 ca nhiễm nhưng đã thực hiện phong tỏa, "khóa cứng".

TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng TP.HCM và nhiều địa phương cần chuyển đổi mô hình sản xuất, bắt đầu từ việc cho mở cửa chợ do hàng triệu người đang phụ thuộc vào đây.

Ngoài ra, ông cho rằng một số chính sách kinh tế ở nhiều tỉnh, thành phố còn hạn chế, bất cập. Ví dụ, việc TP.HCM không cho chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ đầu mối hoạt động, nhưng lại cho phép siêu thị. Ông cho rằng không phải người dân nào cũng có thể tiếp cận được hàng hóa trong siêu thị.

de xuat mo cua cho truyen thong anh 1

Nguyên phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết việc theo đuổi mục tiêu "Zero Covid-19" là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế sụt giảm. Ảnh: QH.

Theo tính toán, khoảng 29,3 triệu người không có việc làm nhưng vẫn phải mua hàng qua siêu thị. Trong khi chợ truyền thống giá rẻ không thể tiếp cận được.

"Những người nghèo khốn khổ thế nào nếu chợ truyền thống đóng cửa, rồi những hộ kinh doanh nhỏ lẻ không thể mua hàng từ chợ đầu mối, làm sao có thể mua ở siêu thị mãi được?", TS Nguyễn Sỹ Dũng nói.

Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết không chỉ TP.HCM mà nhiều địa phương nếu tính đến chuyển đổi mô hình sản xuất thì bắt buộc phải mở chợ trước vì hàng triệu người phụ thuộc vào đó, không chỉ người mua mà cả người bán.

Đồng thời, nếu chuyển đổi mô hình chống dịch, Chính phủ phải phương án phải mạch lạc, không thể mỗi tỉnh mỗi kiểu.

"Mỗi tỉnh mỗi kiểu, nơi đòi giấy loại này, nơi đòi giấy khác thì làm sao có thể lưu thông được", ông Dũng đặt vấn đề và cho rằng phải rất nghiêm túc để xem xét việc nếu chuyển đổi mô hình thì việc chuyển đổi đầu tư, lưu thông và chuỗi cung ứng sẽ diễn ra thế nào.

Lo ngại lao động về quê sống tự cung tự cấp

Nhắc đến vấn đề việc làm, TS Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng việc thiếu hụt lao động, nghịch lý lao động là "nơi thiếu cứ thiếu, nơi thừa cứ thừa" khi nhiều địa phương như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương... thiếu lao động, người dân về quê chưa biết bao giờ quay trở lại.

Trong khi đó, các chuỗi cung ứng toàn cầu không thể tạm ngừng, cũng không thể để đứt gãy. Do đó, ông lo ngại nếu không có chính sách lôi kéo lao động thì việc thiếu hụt lao động càng trở nên trầm trọng khi người dân về quê sống cuộc sống tự cung tự cấp, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế.

"Các giải pháp được thực hiện nhưng nếu không tăng được nguồn cầu trong nước thì kinh tế không thể tăng trưởng. Đây là vấn đề chính sách tài khóa phải tính tới", ông Dũng nói.

Đồng thời, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khuyến nghị việc có một chương trình tín dụng để hỗ trợ người kinh doanh nhỏ, lẻ vì đây là lực lượng chiếm tỷ lệ lớn trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Những người này có nguồn vốn nhỏ, nhưng do dịch bệnh không thể buôn bán nên không còn tiền.

TP.HCM trải qua gần 4 tháng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, kể từ khi dịch bệnh bùng phát trở lại vào đầu tháng 6. Sau khi số ca nhiễm tăng nhanh, TP yêu cầu dừng toàn bộ hoạt động của chợ truyền thống, chợ dân sinh và chợ đầu mối. Nhằm đảm bảo lượng hàng cung ứng hàng hóa cho người dân thành phố, từ đầu tháng 9, địa phương cho phép 3 chợ đầu mối là Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền mở điểm tập kết, trung chuyển hàng.

UNDP: Việt Nam cần sớm hỗ trợ 77.000 tỷ đồng cho người dân

Chuyên gia của UNDP cho rằng Việt Nam nên thực hiện một gói hỗ trợ bằng tiền mặt cho người dân càng sớm càng tốt, vừa khắc phục hậu quả của dịch, vừa giúp phục hồi kinh tế.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ có quy chế phối hợp khi mở cửa nền kinh tế

TP.HCM kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các địa phương trong việc mở cửa lại nền kinh tế và phòng, chống dịch nhằm đảm bảo lưu thông người và hàng hóa.

Mỹ Hà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm