Đi chợ Xa La (quận Hà Đông, Hà Nội) lúc 7h30, chị Thu Hằng (44 tuổi) cho biết lượng hàng hóa về chợ hôm nay dồi dào, tuy nhiên hết sớm do tâm lý người dân mua nhiều hơn. Không chỉ vậy, giá các loại rau xanh cũng tăng mạnh, có loại tăng hơn gấp đôi.
Cụ thể, bí trước đây 10.000 đồng/kg, giờ lên 25.000 đồng/kg, rau cải cũng từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg. Chị Hằng cho biết chỉ dám mua 2 bông súp lơ bé giá 20.000 đồng, trong khi thường ngày một bông súp lơ to giá 6.000 đồng.
Tại một số chợ truyền thống khác ở khu vực Cầu Giấy và Gia Lâm, giá mặt hàng rau củ quả cũng tăng đáng kể. Rau muống lên 20.000 đồng/bó, mướp đắng tăng lên 17.000 đồng/kg, mướp ngọt lên 20.000 đồng/kg.
Tương tự, giá cà chua và chanh tăng mạnh, từ mức 25.000 đồng/kg bán ngày 18/7 lên 40.000 đồng/kg vào sáng 19/7, có chỗ bán ra 45.000 đồng/kg. Một tiểu thương lý giải do các mặt hàng này đa phần nhập từ các tỉnh phía Nam, mà đang hạn chế đi lại nên hàng về ít và giá nhập cao.
"Giá rau hôm nay đắt hơn ngày thường khoảng 2.000 đồng/kg", một người dân đi chợ Gia Lâm bình luận. Ảnh: Việt Linh. |
Do mới chỉ mua được 2 bông súp lơ bé, gần trưa, chị Hằng ghé vào siêu thị MM Mega Market Hà Đông xem thêm đồ. Chị khá bất ngờ khi mặt hàng rau củ quả tại siêu thị dồi dào, một số thậm chí có giá bán rẻ hơn ngoài chợ.
Cũng có nhiều người khác đến siêu thị mua rau xanh khi thấy có ít sự lựa chọn tại các chợ truyền thống, đồng thời giá tăng cao. “Hôm nay tôi ra chợ muộn mà thấy vẫn đông, hàng hóa không còn nhiều nên về bảo con trai chở đi siêu thị”, chị Hương (52 tuổi, Thanh Xuân) nói.
Theo ghi nhận của Zing, tại các siêu thị lớn như Big C, Vinmart, MM Mega Market, Co.opmart, lượng hàng hóa dồi dào. Trong sáng 19/7, số người tìm đến siêu thị mua sắm có tăng lên, nhưng không đột biến. Khách hàng tập trung chủ yếu ở gian hàng trái cây, rau củ quả và không phải xếp hàng chờ khi thanh toán.
Đại diện MM Mega Market cho biết sau khi UBND Hà Nội yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết từ 0h ngày 19/7, lượng khách đến mua sắm tại các siêu thị ở Hà Nội vào chiều tối 18/7 tăng 20-30%.
Hệ thống trung tâm MM tại miền Bắc tăng nguồn hàng thiết yếu dự trữ lên 30% từ 2 tuần trước. Ngoài ra, để dự phòng cho các tình huống khác xảy ra, MM báo các nhà cung cấp tăng gấp đôi khả năng cung ứng khi cần thiết, đồng thời tìm nhà cung cấp thay thế nếu khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa từ Nam ra Bắc.
Tại siêu thị, gian hàng trái cây, rau củ quả được quan tâm đặc biệt. Ảnh: Văn Hưng. |
Tương tự, đại diện Masan thông tin sau khi Hà Nội có công điện tăng cường thêm các biện pháp phòng dịch Covid-19, hệ thống VinMart/VinMart+ tại Hà Nội ghi nhận số lượng người mua sắm chiều tối 18/7 tăng cao.
Nhóm hàng nhu yếu phẩm, hàng tươi sống, rau và trái cây... được khách hàng lựa chọn nhiều, dẫn đến tình trạng trống kệ cục bộ các mặt hàng này tại một số điểm bán.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cho biết đã làm việc với các nhà cung cấp lớn, tăng lượng dự trữ hàng hóa lên gấp 3 lần nhằm đảm bảo bảo hàng hóa đầy đủ trên quầy kệ tại tất cả điểm bán.
"Người tiêu dùng cũng nên bình tĩnh, tin tưởng vào năng lực sản xuất, cung ứng hàng hóa nội địa. Việc đổ xô mua sắm, tích trữ hàng hóa lúc này là không cần thiết, tập trung đông người sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh", ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc Vận hành VinMart miền Bắc, nói.
Trước đó, Sở Công Thương Hà Nội khẳng định dù bất kỳ tình huống nào hàng hóa cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân kể cả trong điều kiện sức mua tăng cao.
“Nguồn thực phẩm thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30-50%. Đồng thời để lưu thông hàng hóa doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đến các điểm bán xuyên đêm", đại diện Sở Công Thương thông tin.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Hà Nội sẽ sẵn sàng mở thêm giờ, cam kết đủ lượng hàng phục vụ ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng.