Bỏ những cơ hội thúc đẩy sự nghiệp tại các nước phát triển, Jason Khải Hoàng, Tuân Lê, Đỗ Sơn Dương cùng trở về Việt Nam, chọn cách kinh doanh cho thuê chỗ ngồi làm việc.
Lý do đơn giản như Dương (CEO Toong) nói: "Thị trường, cộng đồng doanh nhân và startup Việt Nam đầy tiềm năng". Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một thị trường tiềm năng không có nghĩa cơ hội thành công sẽ trải đều cho tất cả.
Một trong những không gian làm việc chung lớn nhất Việt Nam. Ảnh: Dương Phú. |
Ôm hoài bão, chấp nhận thất bại
Không gian làm việc chung tại Việt Nam ra đời cùng làn sóng những người trẻ Việt ở nước ngoài chọn về nước lập nghiệp. Theo báo cáo thống kê trong nghiên cứu các không gian sáng tạo tại Việt Nam của chuyên gia truyền thông Trương Uyên Ly năm 2014, ước tính có khoảng 40 không gian sáng tạo tại TP HCM và Hà Nội.
Khoảng 1/4 trong số đó hoạt động theo mô hình coworking space, 5-6 địa điểm tại TP HCM và 4-5 địa điểm tại Hà Nội. Số liệu này đã tăng lên đáng kể cho tới hết 2015 ở cả hai miền.
Giá thuê chỗ ngồi tại các coworking space có nhiều mức, chênh lệch lớn giữa những địa điểm "đẳng cấp", quy mô lớn lên tới hàng nghìn mét vuông và những nơi bình dân, chỉ 100-300 m2.
Mức giá thuê chỗ cố định tại các coworking space nhỏ thường từ 1 đến 1,2 triệu đồng/tháng, ở những nơi được đầu tư quy mô với tiện ích cao cấp hơn, vị trí trung tâm thành phố thường là 2-3 triệu đồng/tháng. Cá biệt, tại một số điểm nổi tiếng, giá thuê chỗ ngồi làm việc cao cấp, đi kèm dịch vụ tương xứng lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.
Tập hợp các nhóm khởi nghiệp hoặc doanh nhân trẻ ở nhiều lĩnh vực cùng chia sẻ không gian làm việc, cung cấp dịch vụ với nhiều tiện ích giúp chiết giảm chi phí cố định tới 50%, mô hình kinh doanh coworking space tưởng sẽ dễ dàng thành công nhưng thực tế không như vậy. Bỏ vốn lớn, mất thời gian tạo cộng đồng nhưng thu lãi chậm, không ít chủ đầu tư nhận về thất bại.
Saigon Hub là một trong ít mô hình không gian làm việc chung được coi là chuẩn theo mẫu khai sinh trên thế giới. Dự án do nhóm doanh nhân, chuyên gia công nghệ thông tin và truyền thông trẻ, có tài trong và ngoài nước đồng sáng lập, đứng đầu là Jason Khải Hoàng.
Chính thức khai trương vào 1/6/2013, theo chia sẻ của đại diện nhóm sáng lập, đây là dự án mang kỳ vọng sẽ trở thành nơi kết nối những doanh nhân trẻ, tạo cảm hứng và chắp cánh cho những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo, sáng tạo, bản lĩnh.
Trước khi thực hiện dự án tại TP HCM, Khải Hoàng và thành viên đồng sáng lập đã tới Singapore để học hỏi mô hình "chuẩn" từ The Hub, mạng lưới toàn cầu lớn nhất của không gian đồng làm việc. Trong chuyến đi này, hai người đã chia sẻ ý tưởng và nhận được ủng hộ, chấp nhận đầu tư từ các doanh nhân trẻ Singapore, Việt Nam và quốc tế, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Một năm hoạt động, theo đánh giá của nhiều khách hàng, dù thiết kế không gian không có gì đặc sắc, song, về tinh thần, đây là nơi tạo cảm hứng cho nhiều ý tưởng và dự án khởi nghiệp tốt trong lĩnh vực CNTT và truyền thông. Tuy nhiên, sức mạnh tinh thần không phải là yếu tố đủ giúp dự án này thành công. Sau vỏn vẹn một năm, cơ sở đóng cửa trong sự nuối tiếc của giới khởi nghiệp.
Về nguyên nhân, khoảng một tuần sau khi rút lui khỏi thị trường, Khải Hoàng có bài chia sẻ trên trang cá nhân, thừa nhận sự thất bại đến từ lý do tài chính, giá thuê địa điểm tăng đột ngột khiến nhóm đầu tư không thể xoay sở kịp. Nguồn khách được chuyển dần sang "người anh em" (được cho rằng có góp cổ phần tại Saigon Hub) là không gian đồng làm việc Start tại quận 1 TP HCM. Tuy nhiên, theo khảo sát ý kiến khách hàng, Start cũng chưa hẳn là dự án hoạt động hiệu quả.
Không tuyên bố đóng cửa và hẹn gặp lại thị trường khi điều kiện thuận lợi hơn nhưng qua tìm hiểu, không ít dự án coworking space tại TP HCM và Hà Nội chung cảnh khó khăn.
Một số chủ đầu tư chọn cách giải pháp kinh doanh thêm một số dịch vụ giải khát, ẩm thực để "tăng gia", duy trì dự án. Nói theo cách của đại diện một coworking cafe tại Hà Nội: "Các coworking space quy mô nhỏ khó tránh khỏi dớp lai một quán cà phê".
CEO Google Sundar Pichai gặp gỡ giới khởi nghiệp tại một coworking space ở Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn. |
Vì sao "chết"?
Ông Nguyễn Trung Tín, CEO Dreamplex - coworking space có diện tích lớn nhất hiện nay cho biết, sự ra đi của tiên phong Saigon Hub là điều đáng tiếc. Song, từ đó, những mô hình đi sau rút ra được nhiều bài học quý để có thể thành công hơn.
Đầu tiên là bài học vỡ lòng mà bất cứ một dự án khởi nghiệp nào cũng phải học hỏi, đò là dù nguồn tài chính của nhóm sáng lập có dồi dào thế nào, nếu tài chính không cân đối thì sớm muộn dự án ấy cũng sẽ đóng cửa.
Nhà đầu tư nhất thiết phải có một nguồn doanh thu ổn định và nguồn doanh thu này phải đảm bảo đủ để chi trả cho các khoản chi phí trong thời gian ngắn nhất.
Bài học thứ hai trong kinh doanh coworking space là phải xây dựng được một cộng đồng và phải làm mọi cách để phục vụ cho sự phát triển của cộng đồng đó. Điều này nói tuy dễ những thực hiện rất khó vì để gây dựng được cộng đồng thì phải có một không gian đủ lớn để tạo được sự đa dạng, thúc đẩy hợp tác giữa các thành viên tham gia.
Nếu không gian nhỏ và chỉ cho phép một vài chục người làm việc thì đa phần sẽ trở thành một không gian dành riêng cho một nhóm đặc thù nào đó. Điều này đi ngược lại công thức thành công của coworking space.
Cuối cùng, đối với các chủ đầu tư xác định coworking space của mình là một dự án kinh doanh, theo nhiều đại diện, cần tìm đường ngắn nhất để đem về uy tín cho thương hiệu. Danh tiếng và mối quan hệ của các thành viên trong nhóm sáng lập, đầu tư cũng có thể được tận dụng để thu hút cộng đồng doanh nhân trong và ngoài nước đăng ký thuê chỗ.
Việc mời được những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn ở nhiều lĩnh vực trên thế giới đến với không gian làm việc chung của mình cũng là cách mỗi coworking space khẳng định thương hiệu với cộng đồng khách hàng tiềm năng. Đại diện một coworking space ở Hà Nội từng là địa điểm gặp gỡ của CEO Google Sundar Pichai và giới khởi nghiệp Việt Nam cho biết, đó là cơ hội lớn của những điểm cho thuê không gian như vậy.