Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công Thương lập ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM

Tại TP.HCM, chợ đầu mối và các chợ truyền thống đang giữ vai trò cung ứng 70% lượng hàng hóa. Do đó, việc các chợ này đóng cửa sẽ gây áp lực lớn lên kênh bán lẻ hiện đại.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, chiều 7/7, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã triệu tập cuộc họp khẩn. Theo đó, người đứng đầu Bộ yêu cầu cung ứng đủ nguồn hàng thiết yếu cho người dân và không để xảy ra tình trạng thiếu điện.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã yêu cầu thành lập ngay Ban chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp.

Theo đó, Ban chỉ đạo do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải làm trưởng ban, cùng với 8 thành viên lãnh đạo thuộc Bộ Công Thương. Ban chỉ đạo sẽ điều phối cung ứng hàng hóa cho TP.HCM và một số tỉnh phía Nam trước bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Bộ trưởng cũng đặt ra 6 nhiệm vụ đối với ban chỉ đạo. Cụ thể, khẩn trương, thường xuyên liên hệ, trao đổi với UBND, Sở Công Thương và các đơn vị chức năng của TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch kịp thời nắm bắt nhu cầu điều phối hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Bên cạnh đó kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối, bán lẻ để sẵn sàng các nguồn hàng hóa thiết yếu bảo đảm cung ứng trong mọi tình huống. Hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện mua bán theo hình thức trực tuyến, qua hệ thống các tình nguyện viên, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương.

Bo Cong Thuong chi dao cung ung du hang hoa anh 1

Hàng người chờ đến lượt thanh toán kéo dài đến khu vực mua hàng tối 6/7. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là giao thông, công an để đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa TP.HCM và các tỉnh có dịch khác, giữa các tỉnh, thành phố có dịch với các địa phương khác", Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng lưu ý ở các địa phương có điều kiện phòng chống dịch bệnh, xem xét, mở chợ truyền thống nhưng phải tổ chức phát phiếu mua hàng theo quy định.

Ngoài ra, ông yêu cầu lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp kiểm tra kiểm soát chống hiện tượng găm hàng, nâng giá, ép giá, bán hàng kém chất lượng. Đồng thời, Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn điện lực Việt Nam tập trung điều tiết điện không để thiếu điện sinh hoạt, điện cho các cơ sở y tế, các khu cách ly tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có dịch trong bất kỳ tình huống nào.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá TP.HCM cũng đã tương đối chủ động và tích cực đưa ra các phương án, kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh.

Tuy nhiên, ông cho biết: "Tại TP.HCM, chợ đầu mối và các chợ truyền thống đang giữ vai trò chủ đạo, với 70% lượng hàng hóa cung ứng cho toàn thành phố. Việc các chợ này đóng cửa sẽ tác động và gây áp lực đáng kể cho cho các trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa".

Do vậy, TP.HCM cũng như các tỉnh có dịch tại khu vực phía Nam cần phải chủ động và tăng cường các điểm bán hàng lưu động cũng như phát huy hiệu quả từ kênh mua bán hàng trực tuyến.

Chiều tối 7/7, TP.HCM quyết định giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 để phòng chống Covid-19. Hiện TP.HCM ghi nhận 8.155 ca nhiễm Covid-19 kể từ đợt bùng phát dịch ngày 27/4 đến nay.

TP.HCM công bố danh sách 2.833 chợ, siêu thị đang mở cửa

Địa điểm, số điện thoại, hình thức giao hàng của các chợ, siêu thị và cửa hàng tiện lợi được cập nhật qua danh sách này để người dân dễ dàng tìm mua.

Giám đốc Sở Công Thương: TP.HCM đã dự trữ 120.000 tấn hàng hóa

Sở Công Thương TP.HCM khẳng định nguồn cung hàng hóa cho thành phố sẽ luôn được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khi 3 chợ đầu mối dừng hoạt động.

Hàng hóa vào TP.HCM thế nào khi 3 chợ đầu mối dừng hoạt động?

Thực phẩm từ các tỉnh về TP.HCM được tập kết xung quanh chợ đầu mối, trực tiếp đến chợ lẻ, qua kênh bán online... sau khi 3 chợ Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức tạm dừng hoạt động.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm