Chuyên gia khám nghiệm tử thi sử dụng bộ dụng cụ đơn giản để giải phẫu xác chết. Ảnh: Shutterstock |
Các nhà bệnh lý học đặt tử thi có mã "H: 71 inches" lên chiếc bàn kim loại, kê phần đầu lên một khối nhựa. Cơ thể người chết không được che đậy, đeo một vòng tay màu vàng và được dán một tờ giấy để đánh dấu. Khuôn mặt nhợt nhạt với một vài nếp nhăn, cằm lún phún râu chứng tỏ đây là một người đàn ông trung niên. Họ sẽ mất khoảng 5 tiếng để giải phẫu thi thể.
Người đàn ông qua đời 8 giờ trước tại Trung tâm Y tế Đại học Pittsburgh (UPMC) ở bang Pennsylvania, Mỹ. Nhà nghiên cứu bệnh học Jeffrey Nine chỉ đạo công tác khám nghiệm tử thi tại đây. Ông nghi ngờ bệnh nhân qua đời vì bệnh tim nhưng gia đình muốn biết chắc chắn. Vì thế, Nine cùng giám đốc phòng khám nghiệm và 2 sinh viên tiến hành công việc.
Thân nhân của những người chết thường yêu cầu khám nghiệm tử thi để tìm ra nguyên nhân tử vong, xác định vai trò của yếu tố di truyền đối với cái chết của người đó và mức độ ảnh hưởng của nó tới họ trong tương lai. Một số người cảm thấy tội lỗi và muốn tìm hiểu xem liệu họ và bác sĩ đã có thể thay đổi kết cục hay không. Tuy nhiên, theo Nine, câu trả lời thường là không.
UPMC là bệnh viện duy nhất ở Mỹ đủ điều kiện để tiến hành dịch vụ khám nghiệm tử thi tập trung và thuê người giám sát toàn bộ quá trình. Khi một bệnh nhân tại đây qua đời, người thân có thể lựa chọn khám nghiệm tử thi miễn phí. Việc làm này mang lại lợi ích cho cả gia đình lẫn bệnh viện. UPMC có thể vừa an ủi gia đình người đã khuất vừa tạo cơ hội học tập cho sinh viên. Các bác sĩ thực tập thường chịu trách nhiệm khám nghiệm tử thi.
Khác với việc khám nghiệm để phát hiện bằng chứng phạm tội như trong phim truyền hình, các nhà bệnh lý học không sử dụng công nghệ cao trong quá trình làm việc.
Đối với Nine, công việc tại UPMC tạo điều kiện để ông giúp đỡ các sinh viên y khoa nắm vững kiến thức chuyên môn.
Khám nghiệm và thực tập
Ellen Sun, một sinh viên năm 3 vừa kết thúc đợt thí nghiệm kéo dài một tháng, cho biết mọi người đều thích Nine. Ông luôn tự tin, bình tĩnh và chỉ bảo tận tình. Trước khi bước vào phòng giải phẫu, ông giải thích cặn kẽ mọi thứ với sinh viên, cảnh báo họ về quá trình khám nghiệm tử thi để họ chuẩn bị tâm lý. Mọi người phải mặc loại quần áo dùng một lần, bọc kín cơ thể từ đầu đến chân.
Các chuyên gia khám nghiệm tử thi làm việc trong căn phòng rộng rãi với các tủ thép và dãy bàn nằm cạnh bức tường phía sau. Họ đặt các công cụ, bao gồm kẹp sắt, kéo, dao mổ, hộp nhựa đựng lưỡi dao, thước bằng thép không gỉ, lên một tấm vải.
Họ sử dụng các dụng cụ to hơn để khám nghiệm những cơ quan như não. Một số dụng cụ trông giống cái vồ với móc cong hoặc những con dao dài như dao cắt bánh mỳ. Một chiếc máy rửa chén nhỏ nằm cạnh bức tường đối diện. Do đối tượng phẫu thuật là xác chết, các chuyên gia không cần tiệt trùng công cụ theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt như đối với dụng cụ phẫu thuật.
Sau một nhát cắt, họ mở ngực thi thể và tiến hành khám nghiệm. Nine sử dụng dụng cụ tỉa cây, kéo và cưa.
"Những gì chúng tôi cần là tổ hợp các dụng cụ phẫu thuật, công cụ làm vườn và đồ dùng trong nhà bếp", ông nói.
Khó khăn
Bên trong một căn phòng giải phẫu tử thi. Ảnh: Firstlightastro |
Quá trình khám nghiệm tử thi tại UPMC diễn ra theo trình tự: chuyên gia giải phẫu cắt 3 vết sâu, rộng vào thi thể theo hình chữ Y. Vết cắt hầu như không chảy máu vì sau khi con người chết, trái tim ngừng hoạt động, chỉ có trọng lực tạo ra huyết áp.
Sau các bước ban đầu, chuyên gia khám nghiệm căn cứ vào trường hợp cụ thể để thực hiện bước tiếp theo, tập trung vào những cơ quan quan trọng. Nhưng những vết cắt ban đầu luôn gây khó khăn cho người thiếu kinh nghiệm.
Theo ông Nine, nhiều người cảm thấy họ đang xúc phạm người chết khi đặt thi thể lên bàn một cách thô bạo. Tuy nhiên, đây là vấn đề thực tế. Các xác chết luôn nặng, cứng và chịu lực tốt. Chuyên gia khám nghiệm chỉ có thể dùng sức mạnh khi làm việc.
Các chuyên gia lấy các cơ quan trong cơ thể người ra và sắp xếp thành hệ: ngực (tim, phổi), bụng (dạ dày, gan, túi mật, ruột, thận). Họ nghiên cứu theo hệ vì nó duy trì mối liên quan giữa các bộ phận, giúp họ kiểm tra sự tương tác giữa chúng trước khi con người chết.
Trong quá trình giải phẫu, Nine hướng sự chú ý của mọi người đến "phần rất quan trọng của công nghệ". Ông chỉ vào chiếc máy tính mà một nhà nghiên cứu đang dùng nó để nhập dữ liệu.
Trong 15 phút đầu của ca giải phẫu, gương mặt của tử thi vẫn lộ ra ngoài. Đôi mắt ông ta mở lớn, nhìn trừng trừng lên trần nhà. Sau đó, tiến sĩ Nine yêu cầu thực tập sinh che mặt xác chết lại bằng chiếc khăn màu trắng.
Tìm kiếm nguyên nhân cái chết
Tương tự từ "khám nghiệm tử thi", từ "bệnh lý học" cũng có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ. Nó có nghĩa là "đau khổ" và "kinh nghiệm".
Trong y học, bệnh lý học là chuyên ngành nghiên cứu nguyên nhân và sự ảnh hưởng của bệnh dựa trên các mẫu vật trong phòng thí nghiệm sinh thiết, các mẫu mô hay vết thương. Các nhà nghiên cứu bệnh học thường phân tích máu và nước tiểu để phát hiện bệnh tật. Họ cũng thường xuyên tư vấn cho các bác sĩ về tình trạng bệnh nhân để xác định phương pháp chăm sóc và điều trị.
William Osler, một bác sĩ người Canada sống vào đầu thế kỷ 20, được mệnh danh là "cha đẻ của nền y học hiện đại'", từng gọi các nhà bệnh lý học là "bác sĩ của bác sĩ".
Tuy nhiên, trong lĩnh vực y tế, họ thường lạnh lùng, tách biệt, thậm chí đáng sợ. Họ là những bác sĩ không thích bệnh nhân, thích ở trong phòng thí nghiệm dưới tầng hầm suốt ngày.
Các nhà nghiên cứu bệnh lý học nghĩ họ là người bẩn nhất trong giới y học và tự ví bản thân với gián. Tuy nhiên, họ thích nói về công việc. Họ không quan tâm đến con người mà chỉ chú ý đến bệnh tật.
Vì các nhà bệnh lý học làm việc với xác chết, nhiều người không thiện cảm với chuyên gia trong ngành này. Họ không có ánh hào quang của bác sĩ ngoại khoa, không dịu dàng như bác sĩ nhi khoa và không đạo đức bằng bác sĩ sản khoa.
Nhưng các nhà nghiên cứu bệnh lý đóng vài trò quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân. Họ nghiên cứu các mẫu vật và cho bác sĩ biết, chúng là thứ gì. Họ khám phá ra những thứ bí ẩn như ung thư biểu bì, polyp mũi (chứng viêm mãn tính trong khoang mũi), viêm tụy.