Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chợ Bến Thành, chợ Bình Tây xưa được quy hoạch như nào?

Các chợ Bến Thành, Chợ Lớn là trung tâm thương mại của Sài Gòn xưa, được người Pháp dịch chuyển, xây mới cho phù hợp quy hoạch đô thị.

Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) của tác giả Nguyễn Đình Tư, NXB Tổng hợp TP HCM phát hành. Sách cung cấp khá đầy đủ, chi tiết nhiều thông tin, tư liệu có giá trị về chế độ thực dân Pháp ở Nam Kỳ.

Thông qua sách, những vấn đề của chế độ thực dân ở Nam Kỳ được thể hiện rõ, từ đây có thể suy rộng ra tình hình nước Việt Nam trong khoảng thời gian bị Pháp đô hộ.

Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Cho Ben Thanh,  cho Binh Tay xua anh 1
Sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954).

3 năm để xây mới chợ Bến Thành

Chợ Bến Thành có từ thời Đàng Cựu, ở vị trí đầu đường Nguyễn Huệ hiện nay. Vì chợ nằm trên bến đò dẫn vào thành Phiên An, nên dân chúng quen gọi chợ Bến Thành, lâu dần thành tên chợ chính thức.

Người Pháp muốn dành riêng bờ sông để xây dựng cảng hành khách cho tàu cặp bến đón khách, nên đã dời chợ vào phía trong, phía trước nhà Kho bạc ngày nay, xa hẳn bờ sông.

Phía trước chợ có con kinh do thiếu tá kỹ sư Bovet đào từ năm 1867 để thoát nước từ đầm Boresse ra sông Sài Gòn. Kinh này lớn hơn các kinh khác nên gọi là kinh Lớn (Grand Canal), bờ kinh phía trước chợ được kè đá, từng khoảng xây bậc lên xuống để người ta lên xuống hàng hóa cho dễ.

Vì vậy mới có câu ca dao: "Chợ Bến Thành cẩn đá/ Chợ Rạch Giá cẩn xi mon/ Chúc em ở lại vuông tròn/ Anh về xứ sở chắc không còn vô ra".

Cho Ben Thanh,  cho Binh Tay xua anh 2
Chợ Bến Thành chụp năm 1910, vào những ngày cuối khi còn ở vị trí cũ (đầu đường Nguyễn Huệ hiện nay). Ảnh tư liệu

Chợ có nhà lồng và các dãy lều bằng gỗ lợp tranh. Tháng 7/1870 nhà lồng bị cháy mất một gian, được xây lại bằng cột gạch, rường bằng gỗ lợp ngói.

Thành phố Sài Gòn ngày một phát triển, việc buôn bán ở chợ Bến Thành ngày một sầm uất, mà chợ thì xuống cấp. Trong thành phố lại có nhiều kinh chảy ngang dọc, cản trở việc mở đường phố, lại ngày thêm mất vệ sinh, làm ô nhiễm môi trường. Vì vậy năm 1912 Hội đồng thành phố có quyết định xây chợ Bến Thành chỗ khác, cho lấp tất cả các ao, đầm, kinh rạch trong thành phố.

Vị trí được chọn để xây chợ mới là khu đầm lầy của ông Borresse, tức khu chợ Bến Thành ngày nay. Ngày 20/2/1909 chính quyền thành phố mở cuộc trưng cầu dân ý về việc xây dựng chợ mới. Ngày 3/7/1909 mở cuộc điều tra đất đai phải truất hữu để xây chợ. Sau khi điều tra có kết quả, ngày 7/12/1909 tòa án ra phán quyết truất hữu số diện tích cần thiết ấy.

Công việc xây dựng được tiến hành gọi thầu vào ngày 5/4/1912 với kinh phí dự trù 1 triệu fr và phải mất gần 3 năm mới xây dựng xong. Tháng 3 năm 1914 làm lễ khánh thành rất long trọng.

Cho Ben Thanh,  cho Binh Tay xua anh 3
Chợ Bến Thành năm 1921. Ảnh tư liệu

Ngày khai mạc có chưng “cộ bảy bang” (bảy bang là các bang người Hoa), có cộ bong (dán giấy màu làm các hình nhân) hình “Quan Âm tay xách giỏ cá”, hình “Hồng Hài cầm quạt Ba tiêu chấp tay bái Phật Bà” toàn do đồng nam đồng nữ tình nguyện chịu cho các thợ mã bong hình thế nộm giấy, cả ngày đứng trên một khung sắt nhỏ có hoa lá che kín, chân tay tê liệt vì không cử động được.

Lại có múa lân, thí võ, hát Triều Châu, hát Quảng Đông và hát bội diễn ngoài trời, cộ đèn, cộ bông, nhạc ngũ âm, và nhạc “mũ dích” Pháp (mũ dích là phiên âm của chữ musique, là âm nhạc).

Sánh với ngày nay, thì cuộc lễ rất tầm thường, nhưng vào thời ấy tiếng đồn khắp Lục tỉnh, đâu đâu cũng nô nức kéo nhau về Sài Gòn. Có câu: “Xem được lễ Tết tân thị một lần chết cũng sướng thân!” .

Ga xe lửa tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho, rồi Sài Gòn - Nha Trang được dời tới gần chợ, tạo thuận tiện cho việc buôn bán ở chợ và cất hàng đi các nơi. Nhờ đó chợ Bến Thành mới trở thành trung tâm thương mại lớn nhất Nam Kỳ.

Do sự dời chợ này mà có câu hát ví von như sau: "Chợ Bến Thành dời đổi/ Người sao khỏi hợp tan/ Xa gần giữ nghĩa tào khang/ Chớ ham nơi quyền quý mà đá vàng phụ nhau".

Chợ Bình Tây được xây dựng như thế nào?

Ở vùng Chợ Lớn hồi Đàng Cựu cũng có ngôi chợ trung tâm của khu vực, nay là trung tâm Bưu điện Chợ Lớn. Vị trí của chợ cũng rất thuận tiện, trên bến dưới thuyền, ghe thuyền chở lúa gạo miền Tây lên bán tấp nập suốt ngày đêm.

Bấy giờ rạch Chợ Lớn ăn thông ra rạch Tàu Hũ, phía sau chợ, người Pháp xây cây cầu nơi vàm rạch này nối liền bến (đường) Mỹ Tho là nơi ghe lên xuống gạo nên đặt tên là Pont du Riz (cầu Lúa Gạo), nay đã được đặt cống thoát nước.

Cho Ben Thanh,  cho Binh Tay xua anh 4
Bên hông Chợ Lớn cũ năm 1904, nay là khu vực Bưu điện Chợ Lớn). Ảnh: Aavh

Chợ này tuy là trung tâm buôn bán sầm uất, nhưng kiến trúc cũng xập xệ lắm, mặt bằng lại nhỏ hẹp, nên năm 1902 chính quyền thành phố Chợ Lớn cho mở cuộc thi thiết lập đồ án thiết kế chỉnh trang, khung sườn bằng sắt, lợp tôn, sẽ chọn 3 đồ án tốt nhất để trao giải thưởng 1.000 fr, 800 fr và 500 fr, chỉ dành riêng cho các nhà thiết kế có trụ sở tại Đông Dương. Riêng các hãng xây dựng của người Pháp không có trụ sở tại Đông Dương được đặc cách cho dự.

Các nhà thiết kế sẽ được Văn phòng Tòa Đốc lý cung cấp một bản chương trình chi tiết và một họa đồ vị trí. Ngoài ra các nhà thiết kế còn có thể tìm thông tin khác ở cơ quan quản lý đô thị. Hạn chót nạp đồ án là ngày 5/9/1902. Nhưng sau đó vì tàu ở Pháp khởi hành trễ nên gia hạn ngày chót nạp đồ án là ngày 30/11/1902.

Ngày 17/10/1904 mở cuộc đấu thầu thực hiện công tác cải tạo với kinh phí dự trù 9.000 đồng.

Tuy Chợ Lớn cũ đã được cải tạo nhưng vẫn không thỏa mãn được nhu cầu buôn bán của giới thương gia trong khu vực ngày một phát triển, nên chính quyền thành phố phải nghĩ đến việc tìm địa điểm khác để xây Chợ Lớn mới rộng hơn, lớn hơn, vì địa điểm chợ cũ quá chật, không thể mở rộng thêm được.

Biết ý định đó của chính quyền, nhà tư sản Quách Đàm liền đặt vấn đề với chính quyền thành phố là đương sự sẽ đổi cho thành phố khu đầm Lanessan của đương sự ở làng Bình Tây và sẽ góp thêm vốn với thành phố để xây ngôi chợ mới trên đó.

Đương sự chỉ xin giữ lại 2 ốc đảo nằm về phía Đông và phía Tây chợ để xây 2 dãy phố cho thuê (nay là 2 dãy nhà phố Lê Tấn Kế và Nguyễn Xuân Phụng). Chính quyền thành phố hoan nghênh đề nghị đó và mọi thủ tục được tiến hành ngay.

Cho Ben Thanh,  cho Binh Tay xua anh 5
Chợ Bình Tây (hay còn gọi Chợ Lớn mới) khi mới xây dựng, là sự kết hợp giữa kiến trúc Á Đông và ứng dụng ký thuật phương Tây. Ảnh tư liệu

Phiên họp ngày 28/5/1923 của Hội đồng thành phố Chợ Lớn, có sự tham dự của Quách Đàm quyết định xây Chợ Lớn mới với kinh phí dự trù 360.000$00, trong đó Quách Đàm đóng 60%, cụ thể là 200.000$00, thành phố Chợ Lớn đóng 160.000$00. Nếu sau này số tiền vượt quá số đó, thành phố phải đóng vượt hơn 160.000$00 thì Quách Đàm phải chịu góp 50% số tiền vượt ấy.

Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1927 đến năm 1929 hoàn thành. Sau khi chợ mới khánh thành, chợ Bình Tây cũ giải thể, tập trung hết bạn hàng cùng với bạn hàng Chợ Lớn cũ vào chợ mới được gọi là chợ Bình Tây cho đến nay.

Giải thưởng Sách quốc gia do Hội Xuất bản Việt Nam và Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào sáng 19/4 tại hội trường Thư viện quốc gia, 31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Trung Nguyên Legend.

Phương tiện giao thông Sài Gòn - Chợ Lớn xưa

Cuốn sách "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ" cho thấy những quy định về phương tiện giao thông trên đường phố Sài Gòn xưa.

Sân bay Tân Sơn Nhứt được hình thành như thế nào?

Năm 1920 sân bay được xây dựng trên địa phận làng Tân Sơn Nhứt, ban đầu chỉ phục vụ quân sự, sau đó mới có kế hoạch mở rộng phục vụ dân sự.

Trích sách "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954)"

Bạn có thể quan tâm