Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giám đốc Sở Công Thương: TP.HCM đã dự trữ 120.000 tấn hàng hóa

Sở Công Thương TP.HCM khẳng định nguồn cung hàng hóa cho thành phố sẽ luôn được đảm bảo, không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khi 3 chợ đầu mối dừng hoạt động.

Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đang trở nên phức tạp, hơn nửa chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối của thành phố đã phải tạm ngưng hoạt động. Thực trạng này khiến người dân hoang mang lo lắng về nguồn cung hàng hóa, giá cả thực phẩm trong những ngày tới.

Tuy nhiên, trong cuộc họp chiều 7/7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM khẳng định, thành phố không lo thiếu thực phẩm. Người dân không nên vì tâm lý tích trữ mà tập trung đi siêu thị quá đông, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.

Ông Vũ cho biết 3 chợ đầu mối là Hóc Môn, Bình Điền và Thủ Đức dừng hoạt động không có nghĩa là tiểu thương dừng mua bán.

nguon cung hang hoa TP.HCM anh 1

Các chợ đầu mối sẽ chuyển sang giao dịch online. Ảnh: Quỳnh Danh.

Dự trữ hàng hóa gấp ba lần bình thường

Theo giám đốc Sở Công Thương, hiện nay ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố và các quận, huyện đã điều chỉnh các hoạt động của 3 chợ đầu mối thành hình thức giao dịch trực tuyến. "Ban đầu điều chỉnh ở chợ đầu mối Hóc Môn, các tiểu thương, thương lái vẫn hoạt động bình thường và cung ứng đầy đủ thực phẩm", ông lấy dẫn chứng.

Trong thời gian đóng cửa, tiểu thương 3 chợ đầu mối vẫn điều hành bán hàng qua điện thoại và kênh thương mại điện tử thay vì giao dịch trực tiếp. "Chợ đầu mối chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa đến các nơi, thành phố sẽ điều phối để các khu vực đều đáp ứng đủ nhu cầu của người dân", ông cho hay.

Theo ông Vũ, hiện các chợ truyền thống đóng cửa do có nhiều ca dương tính và không đảm bảo điều kiện an toàn phòng chống dịch. Nhưng vẫn có 110 chợ hoạt động, kèm theo là 106 siêu thị, 2.469 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi với 28.700 điểm bán.

Bên cạnh đó, đối với lượng hàng cung ứng, các doanh nghiệp bình ổn và một số đơn vị của thành phố đã dự trữ gấp 3 lần so với điều kiện bình thường, ở mức hơn 120.000 tấn hàng. Trong khi nhu cầu thực tế hàng ngày chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn/ngày.

Thành phố đã dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với bình thường, ở mức hơn 120.000 tấn hàng. Trong khi nhu cầu thực tế hàng ngày chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn/ngày.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM.

Đại diện Sở Công Thương thành phố mong người dân không nên quá lo lắng. Việc thiếu hàng ở các kệ, sạp chỉ là các loại hàng bán theo thời điểm trong ngày.

Ví dụ, rau, củ, quả, thịt heo sẽ bán vào buổi sáng để hàng tươi ngon. Người dân buổi chiều hoặc ngày hôm sau có thể quay lại mua và đảm bảo điều kiện giãn cách.

Bên cạnh việc đóng cửa nhiều chợ, siêu thị để phòng dịch, TP.HCM cũng đã cho hoạt động lại một số chợ dân sinh, siêu thị. Chợ sẽ chỉ mở lại các quầy hàng thiết yếu, tiểu thương bán hàng có vách che, các siêu thị mở cửa trở lại cũng phải đảm bảo nguyên tắc phòng dịch.

Ngoài ra, Sở Công Thương yêu cầu các siêu thị kéo dài thời gian hoạt động đảm bảo thời gian mua sắm của người dân. Các quận, huyện cũng đã họp thống nhất bổ trợ kênh bán hàng online, đi chợ thay cho người già bằng lực lượng phụ nữ, thanh niên của địa phương.

Các siêu thị sẽ thu mua hàng hóa của tiểu thương chợ đầu mối

Đại diện hai siêu thị Saigon Co.op và Mega Market cho biết sẽ có kế hoạch tiến hành thu mua nông sản, thực phẩm của tiểu thương khi các chợ đầu mối đóng cửa với mức giá hợp lý. "Được sự chỉ đạo của Sở Công Thương TP.HCM, MM Mega Market sẽ tạo số hotline để hỗ trợ thu mua hàng hóa của tiểu thương", ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc điều hành MM Mega Market cho hay.

Ngoài ra, theo đại diện Sở Công Thương thành phố, các hệ thống bán lẻ của Satra, Bách Hóa Xanh… cũng sẽ tham gia đảm nhận việc tiêu thụ hàng tồn của tiểu thương chợ đầu mối, đồng thời tăng cường nguồn thiết yếu.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM - Saigon Co.op cho biết mặc dù đóng cửa 3 chợ đầu mối nhưng lượng hàng cung ứng vẫn ổn. Chính tâm lý cục bộ những ngày qua khiến người dân thành phố đổ xô đi mua hàng quá nhiều vào thời điểm này.

Ông cho biết hiện nay Saigon Co.op có đến 12 nhóm hàng với tổng lưu trữ lên đến 12.000 tấn và đang thực hiện bình ổn giá. Thậm chí trong thời gian dịch bệnh sẽ có sự hỗ trợ để đảm bảo những mặt hàng này có giá thấp hơn hoặc bằng so với các chợ truyền thống.

nguon cung hang hoa TP.HCM anh 2

Sở Công Thương khẳng định kênh bán lẻ hiện đại có thể bù đắp được nguồn cung cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ảnh: Quỳnh Danh.

Giám đốc Saigon Co.op thừa nhận hiện nay do thiếu hụt về nền tảng kĩ thuật và quá trình chuẩn bị quá ngắn dẫn đến tình trạng một số đơn hàng online bị tắc nghẽn cục bộ. "Chúng tôi sẽ tổ chức, điều tiết lại để nguồn hàng cung cấp đến tay người tiêu dùng được thông suốt trở lại", ông nói.

Còn đối với MM Mega Market Việt Nam, ông Toàn cho biết từ 6h sáng ngày hôm qua đến hôm nay, lượng khách đến chuỗi Mega Market tại TP.HCM tăng đột biến gấp 5 - 6 lần so với ngày thường và lượng đơn hàng hàng đặt online tăng gấp 15 lần.

Tuy nhiên, hệ thống cung ứng này khẳng định, chuỗi 4 cửa hàng nằm trên địa bàn TP.HCM vẫn đảm bảo đầy đủ nguồn hàng. Hiện nay MM Mega Market có 3 nguồn hàng ở Đà Lạt, Đồng Nai, Cần Thơ và đã nâng sản lượng lên 2-3 lần, từ 30.000 tấn lên 60.000 tấn, một số lên 90.000 tấn.

Chúng tôi sẽ tổ chức, điều tiết lại để nguồn hàng cung cấp đến tay người tiêu dùng được thông suốt trở lại

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Saigon Co.op

"Chỉ có Đồng Nai hơi gặp khó khăn trong vấn đề vận chuyển, còn 2 tỉnh vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa", ông cho biết.

Theo ông, 2 ngày qua khi siêu thị hết sạch hàng do tâm lý lo sợ và đổ xô mua sắm của người dân. "Tuy nhiên, đó là vấn đề thiếu hàng cục bộ, trong nửa tiếng hoặc 1 tiếng siêu thị của Mega Market sẽ lại lấp đầy. Giờ mở cửa cũng được tăng lên từ 6-21h chuyển thành 6-23 h", ông nói và cho biết sẽ mở cửa 24/24 nếu được Sở Công Thương và TP Thủ Đức tạo điều kiện về nhân lực.

Tính đến ngày 7/7, TP.HCM đã có 127/237 chợ truyền thống tạm ngưng do có liên quan ca nhiễm Covid-19, trong đó có 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn.

Để điều tiết hàng hóa thông suốt, đêm 6/7 Sở Công Thương TP.HCM đã gửi văn bản đến 22 Sở Công Thương các tỉnh, đề nghị thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại các chợ đầu mối, hướng dẫn họ tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.

Đồng thời, thành phố sẽ dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về. Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.

Nhiều siêu thị ở TP.HCM quá tải giữa trưa Trưa 7/7, các siêu thị tại quận Gò Vấp (TP.HCM) và TP Thủ Đức ghi nhận lượng khách mua hàng tăng đột biến, gây quá tải cục bộ.

Hàng hóa vào TP.HCM thế nào khi 3 chợ đầu mối dừng hoạt động?

Thực phẩm từ các tỉnh về TP.HCM được tập kết xung quanh chợ đầu mối, trực tiếp đến chợ lẻ, qua kênh bán online... sau khi 3 chợ Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức tạm dừng hoạt động.

Khách dồn đến siêu thị, sức mua tăng gấp 6 lần

Từ trưa 6/7 đến sáng 7/7, các hệ thống siêu thị TP.HCM ghi nhận lượng khách mua trực tiếp và đặt hàng online tăng đột biến, gây quá tải cục bộ và tắc nghẽn.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm