Buổi tọa đàm thứ hai trong chuỗi sự kiện Kafka Festival 2018 mang tên “Franz Kafka: Hơn cả một cái tên” diễn ra trong không gian Heritage Space tại Hà Nội cuối tuần qua.
Tham gia buổi tọa đàm có dịch giả Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu, các thành viên CLB đọc sách ĐH Sư phạm: bạn Đặng Thanh Hiền và bạn Nguyễn Thị Thùy Linh.
Các diễn giả và khán giả cùng chia sẻ những “lăng kính” riêng mà qua đó, mọi người đọc, lý giải và tri nhận Kafka theo những cách khác nhau và trả lời những câu hỏi về văn chương và cuộc sống của mỗi người.
Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu (giữa) cùng các diễn giả trong buổi tọa đàm hôm 7/4. |
Đọc Kafka như là quá trình soi chiếu những ẩn ức
Dù Kafka từng tuyên bố “Không lặp lại tâm lý học” hay “Tâm lý học là sự thiếu nhẫn nại”, nhưng rõ ràng, độc giả luôn coi tìm kiếm những manh mối mà các nhà phân tâm học bày ra để khám phá bản ngã sâu kín trong thiên tài văn chương này, đặc biệt là qua những dòng nhật ký và thư từ của ông - di sản quan trọng mà Kafka để lại cho hậu thế.
Bạn đọc Nguyễn Thị Thùy Linh chia sẻ cảm nhận: “Những dòng nhật ký viết về thân thể và bệnh tật của Kafka luôn xuất hiện dày đặc, đặc biệt trong những dòng ông viết vào những năm tháng cuối đời. Điều này khiến mình suy nghĩ, đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa đời sống thường nhật và văn chương.”
Nhà văn sẽ viết gì khi “không còn khả năng gì nữa ngoài khả năng đau” (trích Nhật kí của Franz Kafka). Các diễn giả cùng thử cố gắng “nội soi” Kafka qua những nỗi khổ đau xã hội (social suffering) mà ông phải chịu đựng: thân phận người Do thái, mối quan hệ với người cha, mặc cảm tội lỗi và hổ thẹn rợn ngợp của thiên tài này đồng thời cũng đặt ra câu hỏi: phải chăng những mô tả bạo lực, hành xác dày đặc trong các tác phẩm của Kafka là sự dịch chuyển ẩn ức, mặc cảm mà chúng ta cần nghiên cứu thêm?
Trong các tác phẩm của Kafka đều chứa sự bất an. |
Đọc Kafka để thấy đời sống đầy phức tạp, bất định
Kafka không khởi điểm bằng tuyên ngôn, giả định về cái chết của Thượng Đế mà xuất phát từ chính đời sống của con người.
Bạn đọc Đặng Thanh Hiền cho rằng: “Cô đơn bản thể mà Kafka gợi nên đã chạm đến mình, không chỉ đơn giản là cảm giác bị sinh ra và tồn tại độc lập trong một thời gian dài, đó là cảm giác tự xa lạ với bản thân trước đó, muốn thoát ra cái kén tư tưởng, khát khao thoát khỏi bản thân. Các nhân vật của Kafka lang thang không bắt rễ vào nền tảng nào, không chân dung, nhân dạng, cụ thể, bị đẩy vào không gian thế giới biệt lập, gợi cho mình suy nghĩ rằng con người về bản chất là những thực thể cô đơn".
Phải chăng ta đang sống trong xã hội mà Kafka mô tả, dù xã hội hiện đại ngày nay đã cách 100 năm so với thời ông trăn trở, suy tư? Phải chăng mê cung trùng trùng các lớp cửa huyền bí, những tòa án, những ảo ảnh về lâu đài, những bóng mờ con người không thể thấy và tìm gặp lại chi phối đời sống chúng ta, và đè bẹp cuộc sống của chúng ta theo một ngữ nghĩa nào đó.
Phi lý hiện sinh là nền tảng cố hữu của con người, ta cần Kafka nhiều hơn trong đời sống vì Kafka khiến ta hiểu biết hơn, quan sát tốt hơn thân phận của chính mình.
Theo Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu, tìm đọc văn chương nói chung và Kafka nói riêng là sự từ chối những câu trả lời “dễ dãi”, những mô phỏng quá quy giản về thế giới, để trải nghiệm sự bất an muôn thuở của con người.
Kafka “dạy” cho chúng ta hãy học quan sát thế giới như một câu hỏi treo lơ lửng, học yêu sự phức tạp, bất định, chuộng sự loay hoay thay vì những đích đến và câu trả lời. Chúng ta dễ dàng mắc kẹt nếu hình dung hiện thực như mệnh đề đơn giản trong suốt và đơn chiều.
Có thể nói, con người sẽ không thể đầy đủ nếu như thiếu những cảm thức “Kafkaesque”. Khi nhu cầu nhìn thế giới thật chân bị xua đuổi, đè nén, con người sẽ dễ trở thành man rợ về tinh thần và sẽ vĩnh viễn trở thành những nhân vật như của Kafka, bị kết án và mất hết tự do.
Tầm vóc văn chương của Kafka sẽ luôn được khẳng định, bởi ông đã chạm đến một trong những “mẫu số chung của kinh nghiệm nhân sinh” của con người. Chỉ khi nắm bắt mẫu số chung đó, con người chúng ta mới có thể tự nhận thức được chính mình.
Vào ngày thứ sáu, ngày 13/4, buổi tọa đàm cuối cùng trong chuỗi sự kiện Franz Kafka Festival 2018 sẽ diễn ra dưới cái tên “Triết học trong nghệ thuật của Kafka” (song ngữ Anh-Việt) tại Hà Nội hứa hẹn mang lại nhiều tri thức thú vị về đại văn hào hàng đầu thế kỷ XX.