Theo ghi nhận của Zing, sức mua tại chợ Gia Lâm (quận Long Biên) tăng khoảng 50% trong sáng 19/7. Lượng hàng hóa vẫn dồi dào ở tất cả các ngành hàng, đủ đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân. |
Thịt lợn tại chợ Gia Lâm là mặt hàng được quan tâm nhất. Theo phản ánh của người dân, giá thịt lợn tăng từ 110.000 đồng/kg lên 130.000 đồng/kg. "Giá thịt lợn nhập vào trong sáng ngày hôm nay tăng khoảng 20.000 đồng/kg nên buộc phải tăng giá bán", một tiểu thương chia sẻ. Tương tự, tại chợ Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng), giá thịt lợn bán ra ở mức 130.000 đồng/kg, giá thịt bò trong khoảng 270.000-290.000 đồng/kg. |
Trái ngược với thịt gia súc, thịt gia cầm ít được quan tâm hơn. "Dù giá gia cầm không tăng cao nhưng người dân vẫn không mặn mà", chị Loan - tiểu thương kinh doanh tại chợ Gia Lâm cho biết. Tại chợ Gốc Đề (quận Hai Bà Trưng), giá thịt gà ta tăng khoảng 10.000 đồng/kg, lên mức 130.000 đồng/kg. Giá vịt lông là 65.000 đồng/kg. |
"Giá rau hôm nay đắt hơn ngày thường khoảng 2.000 đồng/kg", bình luận của một khách hàng tại chợ Gia Lâm. Khảo sát tại chợ Bách Khoa và Gốc Đề, rau muống, bắp cải có giá khoảng 7.000-12.000 đồng/kg. Giá cà chua và chanh tăng mạnh, từ mức 25.000 đồng/kg bán ra ngày 18/7 lên 40.000 đồng/kg trong sáng 19/7. |
Các loại hải sản có giá ổn định hơn. Giá cá chép là 50.000 đồng/kg; cá rô phi có tăng nhẹ, lên 45.000 đồng/kg. Trứng gà là mặt hàng bất bình ổn giá nhất. Tại chợ Gia Lâm, trứng gà ta tăng từ 30.000 đồng/chục lên 35.000 đồng/chục. Tuy nhiên, một số tiểu thương tại chợ Bách Khoa và Gốc Đề bán ra tới 38.000 đồng/chục trứng gà. |
"Lượng người đổ xô đi chợ khá đông, gây ra cảnh ùn ứ, chen lấn cục bộ trong chợ", chị Hồng - người dân đi mua hàng trong sáng ngay 19/7 phản ánh với Zing. |
Tiểu thương tại các chợ truyền thống khẳng định hàng hóa liên tục được phủ đầy, sẽ không có tình trạng khan hiếm. "Người dân không nên lo lắng. Việc đổ xô đi mua rất dễ lây lan dịch bệnh", một tiểu thương tại chợ Gia Lâm nói. |
Chiều 18/7, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.
"Theo đó, nguồn thực phẩm thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30-50%. Đồng thời để lưu thông hàng hóa doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đến các điểm bán xuyên đêm", đại diện Sở Công Thương thông tin.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Hà Nội sẽ sẵn sàng mở thêm giờ, cam kết đủ lượng hàng phục vụ ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết hiện nay doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa theo phương án 5 của Sở trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường.