Trao đổi với Zing chiều 21/2, đại diện Công ty TNHH Gotec Việt Nam cho biết chưa nhận được kết luận cụ thể từ UBND TP.HCM sau cuộc họp chiều 20/2.
"Thực ra việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến pháp lý cần nhiều thời gian, không thể chỉ sau một cuộc họp. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn thấy được tinh thần cầu thị của UBND TP và các sở, ngành qua việc các lãnh đạo đã lắng nghe, ghi nhận và mong muốn tháo gỡ cho doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi rất mong chờ kết luận chính thức trong thời gian tới, hy vọng sẽ có tín hiệu khả quan", vị này chia sẻ.
Mong sớm có phương án tháo gỡ
Tương tự, hai doanh nghiệp bất động sản nội địa có tham dự cuộc họp chiều 20/2 cũng cho biết đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ phía UBND TP và các sở, ngành.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư dự án chung cư Cửu Long (quận 4) đang được cơ quan chức năng rà soát để xác định vướng mắc (nếu có) liên quan đến việc cổ phần hóa doanh nghiệp trước đây, đồng thời tìm kiếm giải pháp tháo gỡ để tạo điều kiện phát triển dự án.
Thực tế, tại cuộc họp chiều 20/2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã gặp gỡ và lắng nghe ý kiến từ chủ đầu tư của 7 dự án, gồm: Khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp (đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7); dự án khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú); dự án chung cư Cửu Long (phường 1, quận 4); dự án khu phức hợp Sóng Việt (công trình tại lô đất 1-17, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP Thủ Đức); dự án khu nhà ở Thiên Lý (phường Phước Long B, TP Thủ Đức); dự án 30,2 ha (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức; dự án chung cư Cô Giang (phường Cô Giang, quận 1).
Các vướng mắc của những dự án này chủ yếu xoay quanh thủ tục tính tiền sử dụng đất, cấp giấy phép xây dựng hoặc cấp thông báo đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai. Đa số chủ đầu tư đều khẳng định đã đủ điều kiện nhưng nhiều năm qua chưa được tháo gỡ.
Dự án của Gotec tại quận 7, TP.HCM ước tính đã thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng do vướng mắc pháp lý những năm qua. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đơn cử, tại dự án khu trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp trên đường Bến Nghé, Tân Thuận Đông, quận 7, Gotec cho biết đến nay đã hoàn thiện phần móng, đóng nắp hầm và đang xây lên các tầng tiếp theo nhưng vẫn chưa thể mở bán.
Lý do là sau 3 lần nộp hồ sơ đề nghị cấp thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua từ tháng 6/2022 đến nay, doanh nghiệp đều bị Sở Xây dựng TP.HCM trả hồ sơ vì phải rà soát việc chuyển nhượng mục đích sử dụng đất giữa Gotec và Công ty CP Tiến Phát Tân Thuận. Trong khi đó, doanh nghiệp khẳng định đã có văn bản xin rút hồ sơ chuyển nhượng từ tháng 2/2021, hai bên đã thống nhất ngừng chuyển nhượng mà không có khiếu nại, khiếu kiện gì.
Vì vậy, Gotec kiến nghị các cấp chính quyền có chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu Sở Xây dựng TP giải quyết, cấp thông báo đủ điều kiện để bán nhà ở hình thành trong tương lai cho dự án để cứu doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.
Đơn vị này ước tính các khoản thiệt hại về doanh thu và chi phí tính đến cuối năm 2022 lên đến 1.052 tỷ đồng. Về lâu dài nếu không được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ không còn khả năng chi trả chi phí và duy trì hoạt động, dẫn đến mức độ thiệt hại lớn hơn.
Còn nếu được giải quyết, Gotec khẳng định đến hết quý II/2023 sẽ có thể tất toán toàn bộ khoản vay, cũng như đủ khả năng để tự chi trả các chi phí vận hành, xây dựng.
TP.HCM ưu tiên xử lý dứt điểm 38 dự án
Là người từng đại diện các chủ đầu tư của 7 dự án này gửi đơn kiến nghị lên các cấp lãnh đạo của TP và Trung ương, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng cuộc họp hôm 20/2 đã phần nào tạo niềm tin cho thị trường và doanh nghiệp bất động sản sau thời gian dài chịu ách tắc pháp lý.
Những dự án có vướng mắc thuộc thẩm quyền xử lý cấp Trung ương cần được xin ý kiến chỉ đạo. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Qua trao đổi với các doanh nghiệp, ông được biết chưa bao giờ có cuộc thảo luận dân chủ như vậy giữa lãnh đạo TP và các chủ đầu tư. Mỗi đơn vị có thời gian trình bày, thảo luận trực tiếp với Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường và các sở, ngành liên quan. Phía cơ quan chức năng cũng chia sẻ và ghi nhận các ý kiến.
"Sau cuộc họp, các chủ đầu tư đều có niềm tin rằng lãnh đạo TP và các sở, ngành sẽ đồng hành để tháo gỡ các vướng mắc, mỗi chủ đầu tư cũng phần nào dự báo được hướng giải quyết cho dự án của mình, chỉ chờ kết luận chính thức từ phía UBND TP", ông Châu nói với Zing.
Ông cho rằng đây đều là những dự án đã vướng mắc nhiều năm và là bài toán khó với cả cơ quan chức năng. Do đó, trước mắt chỉ những dự án nào đã có kết luận, chỉ đạo từ cấp trên mới được tháo gỡ sớm. Còn lại, TP sẽ phải cân đong đo đếm trên từng dự án và đề xuất phương án giải quyết lên cơ quan có thẩm quyền, từ đó có tiền đề để giải quyết các vướng mắc tương tự ở những dự án khác.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hôm 17/2, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho biết trên địa bàn đang có khoảng 116 dự án gặp vướng mắc.
Trong đó, TP ưu tiên lựa chọn và xử lý dứt diểm cho 38 dự án. TP sẽ có các chuyên đề và cũng đã lập tổ công tác để tháo gỡ cho những dự án này.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.