Chiều 22/9, Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng chủ trì buổi làm việc trực tuyến của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội với quận, huyện, thị xã.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh (nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP) cho rằng tình hình dịch trên địa bàn còn diễn biến phức tạp. Thời gian tới, ông dự đoán Hà Nội vẫn xuất hiện các F0 trong cộng đồng khi TP quay trở lại phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Chưa có quy định cụ thể về "thẻ xanh" vaccine
Dưới góc độ chuyên gia, ông cho rằng TP cần tập trung xét nghiệm nhanh, xét nghiệm tập trung không để các ổ dịch lan rộng trong cộng đồng. Bên cạnh đó, TP linh hoạt duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ bao phủ mũi 2 vaccine cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.
“Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong truy vết giúp công tác phòng, chống dịch của thành phố hiệu quả hơn. TP cần thực hiện việc giám sát trọng điểm đối với các khu vực có ổ dịch, các đối tượng có nguy cơ cao để chủ động các biện pháp cách ly linh hoạt", ông Hạnh nói.
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh. Ảnh: Đ.X. |
Liên quan đến vấn đề “thẻ xanh” đối với người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết đến nay Bộ Y tế vẫn chưa có quy định cụ thể. Trên thực tế, người dân đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn có thể bị mắc Covid-19.
Ông Hạnh khuyến cáo người dân đã tiêm 2 mũi vaccine không chủ quan và thành phố cần cân nhắc kỹ các yếu tố chuyên môn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đến thời điểm này, dịch bệnh của Hà Nội không bùng phát lên là một thành công. Tuy nhiên, để trở về “Zero Covid-19” là rất khó, dịch vẫn còn lẩn khuất trong cộng đồng. Hơn nữa, tình hình dịch trên cả nước vẫn diễn biến phức tạp.
Ông cho rằng sau khi tiêm 1 mũi vaccine thì miễn dịch còn kém, tiêm đủ 2 mũi thì giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ chuyển biến nặng chứ không miễn nhiễm. Khả năng truyền bệnh giữa người tiêm và chưa tiêm là giống nhau.
Trước ý kiến Hà Nội nên nghiên cứu cấp "thẻ xanh" cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng Hà Nội không nên nóng vội. Để giữ vững thành quả phòng, chống dịch, Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 2 cho người dân kèm theo các biện pháp khoanh vùng, dập dịch hiệu quả.
"Biển người" đi chơi Trung thu là hình ảnh không đẹp
Kết luận phiên làm việc, Phó chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng nhấn mạnh việc tiêm vaccine là cần thiết để tạo miễn dịch cộng đồng. Song, không vì thế mà người dân đã tiêm đủ 2 mũi lại chủ quan lơ là.
Dẫn lại việc hàng nghìn người đổ về các tuyến phố trung tâm chơi Trung thu tối 21/9 là hình ảnh không đẹp đối với công tác phòng, chống dịch của thành phố, ông Dũng nhấn mạnh việc này cho thấy một số địa phương chưa thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch.
Phó chủ tịch thành phố yêu cầu các địa phương bảo đảm rõ người, rõ việc, không để khoảng trống trong công tác điều hành. Trong đó, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch, thông điệp 5K của Bộ Y tế và chỉ ra đường khi thực sự cần thiết.
Phó chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng cho rằng việc người dân đổ ra đường chơi Trung thu có trách nhiệm chính quyền cơ sở. Ảnh: Việt Linh. |
“Các địa phương tiếp tục duy trì chốt trực tại khu dân cư để nắm di biến động của người dân bởi những ngày qua có lượng lớn người dân từ các tỉnh, thành về Hà Nội. Kiên quyết đóng cửa các cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm công tác phòng, chống dịch", ông Dũng nói.
Báo cáo tại giao ban, đại diện Sở Y tế cho biết trong ngày 22/9, thành phố ghi nhận 6 trường hợp F0, trong đó có 5 người tại khu vực cách ly tập trung và một ngoài cộng đồng.
Về trường hợp F0 cộng đồng tại quận Hà Đông, Sở Y tế đề nghị các địa phương khẩn trương khoanh vùng diện hẹp, tăng cường kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ vừa được phép mở cửa trở lại, quản lý chặt người dân đi từ các tỉnh, thành khác về.
Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng từ 6h ngày 21/9. Sau 2 tháng giãn cách xã hội, số ca bệnh tại thủ đô đang có xu hướng giảm dần và thấp nhất từ đầu đợt bùng phát thứ 4. Tính đến tối 22/9, CDC Hà Nội đã ghi nhận 3.950 trường hợp mắc Covid-19.
Theo Chỉ thị mới của UBND Hà Nội về nới lỏng giãn cách, TP cho phép dịch vụ ăn uống (mang về), cắt tóc, gội đầu, kinh doanh, sửa chữa đồ điện tử, xe cộ, văn phòng phẩm được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, TP vẫn dừng hoạt động thể dục, giải trí nơi công cộng và một số dịch vụ không thiết yếu khác.