Bà ngoại Duy, PGS. TS Nguyễn Thị Hòe, người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn sơn Kova, chính là thầy, là thần tượng, người truyền cảm hứng cho Duy. Ngay năm học cấp 3, cậu học trò chuyên sinh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM, vốn mê toán di truyền, đã tự dọn đường để gánh trách nhiệm kinh doanh, kế nghiệp gia đình.
Từ… bốc vác đến CEO
Duy chia sẻ, dù cả nhà đều xuất thân từ khoa học, nhưng khi anh bắt đầu nhận thức được cũng đúng thời điểm gia đình chuyển sang kinh doanh thuần tuý. “Có lẽ ‘máu’ kinh doanh của tôi được nuôi dưỡng từ lúc này. Từ những ngày mới học lớp 1, lớp 2, khi hàng nhập về, cả nhà xúm vào bốc, dỡ, tôi cũng bưng bê các thùng sơn, nguyên liệu… vào kho.
Bà, mẹ tôi không ngăn cản mà khuyến khích tôi cùng tham gia bốc vác giữa khuya. Xong việc, mọi người được trả công, tôi cũng được trả 20.000 đồng. Đó là số tiền tôi kiếm được đầu tiên, bằng việc tham gia vào một công đoạn làm sơn ở gia đình.
Đến sau này, khi chính thức gánh việc kinh doanh, tôi mới hiểu, đó là cách mà gia đình truyền cảm hứng, nuôi dưỡng đam mê cho tôi. Mọi người khuyến khích, tạo động lực cho tôi, để tôi dần yêu thích", Duy chia sẻ.
Anh bảo, chẳng ai làm tốt mọi việc mà không có sự chuẩn bị. Từ đầu cấp 3, dù học chuyên sinh, nhưng anh đã dọn đường cho việc kinh doanh sau này, bằng cách trang bị ngoại ngữ và các kỹ năng để ra nước ngoài du học chuyên ngành tài chính và quản trị kinh doanh. Năm 2011 về nước thì như một điều tự nhiên, anh bị cuốn vào công việc của gia đình.
“Cứ chọn thị trường khó nhất mà tiến”
“Đến châu Âu, mình giới thiệu mình là người Việt Nam, đi quảng bá sản phẩm của nhà mình, bạn bè phục lắm”. Duy hào hứng sau chuyến xúc tiến ký hợp tác phân phối sản phẩm thành công với một tập đoàn kinh tế lớn tại Đức.
Anh kể, khi mang sản phẩm đến Đức, anh tự tin nhưng tiếp cận đối tác không dễ dàng. Chỉ việc hẹn gặp là cả quá trình gian nan. Đến lúc gặp được đối tác, CEO sinh năm 89 này phải trải qua hành trình dài thuyết phục, từ giới thiệu chính mình đến công ty, sản phẩm ra sao, công nghệ rồi mạng lưới phân phối... “Không thể tin cuộc gặp đầu tiên kéo dài 5 tiếng đồng hồ, trong đó 3 tiếng liên tục chỉ để họ xem mình là ai.
Khi cảm giác ‘ổn’ rồi họ mới mở hơn với việc tìm hiểu công nghệ, kỹ thuật. Rồi họ đưa tôi đi xem nhà máy, trao đổi các vấn đề về hợp tác. Tất nhiên, mình cũng phải có những thủ thuật để thuyết phục nữa. Ngay hôm sau, họ đọc ‘nát’ website của chúng tôi. Cái nào chưa rõ họ xoay ngay và tôi lại tiếp tục giải thích, thuyết phục”, Duy kể.
"Tôi may mắn có bà ngoại, ba mẹ là nhà giáo, với quan điểm sống là lao động để tạo ra giá trị. Trong kinh doanh, tôi cũng được dạy cho cách xài đồng tiền như thế nào. Siêu xe không có trong những nhu cầu phải sử dụng của tôi. Trong từ khóa của tôi quan trọng là hàng bán được, công ty phát triển tốt, đảm bảo mức sống cho nhân viên, phát triển thương hiệu", CEO Nguyễn Duy.
Hỏi xúc tiến thị trường châu Âu nếu so với thời kỳ bà ngoại mang sơn vào Singapore lúc nào khó hơn? Anh cho rằng, thời nào cũng có khó riêng, nhưng có lẽ bà ngoại khổ hơn nhiều. Bởi thời đó công ty mới ở buổi đầu, chưa có nhiều điều kiện thuận lợi về sản phẩm, nhân lực.
“Singapore là bước đi táo bạo và đúng đắn của bà tôi, bởi đây là thị trường khó nhất châu Á. Sản phẩm vào được Singapore coi như giấy thông hành đến các nơi khác. Thâm nhập thị trường Đức là bài học tôi rút ra từ cách làm của bà ngoại. Cứ chọn thị trường khó đánh trước, dễ tính sau. Và đó là điều đúng. Minh chứng là khi vào được Singapore thì Indonesia, Malaysia cũng rất chào đón chúng tôi.
Đã chạm chân vào thị trường Đức, bước tiếp theo của CEO trẻ này là xúc tiến thị trường Mỹ, châu Phi và Trung Đông. Theo anh, Kova quyết chinh phục thị trường ngoại cũng một phần vì “tự ái dân tộc”. Anh muốn thay đổi suy nghĩ của nhiều người là Việt Nam chỉ quanh quẩn với hàng thủ công mỹ nghệ. Anh cho biết, về lâu dài sẽ đầu tư một nhà máy tại châu Âu, để thuận tiện trong sản xuất, kinh doanh.
Mơ một Samsung, Hyundai Việt Nam
Hỏi Duy mỗi ngày dành bao nhiều thời gian cho công việc, anh cười: Bận mấy thì bữa cơm gia đình vẫn phải duy trì, để mọi người nghỉ ngơi, quan tâm chăm sóc nhau. Tất cả các thời gian còn lại dành hết cho công việc.
Anh chia sẻ, trong nhà mình, các mối quan hệ rất đặc biệt và có nhiều tương tác. Bà ngoại là chủ tịch; ba mẹ là thầy, lại là quản lý; các cô, bác là sếp và là đối tác. Chính vì vậy mà mọi người cố gắng để hài hòa tình cảm, giảm bớt những câu chuyện kinh doanh lúc gặp nhau. Nguyên tắc của gia đình vào bàn họp là đối tác, đồng nghiệp, nhưng về nhà thì không được nhắc công việc trong bữa cơm.
Một điều đặc biệt là hầu như ít ai biết Duy chính là cháu ngoại của Chủ tịch Nguyễn Thị Hòe. Duy bảo chỉ khi ở nhà mới được xưng hô bà cháu và quan tâm nhau bằng tình cảm gia đình. Cả nhà thống nhất không mang mối quan hệ gia đình vào công việc.
Doanh nhân trẻ này cũng không ngần ngại chia sẻ ước mơ đưa doanh nghiệp sánh ngang những tập đoàn nổi tiếng trên thế giới. “Tôi nghĩ Hàn Quốc có Samsung, Hyundai mà Việt Nam không được như vậy, dù công nghệ, kỹ thuật, lợi thế mình đều có. Niềm tự hào dân tộc của thế hệ chúng tôi lớn lắm, chứ không phải như nhiều người vẫn nghĩ, trẻ là hời hợt. Tôi là thế hệ thứ 3 trong gia đình kinh doanh sơn, tôi sẽ chỉ tập trung vào sơn. Tôi muốn xây một nền tảng vững chắc để những tập đoàn kinh tế gia đình tại Việt Nam không thua các tập đoàn trên thế giới", Duy cho biết.
Ông chủ Facebook tiêu tiền như thế nào?
Là tỷ phú trẻ trong danh sách của Forbes với tài sản 35,7 tỷ USD nhưng Mark Zuckerberg không tiêu tiền vào những đồ dùng xa xỉ.
Bà chủ sơn Kova: Cuộc đời tôi là 3 lần liều
Ở tuổi gần 70, bà chủ sơn Kova vẫn làm việc không nghỉ. Giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp chia sẻ: “Sơn làm ra chưa kịp bán cô đã gọi chúng tôi, khoe tiếp sản phẩm mới".
Bà chủ sơn Kova: Cuộc đời tôi là 3 lần liều
Ở tuổi gần 70, bà chủ sơn Kova vẫn làm việc không nghỉ. Giám đốc kinh doanh của doanh nghiệp chia sẻ: “Sơn làm ra chưa kịp bán cô đã gọi chúng tôi, khoe tiếp sản phẩm mới".