Trong khuôn khổ Kafka Festival Hanoi vừa diễn ra, hội thảo mang tính học thuật “Kafka với nền văn học châu Á” được tổ chức tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ngày 14/4) thu hút nhiều dịch giả, nhà nghiên cứu, phê bình.
Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch - trưởng khoa Văn học, ĐH KHXH&NV Hà Nội - cho rằng lý do Kafka được giới thiệu nhiều và sâu rộng hơn các tác giả lớn cùng thời như Jame Joyce và Marcel Proust bởi khía cạnh nổi bật của Franz Kafka không phải ở cách tân ở kỹ thuật xây dựng tiểu thuyết mà ở tính độc đáo và tư tưởng, triết học.
Ông đã nắm bắt được tính phi lý đến kinh hoàng của thế giới hiện đại, tính chất mê cung của cuộc đời, hiện diện của quyền lực chi phối số phận của con người cũng như nỗi bi thảm của hiện sinh ở tầm phổ quát chứ không chỉ dừng ở hiện tượng. Chính vì vậy, Kafka để lại dấu ấn sâu sắc đến nhiều thế hệ nhà văn đương đại.
Tư tưởng của Kafka ảnh hưởng lớn tới văn hóa đương đại nói chung, văn chương châu Á nói riêng. |
Cuộc gặp gỡ Kafka với nhà văn Việt Nam
TS. Phạm Xuân Thạch nhấn mạnh dấu vết ảnh hưởng của Kafka đến các nhà văn như Nguyễn Xuân Khánh, Tạ Duy Anh, Nguyễn Bình Phương, Phạm Thị Hoài,... Nét tư tưởng chính của Kafka ảnh hưởng mạnh nhất có lẽ là sự tha hóa của con người, con người đánh mất phần tự do mà bị co kéo bởi nhiều thế lực bí ẩn.
Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu chia sẻ về những cuộc gặp gỡ văn chương và tư tưởng thú vị giữa Franz Kafka và các nhà thơ, nhà văn Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn sau năm 1975.
Tác giả mang dấu ấn Kafka đầu tiên mà anh nhắc đến nhà thơ Văn Cao. Thế giới đậm chất Kafka đã tràn vào tác phẩm của Văn Cao rất đỗi dung dị, tự nhiên qua các bài thơ như Năm buổi sáng không có trong sự thật, Ba biến khúc tuổi 65.
"Tôi đi trên phố/ bỗng nhiên mọi người nhìn tôi/ một ai đó kêu lên: thằng ăn cắp/ tôi chạy/ tôi chạy/ tại sao tôi chạy?/ tôi không hiểu tôi/ cả phố đuổi theo tôi/ xe cộ đuổi theo tôi/ tôi chạy bạt mạng/ gần hết đời/ tới chỗ chỉ còn gục xuống/ tỉnh dậy mồ hôi chảy/ tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội" (Ba biến khúc tuổi 65)
Nhà thơ thứ hai, Hoàng Hưng cũng vô tình sử dụng mô típ Kafka. Bài thơ Cái chết đặc biệt rất giống với kết thúc tiểu thuyết Vụ án: "Những con rận đã bỏ anh đi hết/ Anh chết/ Trong đêm/ Miệng trắng thuốc đánh răng/ Đã bảo mãi anh rằng/ Đói đến mấy cũng đừng ăn thuốc đánh răng/ Tấm thân thước bảy/ Còn tấm giẻ hôi/ Cũng là xong nhỉ/ Ân oán một đời/ Những con ruồi bay đến".
Nhà văn thứ ba mà Trần Ngọc Hiếu nhấn mạnh là Bùi Ngọc Tấn và tác phẩm Chuyện kể năm 2000 của ông. Mẫu số chung trong tất cả tác phẩm đó là một thế giới ngột ngạt, phi nhân âm u, trần trụi, khốc liệt mà trong đó tất cả các nhân vật bị rút hết đời sống ở bên trong, trở thành những tàn dư của sự sống, những mã số, kí hiệu.
Cũng giống như trong các tác phẩm Kafka, con người hiện lên chỉ “mờ mờ nhân ảnh”, sở hữu đời sống riêng tư bị bóp nghẹt, lương tri là thứ gì le lói như thứ ánh sáng yếu ớt và nài xin sự cứu vãn.
Những cuốn sách của Kafka xuất bản tại Việt Nam. |
Đọc và tiếp nhận Kafka ở Việt Nam
PGS. TS. Nguyễn Văn Dân tham gia hội thảo với báo cáo “một số vấn đề trong tiếp cận Kafka ở Việt Nam”. Theo ông, có nhiều yếu tố khiến Kafka trở nên khó tiếp nhận với độc giả phổ thông, “người đọc Kafka hầu như chỉ giới hạn trong giới đại học và giới nhà văn”.
Franz Kafka đã sáng tạo ra một nghệ thuật mô tả “cái vắng mặt”, nghệ thuật “thông báo cái không thể thông báo”, “diễn đạt cái không thể diễn đạt”. Ông là “hiện tượng bộc phát đặc biệt”, không trường phái, không tiền nhân và không thể lặp lại.
Dù phi lý đã xuất hiện phần nào trong văn học thế giới nhưng ở Kafka, phi lý đã trở thành một đối tượng nhận thức, không chỉ là một hiện tượng xã hội mà nằm trong căn bản của mỗi con người, là tấn bi kịch nằm trong bản chất của sinh tồn. Chính điều này khiến cho tác phẩm của Kafka giống như những dấu hỏi lớn thách thức nhiều đối tượng độc giả.
Ông cho rằng: “Sự tiếp nhận Kafka được thực hiện trên hai lĩnh vực: dịch thuật và nghiên cứu, tuy nhiên trong cả hai lĩnh vực này đều có một số vấn đề cần trao đổi thêm liên quan đến những khó khăn trong việc tiếp nhận Kafka của độc giả, đặc biệt là độc giả phổ thông. Đối với độc giả phổ thông, thậm chí cả sinh viên đại học, các bản dịch qua nhiều thứ tiếng đôi khi gây khó hiểu và dẫn đến khó tiếp nhận".
Về lĩnh vực nghiên cứu, ông thừa nhận rằng Kafka đã trở thành một đề tài lớn của ngành văn học nước ngoài và lý luận văn học nhưng vẫn còn nhiều đánh giá khác nhau, chưa thể nào đi đến những thống nhất chung. Nhiều người tập trung vào tư tưởng về cái phi lý, nhiều người lại tìm kiếm thế giới chìm, thế giới của vô thức trong các văn phẩm của Kafka.
Dịch giả, nhà nghiên cứu Phạm Văn Dân khẳng định Kafka rất có ý thức về những điều phi lý ông mô tả và sự cần thiết phải đấu tranh chống lại thế giới phi lý.
Ông cho rằng Kafka chính là nhà văn chính trị thực sự bởi nhà văn thường xuyên hướng ngòi bút về quyền lực: quyền lực xuất hiện như là nhân vật trung tâm trong hầu hết sáng tác của thiên tài này. Ông gọi chủ nghĩa hiện thực của Kafka là “chủ nghĩa hiện thực nghiệt ngã”.
Kafka và những cuộc gặp gỡ với các quốc gia châu Á khác
Ở châu Á đã có những tiếp nhận riêng với Franz Kafka. Rõ ràng cuộc đời, tác phẩm và tư tưởng triết học của ông bao giờ cũng là nguồn cảm hứng cho rất nhiều thế hệ nhà văn, độc giả và giới nghiên cứu thuộc mọi lĩnh vực.
PGS. TS. Nguyễn Thị Mai Liên cũng đến với hội thảo với tham luận “Mô típ Folklore trong sáng tác của Franz Kafka và Haruki Murakami”. Cô trình bày 3 mô típ chung xuất hiện trong sáng tác của hai tác giả này.
Kafka và Murakami có những điểm gặp gỡ trong mô típ sáng tác. Trong ảnh là cuốn Kafka bên bờ biển của Haruki Murakami. |
Mô típ hành trình đến xứ sở khác kế thừa từ những truyện cổ dân gian xa xưa có hiệu quả đặc biệt trong tác phẩm của Kafka, khiến Kafka được gọi là “Dante của thế kỉ XX”. Và Haruki Muramaki, một nhà văn Nhật Bản hậu thế, cũng tìm về những hành trình xuyên thế giới như vậy.
Mô típ ngược đãi tàn nhẫn cũng là điểm gặp gỡ văn chương của hai tác gia. Qua mô típ này, Kafka dự cảm về một thế giới xa lạ, nơi con người đối xử với con người như khác loài, còn Murakami lại thể hiện niềm tin bất diệt vào ánh sáng của tình yêu thương.
Mô típ hóa thân trong Kafka thể hiện những mối trăn trở rất người trong khi đó mô típ hóa thân của Murakami như muốn nhấn mạnh thông điệp: tình yêu có khả năng hóa giải phi lý, khiến con người trở nên người hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Linh tham gia trình bày về quá trình đại chúng hóa Kafka ở Trung Quốc. Cô nói rằng quá trình này tuy diễn ra trong thời gian dài khiến Kafka trở thành một kí hiệu trong văn hóa đại chúng, trong văn học, hội họa, điện ảnh, kịch, ẩm thực, thời trang.. Tác động của Kafka đối với văn hoá Trung Quốc đương đại rất toàn diện và sâu sắc.
Tiến sĩ Verita Sriratana đến từ Thái Lan trình bày những cách tiếp nhận Kafka vô cùng mới mẻ và sáng tạo của những bạn trẻ đến từ đất nước của cô. Cô liên nối các tác phẩm của Kafka với những hoạt cảnh chính trị đặc biệt mà chính cô trải nghiệm, nhấn mạnh khả năng “tiên tri” thiên tài của đại văn hào thế kỉ XX này.
Nhà văn Franz Kafka. |
Kafka không chỉ nắm bắt “mẫu số chung trong trải nghiệm nhân sinh” của mỗi người. Qua những tác phẩm của mình, ông đã vạch cho chúng ta thấy những quy luật phổ quát của thế giới chính trị và xã hội, những điềm đại đồng xuất hiện ở mọi quốc gia.
Nhà phê bình R. M. Albérès từng gọi những tác phẩm của thiên tài nghịch dị này là “thiên luận về thần quyền mới mẻ vắng mặt thượng đế”. Với một bản năng, trực cảm thiên tài và “con mắt trông suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”, Kafka đã vẽ ra cho chúng ta thấy một thế giới.
Trong thế giới ấy, con người bị phụ thuộc vào quy luật của những dục vọng và đẩy nhau vào những mê cung luẩn quẩn của đời sống xã hội tha hóa, đó cũng chính là một góc đời sống mà chúng ta đối mặt ngày nay.
Festival Franz Kafka 2018 đã khép lại trong thành công tốt đẹp, mở ra những khả năng, triển vọng tổ chức những chuỗi sự kiện văn chương, văn hóa mới, có sự hợp tác của những đại sứ quán và những đối tác phía Việt Nam hướng đến mục đích đẩy mạnh giao lưu trao đổi văn hóa giữa các quốc gia.