Ngày 8/7, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa có văn bản hỏa tốc đề nghị doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối tăng cường cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Theo đó, ông đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã bên cạnh các điểm bán hàng hiện có, tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động (theo đúng quy định của pháp luật) tại các khu đông dân cư để kịp thời phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.
Đồng thời, có phương án mở các điểm bán hàng mới trong trường hợp cơ sở phân phối bị đóng cửa do có ca nhiễm Covid-19 phục vụ người tiêu dùng cả trong điều kiện bình thường hay cách ly, giãn cách xã hội.
Người dân ngồi la liệt ở siêu thị chờ thanh toán. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bên cạnh đó, ông Trần Duy Đông đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã chủ động liên hệ với Sở Công Thương TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam để xây dựng kế hoạch, kịch bản, phương án vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của nhân dân trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp (phải cách ly, giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16).
"Dự trữ, chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu trong hệ thống đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân theo mức độ cao nhất của dịch Covid-19", Phó ban chỉ đạo yêu cầu.
Ông cũng yêu cầu các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trực tuyến để phục vụ tối đa nhu cầu nhân dân trong điều kiện dịch bệnh phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội.
Đồng thời, để đảm bảo vận chuyển thông suốt hàng hóa thiết yếu, doanh nghiệp cần có phương án tổ chức đội xe, lái xe đảm bảo an toàn dịch bệnh để ra, vào vùng dịch theo đúng quy định của ngành y tế và giao thông vận tải.
Trước đó, tại cuộc họp khẩn của Bộ Công Thương vào chiều 7/7, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã nêu thực tế tại TP.HCM, chợ đầu mối và các chợ truyền thống đang giữ vai trò chủ đạo, với 70% lượng hàng hóa cung ứng cho toàn thành phố.
Khi các chợ này đóng cửa sẽ tác động và gây áp lực đáng kể cho cho các trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa.
Do đó, việc mở các điểm bán lưu động sẽ giúp giảm áp lực cho các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đang bị quả tải.