Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chống ma túy ở Philippines: 35 ngày, 57 án mạng

Dù từng có mặt nơi chiến trường khốc liệt, phóng viên của Times vẫn phải kinh ngạc trước sự tàn nhẫn của chiến dịch chống ma túy ở Philippines trong hơn 1 tháng lưu lại Manila.

Chiến dịch 'hành quyết không cần xét xử' ở Philippines Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố sẽ không nương tay cho đến khi tên trùm ma túy cuối cùng đầu hàng, bất chấp những cáo buộc vi phạm nhân quyền khi “hành quyết không cần xét xử".

Người ta có thể nghe thấy một vụ án mạng trước khi thực sự nhìn thấy cảnh giết chóc. Tiếng kêu gào thảm thiết của một phụ nữ vừa trở thành góa phụ. Còi báo động liên hồi từ những chiếc xe cảnh sát. Những tiếng chân thình thịch trong màn mưa xối xả trên một con hẻm ở Manila.

Lang thang trên những ngõ ngách ở quận Pasay lúc 1h sáng, Daniel Berehulak, phóng viên ảnh của New York Times chứng kiến vụ án mạng thứ 17 trong ngày thứ 11 có mặt ở thủ đô của Philippines.

Theo lời kể của các nhân chứng, Romeo Torres Fontanilla, 37 tuổi, nằm úp mặt xuống lòng đường sau khi bị hai người đàn ông lạ mặt đi xe máy bắn hạ. Trận mưa như trút cuốn theo máu của Fontanilla xuống các rãnh nước.

‘Họ giết chúng tôi như thú vật’

Trong 35 ngày ở Manila, Berehulak đã chứng kiến 57 vụ giết người. Dù từng có mặt trong cuộc chiến ở Iraq, Afghanistan hay vùng dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, ông vẫn không khỏi kinh ngạc trước sự tàn nhẫn trong chiến dịch chống ma túy ở Philippines.

Máu đổ ở khắp nơi, trên vỉa hè, trên đường ray xe lửa, phía trước một trường nữ sinh, bên ngoài cửa hàng McDonald, trên nệm ngủ hay ghế sofa trong phòng khách và ngay trên đường phố đông đúc.

chien dich chong ma tuy Philippines anh 1
Romeo Torres Fontanilla, 37 tuổi, bị hai người đàn ông lạ mặt đi xe máy bắn chết trong một con ngõ ở quận Pasay, thủ đô Manila. Ảnh: NYT.

Cách không xa nơi Fontanilla bị sát hại, Berehulak thấy xác của Michael Araja, 29 tuổi, trước một cửa hàng tạp hóa. Anh bị bắn chết khi ra ngoài mua thuốc lá và đồ uống cho vợ, cũng bởi 2 người ngồi trên xe máy.

“Họ giết chúng tôi như thú vật”, một nhân chứng giấu tên nói.

Chiến dịch chống ma túy đẫm máu của Tổng thống Rodrigo Duterte bắt đầu khi ông nhậm chức vào ngày 30/6. Kể từ đó, khoảng 2.000 người đã bị giết dưới bàn tay của cảnh sát. Các sĩ quan cảnh sát sẽ bắn hạ bất cứ ai dính líu tới việc buôn bán và sử dụng ma túy. Họ thi hành nghiêm ngặt lời kêu gọi của ông Duterte: “Giết tất cả bọn chúng”.

Ngoài những người bị giết hại trong hoạt động chống ma túy công khai, Cảnh sát Quốc gia Philippines đã thống kê được hơn 3.500 vụ án mạng bí ẩn. Điều này tạo ra một không khí tang tóc rùng rợn bao trùm hầu khắp đất nước.

Một số thi thể được tìm thấy trên đường phố với phần đầu được quấn băng keo. Số khác bị gắn những tấm bảng bằng bìa các-tông ghi chữ kẻ buôn ma túy hoặc con nghiện.

Hơn 35.600 người đã bị bắt giữ trong chiến dịch chống ma túy mang tên Tokhang của chính phủ Philippines, cái tên có nghĩa là “gõ cửa và đầu thú”.

Đối với những gia đình giàu có bên trong các khu đô thị kín cổng cao tường, các sĩ quan cảnh sát có thể đến gõ cửa lịch sự để đưa cho người quản gia cuốn sách mỏng tuyên truyền về hậu quả của việc sử dụng ma túy. Ở những quận nghèo, họ tóm lấy các cậu thiếu niên và đàn ông trên đường phố, kiểm tra lý lịch, sau đó bắt giữ hoặc bắn hạ.

Cảnh sát cho biết lực lượng chính phủ đã đến gõ cửa hơn 3,5 triệu ngôi nhà. Hơn 700.000 con nghiện và gần 57.000 kẻ buôn ma túy đã ra đầu thú khiến cho các nhà tù trở nên quá tải.

Kết cục của kẻ ‘kháng cự’

Một đêm làm việc của nhà báo Berehulak ở Manila bắt đầu lúc 9h tối tại văn phòng báo chí của cảnh sát quận. Cùng với một phóng viên bản địa, ông cũng tự mình đến những nơi tìm thấy thi thể các nạn nhân hoặc phát hiện có người bị giết hại. Câu chuyện do người thân, hàng xóm của họ kể lại rất khác so với những ghi chép chính thức của cảnh sát. 

chien dich chong ma tuy Philippines anh 2
Hàng xóm nói Michael Araja, 29 tuổi, bị giết bởi hai người đàn ông đi xe máy giống như nhiều nạn nhân khác trong các vụ án mạng bí ẩn tại Philippines. Ảnh: NYT.

“Kháng cự” là cách cảnh sát gọi trường hợp nghi phạm chống đối việc bắt giữ và cuối cùng bị kết liễu. Điều đó có nghĩa “anh ta đã chống trả”.

Florjohn Cruz, 34 tuổi, là một trường hợp như vậy. Thân nhân của Cruz thấy tấm biển ghi “Kẻ buôn ma túy ở Adik Wag Tularan” – “Đừng trở thành kẻ buôn ma túy và con nghiện như anh ta” trên xác của nạn nhân.

Theo báo cáo của cảnh sát, “nghi phạm Cruz chạy vào trong nhà sau đó lên nòng một khẩu súng và liên tục bắn vào các sĩ quan, buộc cảnh sát phải nổ súng để ngăn chặn và đẩy lùi cuộc tấn công bất hợp pháp”.

Trong tiếng khóc tức tưởi, vợ của Cruz kể rằng chồng chị đang sửa lại chiếc radio cho người mẹ 74 tuổi trong phòng khách thì bị một nhóm người có vũ trang xông vào bắn chết.

Gia đình cho biết Cruz không phải là một kẻ buôn ma túy mà chỉ là người sử dụng shabu, cách gọi ma túy đá của người Philippines. Cruz đã đầu thú vài tháng trước theo lời kêu gọi của ông Duterte. Rút cuộc, cảnh sát vẫn đến tìm anh ta.

5.000 người chết trong cuộc chiến ma túy Philippines

Số người chết trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của cảnh sát Philippines tiếp tục tăng vọt lên trên 5.000, bất chấp sự chỉ trích trong và ngoài nước.

Chống ma túy ở Philippines: 'Họ giết chúng tôi như thú vật'

Phóng viên New York Times ở Philippines trong 35 ngày để ghi lại 57 vụ nghi phạm bị giết chết không qua xét xử trong chiến dịch truy quét ma túy gây tranh cãi ở nước này.


Tuyết Mai (Theo New York Times)

Bạn có thể quan tâm