Sáng 25/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với các bộ, ngành và địa phương.
Báo cáo Thủ tướng tại điểm cầu Hà Nội, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho biết trong đợt dịch lần thứ 4, TP có gần 4.000 ca F0, đến nay chỉ còn hơn 500 trường hợp đang phải điều trị ở bệnh viện.
Hà Nội đã chủ động chuẩn bị phương án đáp ứng điều trị 40.000 ca mắc Covid-19 và đã chuẩn bị các điều kiện cách ly, thu dung, điều trị F0 thể nhẹ cũng như các bệnh viện phân tầng 2, 3. Thành phố cũng sẵn sàng các điều kiện về nhân lực, vật tư y tế, nguồn oxy, trang thiết bị máy móc để đề phòng diễn biến tình hình dịch bệnh xấu hơn.
Luôn bám sát chỉ đạo của Thủ tướng xét nghiệm diện rộng, tầm soát y tế toàn dân và tiến hành tiêm chủng thần tốc cho nhân dân, ông Phong nói việc xét nghiệm sàng lọc đem lại hiệu quả cao và giúp Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội, cho phép nhiều dịch vụ hoạt động.
Song, Phó bí thư Hà Nội cũng nhìn nhận việc dịch bệnh phức tạp khiến Hà Nội phải thực hiện 4 lần giãn cách theo tinh thần Chỉ thị 16 trong 60 ngày đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Phong khẳng định kinh nghiệm của Hà Nội là luôn sẵn sàng các dây chuyền tiêm hoạt động hết công suất khi được phân bổ vaccine. Với sự hỗ trợ của các địa phương, Hà Nội có thể tiêm 600.000 mũi/ngày.
Ngoài ra, TP đẩy mạnh công tác vận động để nhân dân hiểu về tác dụng của tiêm chủng, nhận được sự hưởng ứng, đồng tình rất lớn của người dân. Vào lúc cao điểm nhất, chỉ trong một tuần lễ, thành phố đã tiêm được trên 3,5 triệu mũi.
Nhìn nhận công tác phòng, chống dịch còn bất cập do chưa có nhiều kinh nghiệm, ông Phong cho biết quan điểm của thành phố là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cầu thị để để điều chỉnh kịp thời và phù hợp với thực tiễn. "Điều này sẽ được tiếp tục điều chỉnh cả khi đã nới lỏng hay là hết giãn cách toàn xã hội", ông Phong nói.
Về kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết TP sẽ từng bước tiếp tục nới lỏng căn cứ trên thực tiễn, thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Hà Nội sẽ triển khai các quy định tới các quận, huyện, căn cứ vào tình hình từng địa phương, trên tinh thần bám sát 6 nguyên tắc mà Thủ tướng đặt ra.
Về phần kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng, Phó bí thư Hà Nội cho biết dịch bệnh cơ bản kiểm soát nhưng Hà Nội được xác định nguy cơ vẫn cao, vẫn còn tâm lý lơ là, chủ quan, sớm tự mãn với kết quả phòng chống dịch. Hà Nội đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải cân nhắc việc triển khai chuyến bay thương mại và vận tải hành khách đường sắt đến Hà Nội.
Theo kế hoạch tiêm trả vaccine mũi 2 vào tháng 10, Hà Nội đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngành quan tâm bố trí đủ vaccine để Hà Nội đảm bảo tiêm đúng kỳ hạn cho người dân trên địa bàn.
Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng từ 6h ngày 21/9. Sau 2 tháng giãn cách xã hội, số ca bệnh tại thủ đô đang có xu hướng giảm dần và thấp nhất từ đầu đợt bùng phát thứ 4. Tính đến trưa 25/9, CDC Hà Nội đã ghi nhận 3.965 trường hợp mắc Covid-19.
Theo Chỉ thị mới của UBND Hà Nội về nới lỏng giãn cách, TP cho phép dịch vụ ăn uống (mang về), cắt tóc, gội đầu, kinh doanh, sửa chữa đồ điện tử, xe cộ, văn phòng phẩm được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, TP vẫn dừng hoạt động thể dục, giải trí nơi công cộng và một số dịch vụ không thiết yếu khác.
Nhiều tỉnh phía bắc tiếp nhận người về từ vùng dịch thế nào?
Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Giang yêu cầu người về từ nơi có dịch xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính và hầu hết đều yêu cầu tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.
Hà Nội xúc tiến tìm nguồn vaccine cho trẻ em
Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết TP phấn đấu hoàn thành tiêm mũi 2 vaccine ngừa Covid-19 cho người dân trong tháng 11 và xúc tiến tìm nguồn vaccine cho trẻ em.
Phó bí thư Hà Nội: 'Không thể chấp nhận việc ra đường đông như vậy'
Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng nỗ lực của toàn thành phố trong 2 tháng chống dịch có thể đổ bể khi người dân tụ tập đi chơi Trung thu.