Becamex TDC là công ty thành viên của Becamex IDC - một trong những ông lớn bất động sản khu công nghiệp trong nước. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang phải xin lùi thời gian trả lãi/gốc trái phiếu đến hạn.
Mới nhất, Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC - Mã: TDC) đã có báo cáo về việc chậm thanh toán gốc, lãi của lô trái phiếu TDC.BOND.2020.700.
Theo kế hoạch, từ ngày 15/2 đến 22/2, Becamex TDC sẽ phải thanh toán gần 24 tỷ đồng tiền lãi đợt 9 của lô trái phiếu này. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết chỉ thanh toán được 7 tỷ đồng vào ngày 15/2, còn lại gần 17 tỷ đồng chưa thể thanh toán.
Phía doanh nghiệp bất động sản này cho biết sẽ thanh toán phần lãi chậm trả cùng tiền phạt tính đến ngày thanh toán trước 23/3, tức chậm khoảng 1 tháng so với thời gian cam kết ban đầu.
Theo tìm hiểu, lô trái phiếu do Becamex TDC phát hành kể trên có kỳ hạn 5 năm, lãi suất được áp dụng là 10,5%/năm đối với 4 kỳ tính lãi đầu tiên, kỳ thứ 5 đến thứ 8 lãi suất là 11%/năm. Kể từ kỳ thứ 9, lãi suất sẽ bằng lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi đó cộng biên độ 5%/năm và không thấp hơn 11,5%/năm. Lãi suất được trả ba tháng một lần.
Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh kém khả quan đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thanh toán lãi, gốc trái phiếu của doanh nghiệp. Trong quý gần nhất, doanh thu thuần của Becamex TDC đã giảm 78% so với cùng kỳ năm 2021, chỉ mang về 183 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, công ty này báo lỗ sau thuế hơn 104 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 có lãi 87 tỷ.
Nếu tính chung cả năm 2022, Becamex TDC vẫn thu về khoản lợi nhuận sau thuế gần 40 tỷ đồng, nhưng đã giảm 68% so với năm 2021. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp này kể từ năm 2007.
Theo giải trình của doanh nghiệp, nguyên nhân chính dẫn đến khoản thua lỗ quý gần nhất là doanh thu bất động sản giảm tới 99%, trong khi doanh thu xây dựng giảm 71%. Công ty mẹ Becamex TDC chịu lỗ trong khi lợi nhuận từ các công ty con không cao, không biến động nhiều.
Không riêng Becamex TDC, một doanh nghiệp địa ốc khác là Công ty CP Fuji Nutri Food (FNF) mới đây cũng đã phải dời kế hoạch thanh toán lãi cho lô trái phiếu FNFCH2223001 với số tiền hơn 25 tỷ đồng. Lý do là doanh nghiệp chưa thu xếp kịp nguồn tiền thanh toán.
Được biết, lô trái phiếu của FNF có khối lượng 1 triệu đơn vị, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng tổng giá trị huy động là 1.000 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn ngày 12/8, với lãi suất cố định 10%/năm.
Trong quý II và quý III tới, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng trở lại với giá trị ước tính lần lượt đạt 93.140 tỷ đồng và 89.490 tỷ đồng
Báo cáo Công ty Chứng khoán VNDirect
Ngoài ra, Fuji Nutri Food còn có một lô trái phiếu khác được phát hành vào tháng 3/2021, với giá trị 720 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng (đáo hạn ngày 18/3/2024). Mục đích của đợt phát hành là để góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa công ty và CTCP Địa ốc Ngân Hiệp - doanh nghiệp bất động sản sở hữu dự án Khu du lịch Ngân Hiệp 1 - Hồ Tràm quy mô hơn 9 ha.
Liên quan áp lực thanh toán lãi, gốc trái phiếu đến hạn của các doanh nghiệp năm nay, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết trong quý II và III năm nay, áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tăng trở lại với giá trị ước tính lần lượt đạt 93.140 tỷ và 89.490 tỷ đồng trong hai quý.
Sau giai đoạn này, các chuyên gia cho rằng áp lực đáo hạn sẽ hạ nhiệt vào quý IV với tổng giá trị đáo hạn giảm 33% so với quý trước về mức 59.570 tỷ đồng (vẫn tăng 16% so với cùng kỳ).
Lũy kế cả năm 2023, tổng giá trị trái phiếu đáo hạn của các doanh nghiệp sẽ vào khoảng 272.850 tỷ đồng, tăng 76% so với năm 2022.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế