Tối 21/9, hàng loạt tuyến đường quanh khu vực trung tâm Hà Nội dày đặc người đi đường. Một số đường như Hàng Lược, Hàng Cân, Hàng Mã, Đinh Tiên Hoàng ùn ứ vì hàng chục người chen chúc trong phạm vi chỉ vài mét vuông.
Nói về việc này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng đây là những hình ảnh rất khó chấp nhận, đi ngược lại hoàn toàn với chủ trương giãn cách xã hội, dừng tụ tập đông người ở nơi công cộng mà TP đang thực hiện.
"Người dân quá chủ quan"
Theo ông Phu, TP vừa đạt được một số thành quả tích cực trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, số ca mắc ngoài cộng đồng chưa thể tìm ra hết, tiêu biểu là chùm ca bệnh mới nhất ở quận Long Biên đã gần 10 người với F0 chỉ điểm phát hiện qua sàng lọc.
"Trong biển người hôm qua chỉ cần có một trường hợp F0, để dịch bùng lên lại thì rất khó truy vết, vô cùng tai hại. Chúng ta nới lỏng từng bước dần đi đến trạng thái bình thường mới, còn bây giờ vẫn phải nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 15, tức là người dân chỉ ra đường khi thực sự cần thiết", ông Phu nói.
Khi TP nới lỏng giãn cách thì chính quyền, người dân, cơ quan chức năng càng phải cảnh giác cao độ, tuân thủ nghiêm 5K của Bộ Y tế, hạn chế đến mức thấp nhất việc gặp gỡ, tụ tập và nên ở trong nhà.
Người dân thủ đô tràn ra đường tối 21/9 trên phố Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Phạm Hà. |
Ông Phu cũng nhấn mạnh nếu người dân ra đường để đi làm, đi sản xuất thì có thể thông cảm, nhưng nếu để giải trí, đi chơi thì chính quyền TP cần có các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn những hoạt động này tái diễn.
Dẫn ra ví dụ từ một số quốc gia siết chặt, hạn chế đến mức thấp nhất việc tổ chức các lễ hội để tránh nguy cơ lây nhiễm không đáng có khi người dân đổ ra đường, ông nhấn mạnh TP tạo điều kiện nhưng người dân không thể vì thế mà bỏ qua các quy định, khuyến cáo vì có thể phải trả giá bằng sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng.
Ông đề nghị ngành y tế TP cần chỉ đạo rà soát ngay trường hợp ho, sốt từng đi chơi Trung thu vào đêm qua để sàng lọc. Bên cạnh đó, Hà Nội cần có biện pháp quản lý, điều tiết người ra đường hợp lý ở các tuyến trung tâm, hạn chế tình trạng tụ tập đông người tái diễn như thời điểm tối 21/9.
Hình ảnh người dân ra đường chơi Trung thu rất "đáng buồn"
Còn TS.BS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, bày tỏ lo ngại về khả năng lây nhiễm trong "biển người" vào đêm qua ở Hà Nội. Bà cho rằng những hình ảnh người dân đổ ra đường chơi Trung thu tối 21/9 rất "đáng buồn".
Lo ngại thứ nhất của bà Thu Anh là nhiều gia đình mang trẻ em đi chơi Trung thu, mà đây là đối tượng hoàn toàn không có miễn dịch, lại không được tiêm vaccine nên nguy cơ lây nhiễm lớn hơn rất nhiều.
Đặc điểm của trẻ em khi nhiễm nCoV là khả năng chuyển nặng thấp, nhưng tải lượng virus lại rất lớn, là trung gian truyền bệnh rất lý tưởng của virus. Việc đưa trẻ em đến nơi đông người có thể khiến dịch bùng phát nhanh, mạnh hơn nếu trong đám đông có nguồn lây.
Chuyên gia lo ngại việc đưa trẻ em ra đường thời điểm này có thể tăng nguy cơ lây nhiễm. Ảnh: Việt Linh. |
Lo ngại thứ hai là hầu hết người dân thủ đô cũng mới được tiêm một mũi vaccine, lượng kháng thể vẫn còn rất thấp, gần như không thể miễn dịch nếu tiếp xúc gần với F0.
"Tình huống xấu nhất là sau đêm Trung thu, dịch lây lan âm thầm từ người trong đám đông và phải mất 1-2 tuần sau mới phát hiện được. Nếu TP lại phải quay lại siết chặt giãn cách xã hội thì thiệt hại đối với TP và người dân rất nặng nề", bà Thu Anh cho biết.
Bác sĩ lo ngại nhiều kế hoạch của TP có thể bị ảnh hưởng, trong đó nguy hiểm nhất là việc học sinh không thể trở lại trường học trong thời gian tới.
Nhấn mạnh người dân có vai trò trung tâm của công tác phòng, chống dịch cũng như đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp, bà Thu Anh đề nghị người dân cần có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Nỗ lực chống dịch có thể đổ bể nếu người dân không hợp tác, bỏ ngoài tai khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Hà Nội bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng từ 6h ngày 21/9. Sau 2 tháng giãn cách xã hội, số ca bệnh tại thủ đô đang có xu hướng giảm dần và thấp nhất từ đầu đợt bùng phát thứ 4. Tính đến sáng 22/9, CDC Hà Nội đã ghi nhận 3.945 trường hợp mắc Covid-19.
Theo Chỉ thị mới của UBND Hà Nội về nới lỏng giãn cách, TP cho phép dịch vụ ăn uống (mang về), cắt tóc, gội đầu, kinh doanh, sửa chữa đồ điện tử, xe cộ, văn phòng phẩm được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, TP vẫn dừng hoạt động thể dục, giải trí nơi công cộng và một số dịch vụ không thiết yếu khác.