Từ 6h sáng 7/7, chị Hoa, người dân ở TP Thủ Đức, TP.HCM, đã có mặt tại siêu thị MM Mega Market An Phú để mua sắm một số thực phẩm thiết yếu cho gia đình trong nhiều ngày tới.
Tuy nhiên, mãi đến 9h chị mới có thể lấy hàng ra vì bị kẹt ở khâu xếp hàng chờ thanh toán. Chị cho biết nhiều người không đủ kiên nhẫn chờ đợi nên đã bỏ về giữa chừng.
Tình trạng này cũng được Zing ghi nhận ở nhiều hệ thống bán lẻ khác ở TP.HCM hôm 6/7, sau khi nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống và siêu thị tiếp tục tạm dừng hoạt động. Người dân cũng bày tỏ tâm lý hoang mang về thông tin TP sắp bị phong tỏa đang lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua.
Người dân đổ xô đến các siêu thị ngày 6-7/7. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Lượng khách tăng đột biến
Chia sẻ với Zing, đại diện Satra cho biết sức mua 2 ngày nay tăng gấp 6 lần bình thường, chủ yếu với mặt hàng thịt heo và thực phẩm tươi sống. Thậm chí, có trường hợp khách mua đến 5 kg thịt heo để dự trữ.
Thống kê của Saigon Co.op cũng cho thấy lượng khách dồn đến các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food và số lượng đơn hàng online tăng gấp 5 lần suốt từ trưa 6/7 đến sáng 7/7.
Còn tại các chuỗi VinMart, VinMart+, lượng khách đến mua sắm ngày 6/7 tăng 20%, trong khi số đơn hàng online tăng hơn 50%. Nhiều kệ hàng trống trơn nên sáng 7/7, siêu thị phải cấp tốc bổ sung hàng hóa.
Đại diện MM Mega Market thì cho biết lượng khách đến 4 siêu thị của chuỗi này ở TP.HCM tăng 50%, thậm chí đơn hàng online tăng 15 lần trong 2 ngày nay. Trong đó, nhu cầu hàng tươi sống như thịt, cá tăng 3-4 lần nên đang bị thiếu hụt. Hiện doanh nghiệp tổ chức điều động hàng từ các siêu thị ở địa phương khác về TP.HCM.
Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, MM Mega Market chỉ cho phép 30 khách hàng vào mua sắm cùng thời điểm. Người dân được bố trí chờ đợi ở bãi giữ xe với khoảng cách 2 m. Khi bãi giữ xe kín chỗ, siêu thị sẽ tạm thời đóng cửa, không nhận thêm khách hàng.
Theo đại diện Saigon Co.op, từ kinh nghiệm phân phối khẩu trang, hàng hóa trong những đợt giãn cách trước, người dân không nên nôn nóng tích trữ hàng hóa, mua sắm dồn dập, vì như vậy sẽ tạo áp lực lớn, gây quá tải hệ thống phân phối dẫn đến nguy cơ tắc nghẽn.
"Hiện nay, rõ ràng là lượng lương thực thực phẩm không hề thiếu, thậm chí rất phong phú nhưng do tâm lý đám đông đổ dồn về các kênh mua sắm khiến siêu thị, cửa hàng, các trang bán hàng online đều quá tải cục bộ, tắc nghẽn", vị này nhấn mạnh.
Một siêu thị "cháy" mặt hàng thịt heo lúc 20h30 ngày 6/7. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Saigon Co.op cũng cho rằng chính việc tụ tập đông người không cần thiết và thiếu ý thức tuân thủ các biện pháp giãn cách, 5K của người dân trong thời gian qua đã góp phần đẩy số lượng ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao, đồng thời khiến các chợ, siêu thị phải liên tiếp đóng cửa.
Do đó, nhằm đảm bảo an toàn trong những ngày này, các siêu thị Co.opmart đã có công tác phân luồng, điều tiết số lượng người vào mua sắm, áp dụng hình thức phục vụ tại chỗ Pick & Ship, đồng thời duy trì nhiệt độ máy lạnh trên 25 độ C....
Tương tự, chuỗi Satra cũng bố trí nhân viên thường xuyên nhắc nhở từng người dân đến mua sắm tuân thủ đúng quy định 5K.
Bên cạnh đó, các hệ thống bán lẻ khuyến khích người dân ưu tiên đặt mua hàng online và đặt một cách có chọn lọc, hạn chế đặt dồn dập nhiều đơn hàng một lúc vào các khung giờ cao điểm.
Không lo thiếu hàng hóa
Trao đổi với Zing, đại diện Sở Công Thương TP.HCM khẳng định việc người dân dồn đến các điểm bán lẻ như 2 ngày qua là rất nguy hiểm. Cơ quan này đang triển khai các phương án điều tiết hàng hóa, đảm bảo có thể cung ứng đầy đủ cho TP, do đó người dân không cần "đánh đổi" sức khỏe và sự an toàn để chen nhau mua sắm thực phẩm lúc này.
Đến sáng 7/7, TP.HCM có 125/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do liên quan ca nhiễm Covid-19, trong đó có cả 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm.
Tuy nhiên, nhằm đảm bảo nguồn hàng thông suốt từ các tỉnh, Sở Công Thương đã gửi văn bản đến 22 sở công thương các tỉnh khác đề nghị hướng dẫn các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại các chợ đầu mối của TP.HCM tổ chức giao dịch trực tuyến và đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.
Đồng thời, TP quyết định dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức và quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa. Trong đó, từ ngày 5/7, TP đã làm việc với tỉnh Tây Ninh và thống nhất phương án bố trí vùng đệm ở khu vực giáp ranh huyện Củ Chi và Trảng Bàng và lên kế hoạch trung chuyển hàng hóa.
TP.HCM đang triển khai nhiều biện pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa, trong đó có hướng dẫn tiểu thương bán hàng online. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Trong bối cảnh hiện nay, Sở Công Thương chỉ đạo các hệ thống siêu thị tăng cường lượng hàng hóa từ 50-100%. Các thương lái, người buôn bán tại chợ đầu mối đồng thời được tập huấn sử dụng các ứng dụng thương mại điện tử để mua bán trực tuyến.
Đại diện Satra cho biết, việc người dân đổ xô mua hàng có thể khiến siêu thị hết hàng ở một số thời điểm. "Tuy nhiên, siêu thị không bị động. Chỉ cần một mặt hàng nào đó vừa hết thì chúng tôi sẽ lập tức gọi điện cho nhà phân phối và đẩy hàng về liền. Từ hôm qua, sức mua tăng 6 lần thì nguồn cung hàng hóa cũng tăng tương ứng 6 lần", người này khẳng định.
Người dân có thể yên tâm không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách
Đại diện Saigon Co.op
Trong khi đó, tại Saigon Co.op, lượng hàng nhu yếu phẩm dự trữ hiện nay có thể cung cấp đều đặn với giá bình ổn trong tối thiểu 6 tháng tới. Tất cả mặt hàng được tăng nguồn cung gấp 3-5 lần.
"Do đó, người dân có thể yên tâm không bao giờ thiếu hàng hóa trong suốt thời gian giãn cách", hệ thống này khẳng định.
Hiện tại, với những khu vực có điểm bán lẻ phải tạm ngưng hoạt động, Sở Công Thương đang phối hợp các hệ thống phân phối lớn và các doanh nghiệp bình ổn thị trường chủ lực tổ chức các điểm bán hỗ trợ. Bên cạnh đó, các chương trình siêu thị mini 0 đồng, chợ nghĩa tình cũng đang được tích cực triển khai tại các vùng cách ly, phong tỏa.
Tiêu biểu, người dân tại quận 7, Tân Bình, Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp có thể mua các mặt hàng thiết yếu từ Saigon Co.op với giá giảm 50% trên sàn thương mại điện tử Shopee. Phí vận chuyển cũng được miễn phí nếu khách hàng thanh toán bằng ví ShopeePay.