Kệ hàng thực phẩm tươi sống như thịt gà, ngan, lợn trống không lúc 21h tối 18/7 tại Siêu thị BigC Thăng Long trên đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy. Ảnh: Việt Linh. |
Tương tự là tại siêu thị Vinmart Đội Cấn (quận Ba Đình). Do vào thời điểm tối muộn, nhân viên không bổ sung thêm hàng. Nếu đến vào sáng hôm sau, các siêu thị thuộc hệ thống này cho biết vẫn đảm bảo đầy đủ thực phẩm phục vụ nhu cầu của khách. Ảnh: Thạch Thảo. |
21h15 tại khu vực quầy thanh toán siêu thị Vinmart khác trên đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm), nhân viên bảo vệ cho biết khoảng 19-20h30, lượng người còn đông hơn thế này khá nhiều. |
Theo khảo sát của Zing đối với 10 khách mua sắm tại đây, 9 người trả lời rằng đi mua thực phẩm sau khi biết tin Hà Nội thắt chặt biện pháp chống dịch Covid-19. Họ sẽ cố gắng để không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết. |
Dù 22h là thời gian đóng cửa theo quy định nhưng lúc 21h37, nhiều khách vẫn còn xếp hàng chờ thanh toán. Phía trong các gian bày hàng, lúc này vẫn có người mới đến lúi húi chọn lựa thực phẩm. |
Anh Quý, Giám đốc siêu thị, cho biết tối nay đông khách hơn các ngày trước cùng thời điểm. Tuy nhiên, các buổi tối cuối tuần đều có lượng khách như thế này. Trung bình một hoá đơn thanh toán của tối 18/7 là 3,5 triệu đồng, chủ yếu là thực phẩm như mì tôm, gạo, thịt sữa và đồ đông lạnh. |
Quân và Thái chọn mì tôm và cháo ăn liền. Hai bạn trẻ cho biết vừa nghe tin từ mai không được tụ tập quá 5 người nơi công cộng nên đi mua sẵn để đỡ phải ra ngoài, đồng thời đảm bảo an toàn phòng chống dịch. |
Tùng và bạn tranh thủ đi mua đồ đông lạnh cùng các thực phẩm thiết yếu đủ dùng trong 1 tuần. |
Còn Ngọc vừa đi siêu thị trước đó một ngày. Sau khi biết tin, cô cũng vội vào siêu thị bổ sung mì tôm cho những ngày chỉ ở trong nhà làm việc từ xa. |
Minh Hằng và Ngọc Lan cho biết không phải mua đồ tích trữ mà là thường xuyên đi siêu thị vào buổi tối. Lần này, 2 cô gái chủ yếu chọn bánh kẹo, sữa tươi để ăn vặt. |
Một người đàn ông tuổi trung niên đến muộn. Anh chỉ mua 6 túi gạo ST25 cho vào xe đẩy mang ra quầy thanh toán. |
Do lượng hàng nhập về liên tục, siêu thị này cho biết không bị thiếu hàng. Chỉ một số quầy, nhân viên chưa kịp bổ sung, một phần là do gần đến giờ đóng cửa. |
Một kệ hàng đồ đông lạnh đã được khách vét gần hết vào lúc 21h35. |
Nhân viên thu ngân Bùi Đình Tiệp cho biết anh làm việc từ 14h đến 22h vẫn chưa ngơi tay do hôm nay lượng khách quá đông. Anh chỉ kịp nghỉ ăn tối ít phút rồi lại phải bắt tay ngay vào phục vụ các "thượng đế". |
Trước thời gian đóng cửa 2 phút, siêu thị trên đường Lê Đức Thọ vẫn đông khách chờ thanh toán tại quầy. |
Chiều 18/7, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.
"Theo đó, nguồn thực phẩm thiết yếu dự trữ để phục vụ người dân tăng từ 30-50%. Đồng thời để lưu thông hàng hóa doanh nghiệp đã bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đến các điểm bán xuyên đêm", đại diện Sở Công Thương thông tin.
Ngoài ra, các doanh nghiệp tại Hà Nội sẽ sẵn sàng mở thêm giờ, cam kết đủ lượng hàng phục vụ ngay cả khi nhu cầu tiêu dùng tăng.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết hiện nay doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa theo phương án 5 của Sở trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường.