Sáng 8/7, tại một số chợ, điểm bán lẻ xung quanh chợ ở TP.HCM như Xóm Chiếu (quận 4), Bùi Văn Ba, Tân Mỹ (quận 7)... lượng khách hàng đến mua sắm đông so với những ngày trước. Theo ghi nhận, giá các loại thịt, cá, rau, củ đều tăng mạnh.
Cụ thể, giá rau cải xanh, cải ngọt ở mức 30.000-40.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng/kg so với thời điểm một tuần trước. Dưa leo lên 40.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg; rau mùng tơi 35.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; xà lách 60.000 đồng/kg, bắp cải tăng vọt lên 40.000 đồng/kg, khổ qua 50.000 đồng/kg...
Song song với đó, giá thịt heo, cá tại chợ cũng tăng mạnh. Sườn non lên mức 180.000-200.000 đồng/kg thay vì 170.000 như trước; ba rọi 150.000-160.000 đồng/kg, nạc vai 130.000-140.000 đồng/kg; cá lóc tăng gấp đôi ngày thường lên 120.000 đồng/kg; tôm 230.000 đồng/kg; cá nục 140.000 đồng/kg...
Theo một số tiểu thương, do chợ đầu mối đóng cửa, hàng về khan hiếm, quá trình vận chuyển rau củ, thịt, cá trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Do đó, giá bị đẩy lên.
Ngày 8/6, rau, củ, thịt, cá đều tăng giá mạnh. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Rau tăng giá 3-4 lần vẫn phải mua
Hỏi giá từng loại rau một, rồi chọn loại rẻ nhất để mua, bà Khánh (quận 4) cho biết hôm nay rau, thịt loại nào cũng tăng giá mạnh.
"Từ trước đến nay tôi đều đi chợ, may mắn chợ gần nhà chưa đóng cửa nên vẫn có thể đi mua rau, thịt, cá tươi về dự trữ. Mới mua được vài loại như mùng tơi, bắp cải, bí đỏ và cá mà hết 200.000 đồng rồi", bà nói và cho biết thực phẩm nhiều ngày gần đây lên giá chóng mặt.
Trước chợ Bùi Văn Ba (quận 7, TP.HCM) đã đóng cửa, nhiều điểm bán lưu động của tiểu thương xuất hiện ven đường , người bán lẫn người mua đều mua nhanh, bán nhanh vì sợ lực lượng chức năng. Giá cả theo đó cũng bị đẩy lên cao.
Chiều tối ngày 7/7, chị Nguyễn Vân mang 5 bịch rau, và một bịch cà rốt ra vỉa hè bán, chỉ 30 phút lượng rau đã hết 3/4. "Sáng nay tôi đi lấy hàng ở chợ Thủ Đức trong ngày cuối trước khi đóng cửa nhưng cái gì cũng lên 2-3 giá, người thì đổ xô gom hàng", chị nói.
Chợ đầu mối đóng cửa, thương nhân tại các chợ, chủ quán ăn đổ xô đi gom hàng nên các thương lái đẩy giá bán.
Chị Vân, tiểu thương bán rau trên đường Bùi Văn Ba (quận 7, TP.HCM).
Trong đó, rau cải ngọt giá sỉ tăng lên 25.000-30.000 đồng/kg, cà rốt lên 20.000 đồng/kg trong khi vài ngày trước chỉ 10.000 đồng/kg. "Do chợ đầu mối đóng cửa, thương nhân tại các chợ, chủ quán ăn ồ ạt đến mua nên các thương lái đẩy giá. Tôi nhập giá cao nên cũng phải bán giá cao theo", chị Vân nói.
Chị Mai (quận 7, TP.HCM) cho biết ngày hôm qua xung quanh chỗ chị ở không còn chợ nào mở bán, trong khi các cửa hàng thực phẩm gần nhà đều hết sạch rau, thịt, cá. "Tôi đành phải mua tạm vài quả trứng, bó rau ở ven đường với giá cắt cổ", chị nói và cho biết một bó rau cải ngọt 400 gram chị mua có giá 20.000 đồng.
Nhiều chợ truyền thống đóng cửa, các xe bán rau, củ quả dạo cũng tranh thủ bán giá cao. "Tranh thủ bán nốt hôm nay thôi, ngày mai nghỉ giãn cách xã hội. Hôm nay là rau tôi nhập từ chợ Thủ Đức từ hôm qua", anh Tư, bán rau dạo trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), cho biết.
Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, ngày 8/7, lượng heo nhập về chợ đầu mối Hóc Môn khoảng 3.900 con, tăng so với ngày hôm qua 1.000 con. Giá móc hàm 108.000 đồng/kg, tăng gần 20.000 đồng so với hôm qua do tăng chi phí vận chuyển và phát sinh các chi phí khác do ảnh hưởng của đại dịch.
Giá rau xanh tăng mạnh, lượng người mua cũng đông hơn thường ngày. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Vẫn có thể đi chợ, siêu thị
Tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM đang trở nên phức tạp, hơn nửa chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối của thành phố đã phải tạm ngưng hoạt động. Thực trạng này khiến người dân hoang mang lo lắng về nguồn cung hàng hóa, giá cả thực phẩm trong những ngày giãn cách xã hội sắp tới.
Tối 7/7, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Người dân chỉ được ra ngoài mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp...
Trong cuộc họp chiều 7/7, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng khẳng định thành phố không lo thiếu thực phẩm. Người dân không nên vì tâm lý tích trữ mà tập trung đi siêu thị quá đông, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.
Cụ thể, thành phố đã tăng lượng hàng hóa cung ứng của các hệ thống phân phối hiện đại (các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh), gia tăng năng lực dự trữ và bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Riêng Saigon Co.op đã dự trữ được 26.000 tấn/tháng.
Ngày 7/7, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi hết sạch rau, thịt, cá vì lượng mua tăng vọt. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Thành phố cũng phát huy năng lực cung ứng của các kênh phân phối hiện đại và truyền thống gồm 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống, trên 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và hơn 28.000 điểm bán tại các địa phương.
Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Saigon Co.op, thừa nhận hiện nay do thiếu hụt về nền tảng kĩ thuật và quá trình vận chuyển, chuẩn bị quá ngắn dẫn đến tình trạng siêu thị và đơn hàng online bị tắc nghẽn cục bộ. "Chúng tôi sẽ tổ chức, điều tiết lại để nguồn hàng cung cấp đến tay người tiêu dùng được thông suốt trở lại", ông nói.
Tuy nhiên, khảo sát 10h sáng 8/6, lượng hàng hoá, rau, củ, thịt, cá tại các cửa hàng tiện lợi như Vinmart +, Bách Hoá Xanh... vẫn chưa được lấp đầy trở lại, nhiều kệ hàng vẫn trống trơn. Một số kệ chủ yếu là rau, củ ngày hôm qua.... trong khi lượng khách xếp hàng chờ rất đông.
Trong thời gian giãn cách xã hội, thành phố cũng sẽ dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về. Tại đây, cơ quan chức năng sẽ thực hiện khử khuẩn hàng hóa và phương tiện sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.