Đoán trước nhu cầu mua sắm ngày 8/7 sẽ gia tăng sau thông tin về việc áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP.HCM, chị Mai (quận Gò Vấp, TP.HCM) vừa ngủ dậy lúc 8h đã tranh thủ mở ứng dụng Grab để đặt mua thực phẩm.
Tuy nhiên, chị phát hiện siêu thị Big C Gò Vấp chỉ nhận đơn hàng sau 4 ngày nữa. Trong khi đó, các điểm bán khác cùng hệ thống và cửa hàng Co.opFood gần đó cũng đang "tạm đóng cửa" đến sớm nhất là trưa 8/7.
Do không còn đủ thực phẩm cho cả nhà ăn, chị Mai đành chuyển sang đặt mua tại các cửa hàng thực phẩm hữu cơ như 3 Sạch, Nam An... có trên GrabMart.
Các siêu thị ngừng nhận đơn hàng từ GrabMart sáng 8/7. Ảnh: GrabMart. |
Ngừng nhận đơn hoặc hết hàng
"Giá cả ở đây cao hơn các siêu thị phổ thông nhưng cũng không còn đa dạng mặt hàng như trước. Tôi chỉ đặt tạm vài món rau và thịt đông lạnh đủ ăn trong hôm nay, đợi trưa mở lại xem tình hình các siêu thị như thế nào để mua dự trữ cho những ngày tới", chị Mai nói.
Thậm chí, trên các ứng dụng đi chợ hộ khác như Baemin hay Now, nhiều người dùng còn phản ánh tình trạng đang chọn hàng hóa hoặc tiến hành thanh toán thì bị báo lỗi. Khi họ mở lại ứng dụng, một số món hàng đã hết hoặc thay đổi giá bán.
Khảo sát của Zing trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki lúc 9h sáng 8/7 cũng cho thấy nhiều mặt hàng rau củ, thịt, cá tươi sống đã hết hàng ở cả các hệ thống bán lẻ phổ thông và chuỗi siêu thị hữu cơ.
Bất lực khi khó mua hàng online, một số người tiêu dùng cho biết sẽ đến trực tiếp các siêu thị, dù nhận thấy rủi ro lây nhiễm khi lượng người dồn đến đông đúc. Số khác tìm đến những người bán hàng lẻ trên mạng xã hội.
Một cửa hàng thực phẩm chỉ còn hiển thị 18 món trên sàn thương mại điện tử sáng 8/7, nhưng khi nhấp vào từng mặt hàng để đặt mua, người dùng được báo "hết hàng". Ảnh: Lazada. |
"Từ mấy hôm nay tôi đã khó đi chợ mạng rồi, ngày mai (9/7) TP.HCM lại bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 nên chắc chắn hôm nay càng khó hơn. Thế nên đêm qua tôi thức đến 1h sáng vào nhóm cư dân của chung cư gần nhà, tìm xem họ có rao bán gì không. Bình thường họ chỉ bán nội khu, nhưng chắc nhà tôi gần đó họ cũng thương tình giao đến", chị Hà (TP Thủ Đức) chia sẻ.
Chị cũng nói thêm để đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm trong giai đoạn giãn cách toàn thành phố sắp tới, chị có nhờ người thân ở Hà Nội mua một số loại thức ăn có thể trữ lâu như chả cốm, chả mỡ... gửi vào.
"May mắn nhà tôi chỉ có 2 người, số đồ ăn đang có chắc cũng cầm cự được 3-4 ngày nên chưa quá lo, đợi khi tâm lý mọi người ổn định rồi đi siêu thị vẫn kịp. Chứ nhà nào đông người thì hẳn hôm nay sẽ chạy đôn chạy đáo lắm", chị Hà nói.
Bán một ngày bằng cả tháng 7/2020
Thực tế, kênh online của các siêu thị, sàn thương mại điện tử và ứng dụng đi chợ hộ đều ghi nhận sức mua tăng cao trong 2 ngày qua.
Mặc dù đã tăng cường nhân viên xử lý các đơn hàng online, các đơn vị đều khuyến khích người tiêu dùng đặt hàng có chọn lọc, hạn chế đặt dồn dập nhiều đơn hàng một lúc vào các khung giờ cao điểm nhằm tránh tình trạng quá tải, tắc nghẽn, từ đó ảnh hưởng tâm lý chung của người dân.
Tại Bách Hóa Xanh, lượng đơn hàng tăng 5-6 lần so với bình thường, lên đến 8.000-9.000 đơn/ngày.
Còn với Lazada, doanh số ngành hàng thực phẩm tươi sống trong ngày 7/7 đạt mức tương đương với cả tháng 7/2020. Trong đó, 120.000 hộp sữa tươi đã được bán hết chỉ trong 3 giờ, trong khi hơn 2 tấn sườn que và thịt gà, 10.000 quả trứng gà, trứng vịt đã được bán hết chỉ sau 12 giờ đầu tiên của ngày.
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm online tăng cao của người dân, Lazada cho biết đang tăng cường sắp xếp nhân sự để giao hàng liên tục 7 ngày/tuần, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ AI trong thiết kế lộ trình di chuyển của nhân viên giao hàng để có thể giao được nhiều đơn hàng nhất trong thời gian ngắn nhất.
Kênh online của siêu thị, sàn thương mại điện tử và ứng dụng đi chợ hộ đang tăng cường nhân sự xử lý đơn hàng. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Trong khi đó, Aeon Việt Nam cho biết vào một số khung giờ ngày 6/7, lượng đơn hàng online quá tải, khiến siêu thị phải tạm thời phân bổ lại thời gian tiếp nhận để kịp thời chuẩn bị đơn cho khách hàng.
Hiện chuỗi này đang tăng cường nhân lực hỗ trợ chuẩn bị đơn hàng và phối hợp với các đơn vị vận chuyển để đảm bảo giao hàng trong thời gian sớm nhất. Đối với dịch vụ đặt hàng qua điện thoại, Aeon cũng tăng thêm số điện thoại tiếp nhận đơn hàng tại các điểm bán.
Sản lượng thịt trong ngày 8/7 dự kiến còn cao hơn giai đoạn tiêu thụ của Tết Nguyên đán
Đại diện Aeon
Ông Nguyễn Nhơn Quý, trưởng phòng truyền thông Aeon, cho biết 3 ngày nay đã tăng nguồn cung từ 5-7 lần với các sản phẩm thực phẩm tươi sống và 3-4 lần với thực phẩm khô.
Tại Aeon Tân Phú, chỉ riêng mặt hàng thịt (thịt gà, thịt bò, thịt heo...), ngày 8/7 siêu thị chủ động tăng gấp 3 lần so với ngày 7/7. Còn tại Aeon Bình Tân, siêu thị tăng gấp 7 lần nguồn cung của một số mặt hàng thịt được khách hàng mua nhiều, tổng sản lượng thực phẩm tươi sống tăng đến 4 lần.
"Sản lượng thịt trong ngày 8/7 dự kiến còn cao hơn giai đoạn tiêu thụ của Tết Nguyên đán", vị đại diện khẳng định.
Trong bối cảnh người dân còn nhiều lo lắng về thiếu hụt thực phẩm, Sendo cũng ra mắt chương trình "Đi chợ tại nhà" ngay trong sáng 8/7.
Theo ông Nguyễn Đắc Việt Dũng, Chủ tịch Sendo, sàn thương mại điện tử này kết nối trực tiếp với các hợp tác xã nuôi trồng tại các địa phương lân cận để bán hơn 25 loại rau củ quả, trái cây, trứng sạch, bên cạnh nhiều mặt hàng bách hóa thiết yếu như gia vị, mì gói, đồ hộp.
Từ 0h ngày 9/7, TP.HCM bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong vòng 15 ngày. Hiện tại, 3 chợ đầu mối lớn đã tạm dừng hoạt động, TP còn 2.833 điểm bán mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay, tính đến ngày 7/7. Trong đó có 111 chợ, 106 siêu thị và 2.616 cửa hàng tiện lợi phân bổ rộng khắp TP Thủ Đức và các quận, huyện.
Sở Công Thương TP.HCM cho biết TP đã dự trữ 120.000 tấn hàng, trong khi nhu cầu thực tế hàng ngày chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn. Cơ quan này khẳng định nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, do đó người dân không nên đổ xô tích trữ hàng hóa.