Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chợ vắng khách, giá rau củ vẫn cao ngất ngưởng

Không còn cảnh chen chúc mua sắm, hôm nay, ngày đầu TP.HCM giãn cách xã hội, các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi đều trong tình trạng thưa thớt nhưng hàng hóa dồi dào.

Khoảng 10h tại siêu thị Bách Hóa Xanh trên đường Bùi Văn Ba (quận 7) lượng người mua giảm hẳn so với ngày hôm qua. Trước cửa hàng chỉ có 6-7 người đang xếp hàng chờ.

Thịt, cá, rau cũng đang được nhân viên nhanh chóng vận chuyển, sắp xếp lên các quầy kệ trong cửa hàng. Khách hàng có thể lựa chọn mua đa dạng rau, thịt, cá tươi mà không phải chen lấn.

Nghe tin trong thời gian TP.HCM giãn cách xã hội, người dân vẫn có thể đi lại mua lương thực thực phẩm, chị Lê Thu (quận 7) sáng nay mới đi siêu thị.

"Mấy ngày trước, người người đổ xô đi mua sắm khiến hàng hóa bị vét sạch, không có nhiều lựa chọn. Sáng nay tôi đi siêu thị, rau, thịt, cá đều đầy ắp", chị nói và cho biết chị cũng chỉ mua số lượng vừa đủ dùng, đồ tươi chỉ nên ăn trong 1, 2 ngày.

Cho,  sieu thi vang nguoi anh 1

Ngày đầu TP.HCM giãn cách xã hội, nhịp mua sắm trở lại bình thường. Ảnh: Quỳnh Danh

Hàng đầy ắp, thoải mái lựa chọn

Ngày 9/7, ghi nhận tại một số chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn TP.HCM tình trạng người xếp hàng mua sắm không còn tấp nập như 2 ngày trước, các mặt hàng tươi, sống như: Thịt, cá, rau củ... xếp đầy kệ.

Theo nhân viên các siêu thị, lượng hàng hóa được cập nhật liên tục, thời gian mở, đóng cửa cũng tăng lên.

Khoảng 10h30, tại cửa hàng Satrafood (quận 7), số khách hàng xếp hàng đợi tính tiền cũng chỉ khoảng 5-6 người, thực phẩm đầy các quầy kệ. "Hôm nay khách giảm hẳn so với hôm qua. Trong khi lượng thực phẩm về cũng nhiều hơn", một nhân viên cửa hàng cho hay.

Cho,  sieu thi vang nguoi anh 2

Hàng hóa liên tục được nhân viên cập nhật lên kệ hàng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tương tự, tại siêu thị Co.opmart Văn Thánh (quận Bình Thạnh) lượng mặt hàng hóa mỹ phẩm như dầu gội, sữa tắm, xà bông... cho đến hàng gia dụng, đồ ăn đóng hộp, thực phẩm tươi sống như rau, cá, thịt, trứng... đều đầy ắp.

Chị Hương, nhân viên siêu thị cho hay lượng khách vẫn đông so với ngày thường nhưng đã giảm bớt so với ngày hôm qua và hôm trước. Để đảm bảo đủ lượng hàng cung cấp cho người dân, siêu thị đã tăng cường hàng về liên tục. Người dân yên tâm mua sắm", chị nói.

Anh Minh (quận Bình Thạnh) cho biết hôm qua siêu thị hết sạch đồ, nhưng hôm nay hàng lại đầy ắp, người mua có nhiều lựa chọn hơn. "Ngày đầu giãn cách, lượng người mua ít đi vì họ đã đổ dồn đi mua vào mấy ngày trước", anh chia sẻ.

Chợ vắng vẻ, giá thực phẩm vẫn cao

Ghi nhận sáng 9/7, các điểm bán tự phát xung quanh các chợ đóng cửa cũng không còn. Các hàng quán ăn uống bán mang về đều đã đóng cửa, bàn ghế xếp ngăn nắp. Các cửa hàng bán hàng thiết yếu như gạo, gas, trứng và các chợ vẫn mở cửa.

Nếu như ngày hôm qua, chủ quầy bán trứng trên đường Bùi Văn Ba (quận 7) tất bật giao trứng cho khách thì hôm nay công việc của anh trở nên nhàn rỗi hẳn, sức mua tại đây giảm rõ rệt. "Từ sáng đến giờ lượng người mua lác đác, giảm 60% so với hôm qua", anh nói.

Tại chợ Đa Kao (quận 1) cũng ghi nhận tình trạng vắng hoe khách mua, số lượng người bán cũng trở nên thưa thớt.

Đến 14h, lượng rau, củ tại quầy hàng của chị Loan vẫn còn hơn nửa. "Hôm nay người mua ít hẳn, hơn nữa mấy ngày trước nhiều người đổ ra chợ, siêu thị mua sắm nên giờ chợ vắng hơn", chị nói.

Tại quầy hàng của chị, giá rau, củ vẫn ở mức cao. Cụ thể: Bắp cải 45.000 đồng/kg, dưa leo 50.000 đồng/kg, khổ qua 60.000 đồng/kg, mùng tơi: 40.000 đồng/kg, đậu que: 50.000 đồng/kg,...

Cho,  sieu thi vang nguoi anh 3

Nguồn hàng khan hiếm các chủng loại rau tại chợ cũng không được phong phú như ngày thường. Ảnh: Quỳnh T.

Tiểu thương này cho biết hiện tại các chợ đầu mối đóng cửa, hàng hóa khan hiếm nên chị phải nhập hàng từ nhiều mối, rau cải các loại đều cháy hàng.

Trong khi đó, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, giá rau củ giữ mức ổn định. Cụ thể tại siêu thị Vinmart, bắp cải 36.000 đồng/kg, dưa leo 35.000 đồng/kg, mùng tơi 25.000 đồng/kg, rau muống 38.000 đồng/kg, rau cải ngồng, cải ngọt ở mức 32.000 đồng/kg, xà lách 45.000 đồng/kg, chanh 23.000 đồng/kg ...

Vừa chọn mua rau, bà Hồng (quận 1) cho biết: "Rút kinh nghiệm từ đợt giãn cách năm ngoái, lần này tôi không vội đi mua gom thực phẩm. Muốn mua gì, thì ra chợ gần nhà lúc nào cũng sẵn có".

Liên quan tới việc cung ứng hàng hóa tại TP.HCM, ngày 8/7, Bộ Công Thương đã ra hai văn bản gửi Bộ Y tế; Bộ Giao thông vận tải; UBND TP.HCM và các tỉnh phía Nam, đề nghị tạo luồng “ưu tiên đặc biệt” cho các phương tiện vận tải hàng hóa thiết yếu phục vụ.

Ngày 9/7, UBND TP.HCM cũng có công văn khẩn đến các sở, ngành và UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện để giải quyết khó khăn cho người dân khi không thể mua thức ăn mang về.

Do đó, TP giao Sở Công Thương yêu cầu các hệ thống siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh thực phẩm thiết yếu tăng lượng hàng cung ứng thực phẩm chế biến sẵn, đảm bảo hàng hóa đầy đủ trên các quầy, kệ với chủng loại đa dạng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chỉ đạo UBND các phường, xã, thị trấn chủ động nắm bắt các khó khăn của người dân trên địa bàn, nhất là các hộ gia đình không thể tự nấu ăn trong thời gian giãn cách xã hội để có giải pháp hỗ trợ kịp thời.


Người dân tiếp tục đổ ra chợ, siêu thị trước giờ giãn cách

Dù trong thời gian TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, người dân vẫn được ra khỏi nhà mua sắm, tình trạng đổ xô đi gom hàng hôm nay tiếp tục diễn ra tại chợ, siêu thị.

TP.HCM ra công văn khẩn sau khi cấm bán thức ăn mang về

UBND TP.HCM vừa gửi công văn khẩn đến các sở, ngành và UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện để giải quyết khó khăn cho người dân khi không thể mua thức ăn mang về.

Sàn trực tuyến mở bán rau củ, giảm tải cho siêu thị tại TP.HCM

Kết nối trực tiếp với hợp tác xã tại các địa phương lân cận, Sendo đảm bảo cung ứng qua kênh online hàng trăm tấn thực phẩm tươi sống cho người dân TP.HCM không qua chợ đầu mối.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm