Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chợ đen buôn bán nội tạng bùng nổ ở Trung Quốc

Việc số lượng bệnh nhân cần cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc vượt quá nguồn cung đã tạo kẽ hở cho thị trường chợ đen bùng nổ.

Một thanh niên bán thận cho những kẻ buôn lậu nội tạng để lấy tiền trả nợ bài bạc. Ảnh: BBC
Một thanh niên bán thận cho những kẻ buôn lậu nội tạng để lấy tiền trả nợ bài bạc. Ảnh: BBC

Đối với một người mẹ, việc phải lựa chọn đứa con nào có thể tiếp tục sống và để đứa con nào ra đi là một quyết định đau đớn. Bà Lian Ronghua, 51 tuổi, đã trải qua hoàn cảnh này vào đầu năm nay. Cả hai con của bà Lian đều bị suy thận. Tuy nhiên, do người chồng bị huyết áp cao nên chỉ mỗi bà Lian là người có thể hiến thận.

"Tôi không biết vì sao cả hai đứa lại cùng mắc một căn bệnh", bà Lian nức nở kể với BBC. Cuối cùng, cậu con trai cả Li Haiqing, 26 tuổi, quyết định nhường quả thận của mẹ cho em trai, Haisong 24 tuổi. "Em tôi còn trẻ và cơ hội hồi phục cao hơn tôi", Haiqing nói. 

Haiqing từng phải bỏ ngang chương trình học ở một trường y vì sức khỏe kém. "Tôi hy vọng sẽ được ghép thận trước khi quá trễ. Nhưng nếu không, tôi chỉ cần duy trì điều trị mỗi ngày". Tuy nhiên, hy vọng của Haiqing khá mong manh do Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng thiếu người hiến nội tạng nghiêm trọng.

Nhiều năm qua, nước này phải lưu giữ bộ phận cơ thể của những tử tù để đáp ứng nhu cầu y học. Vì vấp phải những chỉ trích gay gắt của quốc tế nên Bắc Kinh tuyên bố bãi bỏ cách làm trên vào đầu năm nay. Thay vào đó, nước này thành lập ngân hàng nội tạng và kêu gọi sự hiến tặng của người dân.

Trung Quốc buộc phải dừng việc lưu trữ nội tạng của tử tù kể từ đầu năm 2015. Ảnh: BBC
Trung Quốc buộc phải dừng việc lưu trữ nội tạng của tử tù kể từ đầu năm 2015. Ảnh: AFP

Về lý thuyết, ngân hàng sẽ đáp ứng cho những bệnh nhân có hoàn cảnh ngặt nghèo nhất và cơ địa phù hợp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại những người có mối quan hệ hoặc nhiều tiền mới là đối tượng được hưởng lợi.

Ngoài ra, vấn đề lớn nhất mà Bắc Kinh phải giải quyết là thuyết phục người dân đến hiến nội tạng. Phong tục Trung Quốc cho rằng cơ thể con người rất quý giá và cần được chôn cất nguyên vẹn sau khi qua đời để tỏ lòng tôn kính. Tỷ lệ hiến tặng ở nước này cũng thuộc hàng thấp nhất thế giới, 0,6 lượt trên 1 triệu người.

Chợ đen nội tạng 

Các bác sĩ Trung Quốc ước tính hơn 12.000 ca cấy ghép nội tạng sẽ được thực hiện trong năm 2015 (tăng đáng kể ngay cả khi nước này còn thu hồi nội tạng của tử tù). Tuy nhiên, số người cần thay bộ phận cơ thể mới lại lên đến khoảng 300.000 người. Khoảng cách cung - cầu chênh lệch đáng kể tạo cơ hội cho thị trường chợ đen bùng nổ.

Vén chiếc áo thun, một thanh niên 21 tuổi chỉ vào vết sẹo sau khi anh bán một quả thận để đổi lấy 7.000 USD. Số tiền này dùng để chi trả những nợ nần từ bài bạc của anh. Người thanh niên cho biết, một tổ chức quyền lực trong thế giới ngầm đã tổ chức và sắp xếp các ca buôn bán nội tạng trên mạng.

"Ban đầu, tôi phải đến bệnh viện để làm các xét nghiệm máu. Sau đó, tôi phải đợi trong khách sạn khoảng vài tuần cho đến khi họ tìm thấy người phù hợp để ghép thận của tôi", anh kể với BBC.

Sau khi các bước thủ tục ban đầu hoàn tất, một nhóm người đàn ông đến đưa anh ta rời khách sạn. "Họ bịt mắt tôi, lái xe lòng vòng khoảng 30 phút. Sau đó, tôi thấy mình đang ở một nông trại nhưng bên trong là phòng phẫu thuật đầy đủ thiết bị, nhiều bác sĩ và y tá".

Theo nguồn tin, người phụ nữ cần mua thận của anh ta cũng xuất hiện, "nhưng chúng tôi không nói gì với nhau". "Thoạt đầu tôi có hơi sợ, nhưng bác sĩ đã gây mê và tiến hành phẫu thuật. Tôi tỉnh dậy ở căn phòng khác, và không còn quả thận. Người mua cần cuộc sống, còn tôi cần tiền", anh nói.

Những thành viên trong một đường dây buôn bán nội tạng ở Trung Quốc ra hầu tòa. Ảnh: ImageChina
Những thành viên trong một đường dây buôn bán nội tạng ở Trung Quốc ra hầu tòa. Ảnh: ImageChina

Cuối tháng 8/2014, tòa án ở Bắc Kinh xét xử một đường dây buôn bán nội tạng trái phép gây chấn động Trung Quốc. Theo cáo trạng, 15 bị cáo, bao gồm một số bác sĩ, đã mua và bán thận trái phép cho 51 trường hợp. Đây là con số gây chấn động nhất trong các chiến dịch trấn áp thị trường nội tạng chợ đen những năm gần đây của Trung Quốc, theo South China Morning Post.

Kẻ cầm đầu đường dây là Zheng Wei, 46 tuổi. Từ năm 2010 đến 2012, nhóm này tìm kiếm những người muốn bán nội tạng để mua với giá từ 21.000 đến 25.000 nhân dân tệ (3.200 đến 4.000 USD), nhưng sau đó bán ra cho người mua đến hơn 200.000 nhân dân tệ (khoảng 31.000 USD).

Theo Want China Times, một số thành viên trong các đường dây buôn lậu chính là người đã liên hệ với chúng để bán nội tạng. Thể chất của họ đã yếu hơn so với trước khi thực hiện phẫu thuật. Vì họ không thể tiếp tục các công việc nặng nhọc thường ngày nên quyết định gia nhập các băng nhóm chợ đen.

Cận cảnh cuộc mua bán thận tại Iran

Không cần đến bác sĩ hay các trung tâm hiến nhận nội tạng, người Iran có nhu cầu mua và bán thận tìm đến nhau chỉ qua những lời quảng cáo sơ sài trên bức tường sau bệnh viện.

IS kiếm tiền bằng cách bán nội tạng đồng bọn

Khi những chiến binh IS chết, đồng đội của chúng đưa tử thi tới bệnh viện để các bác sĩ lấy nội tạng ra khỏi cơ thể. Sau đó chúng đưa nội tạng ra ngoài Iraq để bán.

Minh Anh

Bạn có thể quan tâm