Sáng 21/9 (giờ New York), tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở thành phố New York, Mỹ, phiên thảo luận chung cấp cao khóa họp thứ 76 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chính thức khai mạc với chủ đề “Cùng vững tin và tự cường - Hướng tới phục hồi sau Covid-19, tái thiết bền vững, bảo vệ hành tinh, thúc đẩy quyền con người và cải tổ Liên Hợp Quốc”.
Tham dự khai mạc có nguyên thủ, thủ tướng và đại diện cấp cao của 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, Chủ tịch Đại hội đồng, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cùng nhiều lãnh đạo các tổ chức quốc tế và khu vực, các thể chế tài chính quốc tế. Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 76. Ảnh: TTXVN. |
Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, khó lường, nhất là dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng khoá 76 là sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu, thu hút sự quan tâm, tham dự trực tiếp của lãnh đạo cấp cao hơn 100 nước trên thế giới.
Lãnh đạo các nước sẽ cùng thảo luận và đưa ra giải pháp, đề xuất hành động đa phương nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu được quan tâm như ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển bền vững, những điểm nóng ở các khu vực, và thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có biến đổi khí hậu, an ninh lương thực...
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khoá 76 trong phiên khai mạc cam kết thúc đẩy hợp tác quốc tế để ứng phó, phục hồi và phát triển sau đại dịch theo hướng bền vững. Chủ tịch Đại hội đồng nhấn mạnh việc thúc đẩy nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, xoá đói nghèo, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trong phát biểu của mình, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương hành động, tăng cường hợp tác để tìm giải pháp cho hàng loạt cuộc khủng hoảng lớn nhất thời đại.
Ông Antonio Guterres cũng cho rằng cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tái thiết và phục hồi sau đại dịch theo hướng xanh và sạch hơn, giảm bất bình đẳng, thúc đẩy tiếp cận công bằng vaccine phòng Covid-19...
Phiên thảo luận chung cấp cao sẽ tiếp tục diễn ra đến ngày 27/9. Theo chương trình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng vào chiều ngày 22/9 giờ New York, trong đó đề xuất những giải pháp mang tính tổng thể, toàn diện, dài hạn với các vấn đề quốc tế cấp bách hiện nay, nhằm góp phần gìn giữ hoà bình và an ninh thế giới, thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm trên phạm vi toàn cầu.
Nhân dịp tham dự phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội kiến lãnh đạo cấp cao của nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế và tham dự các hội nghị thượng đỉnh được tổ chức vào dịp này về những vấn đề thuộc ưu tiên cao của cộng đồng quốc tế hiện nay như đại dịch Covid-19, an ninh khí hậu, an ninh lương thực.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, sáng 21/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến Hãng hàng không VietJet và Công ty CFM International (liên danh GE & Safran) ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo dưỡng động cơ tàu bay mới trị giá 260 triệu USD, nâng tổng giá trị hợp tác giữa hai bên lên 18,5 tỷ USD.