Trong bài phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao khóa họp 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chiều 22/9 (giờ New York), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề cập tới chủ đề "Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau Covid-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên Hợp Quốc".
Theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay họp mặt trong một bối cảnh hết sức đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 đang tiếp tục hoành hành trên toàn cầu.
Kiểm soát đại dịch Covid-19 trên toàn cầu là nhiệm vụ cấp bách
“Trong cơn cuồng phong của bão dịch Covid-19, tôi tin rằng quý vị cũng đều lo lắng nghĩ tới người dân, đất nước mình, và trái tim tôi cũng hòa chung nhịp đập đó, tha thiết hướng về quê hương Việt Nam, nơi cả nước đang chung sức chống dịch, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân, duy trì phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Ông nói rằng không con số thống kê nào có thể đo đếm được nỗi đau và mất mát trong đại dịch Covid-19, trên hết là những mất mát về người, cùng với đó là những thiệt hại to lớn về kinh tế, những tác động sâu sắc đối với xã hội và sự thụ hưởng quyền của người dân.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận chung cấp cao khoá họp 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: TTXVN. |
Theo người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, đại dịch là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về sức tàn phá khủng khiếp của thách thức an ninh phi truyền thống nếu không được quan tâm, xử lý từ sớm, từ xa. Đại dịch cũng làm bộc lộ những hạn chế, bất cập của hệ thống quản trị toàn cầu cũng như tình trạng bất bình đẳng trên toàn thế giới.
Trong bức tranh ảm đạm của đại dịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lại nêu bật ánh sáng từ khát vọng của toàn nhân loại hướng tới hòa bình, hợp tác và phát triển.
Tại phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần này, lãnh đạo Nhà nước Việt Nam chia sẻ 5 đề xuất.
Trước hết, ông khẳng định nhiệm vụ cấp bách hàng đầu hiện nay là kiểm soát đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu. “Thế giới chưa thể an toàn khi còn có bất cứ người dân hay quốc gia nào chưa an toàn trước đại dịch”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ông cảm ơn và đánh giá cao vai trò của các tổ chức Liên Hợp Quốc và các cơ chế đa phương, nhất là COVAX trong thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine và thuốc điều trị Covid-19.
Để sớm đẩy lùi Covid-19, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần tăng cường hợp tác và đoàn kết trên tinh thần trách nhiệm và sẻ chia, nhất là ưu tiên cung cấp vaccine cho người dân những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, tạo điều kiện để các nước đang phát triển hợp tác sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng vaccine.
Biến thách thức thành cơ hội
Thứ hai, để vượt qua được đại dịch và phục hồi kinh tế, theo Chủ tịch nước, nhân tố quan trọng hàng đầu là sự nỗ lực trên tinh thần tự cường của mỗi quốc gia.
“Tự cường đòi hỏi chúng ta phải phát huy nội lực để có đủ năng lực ứng phó với khủng hoảng, bảo vệ người dân. Nhưng tự cường trong phục hồi kinh tế chỉ có thể mạnh mẽ và bền vững khi dựa trên sự hợp tác và liên kết của tất cả quốc gia”, ông nhấn mạnh.
Thứ ba, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần biến các thách thức thành những cơ hội cho phát triển. Khi đời sống xã hội, phương thức sản xuất, kinh doanh phải thay đổi trong đại dịch, đó là cơ hội để chuyển đổi số, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ.
Ông kêu gọi thực hiện đầy đủ cam kết tài chính phát triển, hỗ trợ các nước đang phát triển được giãn nợ, cung cấp thêm nguồn lực cho phòng chống Covid-19 và phục hồi, biến cơ hội thành những thành quả phát triển.
Thứ tư, theo Chủ tịch nước, nhiệm vụ hợp tác để giảm thiểu và xử lý các tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu đang đặt ra vô cùng cấp bách.
Ông cho rằng những cơn cuồng nộ của thiên nhiên với tần suất và cường độ chưa từng có trong hàng trăm năm qua đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương hành động bảo vệ hành tinh xanh, gia tăng nỗ lực cắt giảm phát thải, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, hướng tới chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn.
Thứ năm, Chủ tịch nước nhấn mạnh điều kiện tiên quyết cho phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch là phải bảo đảm được môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở mỗi quốc gia, khu vực và thế giới.
“Chúng tôi lên án mọi hành động chiến tranh, áp đặt cường quyền, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế”, Chủ tịch nước truyền đi thông điệp.
Chia sẻ còn nhiều gian nan ở chặng đường phía trước, song Chủ tịch nước khẳng định Nhà nước và nhân dân Việt Nam sẽ cùng người dân trên toàn thế giới chung nhịp đập sẻ chia, yêu thương, hợp tác để cùng nhau sớm chiến thắng đại dịch, xây dựng một thế giới hòa bình, phát triển phồn vinh, người dân hạnh phúc.