Số tiền trên là nguồn tiền cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước năm 2021. Việc sử dụng được yêu cầu đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả theo đúng quy định.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết 8 tháng đầu năm, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đã tập trung sử dụng dự phòng ngân sách, dự trữ tài chính để đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch và xử lý các nhu cầu chi cấp thiết về quốc phòng, an ninh. Trong đó các nguồn lực của Trung ương đã sử dụng 22.270 tỷ đồng.
Người đứng đầu ngành Tài chính cũng cho biết theo tính toán của Bộ Y tế, để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho khoảng 80 triệu dân, từ nay đến cuối năm dự kiến cần kinh phí khoảng 28.500 tỷ đồng.
Sau khi trừ số đã chi hơn 8.800 tỷ đồng từ quỹ vaccine và trên 3.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương dự kiến bố trí, Trung ương còn phải chi khoảng 16.000 tỷ đồng. Nếu dịch kéo dài và phải tiêm vaccine nhắc lại hàng năm, số tiền phải chi cho vaccine sẽ lớn hơn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn. |
Ngoài ra, căn cứ khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm, dự kiến ngân sách Trung ương phải tăng chi và hỗ trợ cho các địa phương 20.000-24.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng nhu cầu Trung ương phải chi để mua vaccine và chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới là 36.000-40.000 tỷ đồng.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, việc đưa khoản tiết kiệm 50% kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác vào tổng nguồn cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để phục vụ phòng chống dịch là hợp lý. Tuy nhiên, để bảo đảm tính công khai, minh bạch, ông Cường đề nghị Chính phủ báo cáo rõ số liệu khoản tiết kiệm kinh phí trên.