Giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám - đặc biệt là từ khoảng năm 1930 đến 1940 - không phải là khoảng thời gian quá dài, nhưng đó là lúc mà nền văn học Việt Nam hiện đại phát triển như vũ bão và cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị. Đó là một giai đoạn huy hoàng với một loạt cái tên lớn như: Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Phạm Cao Củng, Thạch Lam…
Thời kỳ vàng son ấy không chỉ được xây dựng nhờ tài năng của các tác giả lớn, mà còn có một phần công sức không nhỏ của các nhà xuất bản tư nhân nặng lòng với văn chương và dân tộc, trong đó có NXB Mai Lĩnh.
Gần một thế kỉ qua, cái tên này dường như đã chìm vào quên lãng. Nhưng nơi đây một thời từng là “bà đỡ mát tay” cho nhiều tác phẩm nổi tiếng.
Đại gia đình Mai Lĩnh. |
Từ tâm nguyện nơi ngục tù lưu lạc
Người khởi xướng xây dựng lên NXB Mai Lĩnh là nhà nho Đỗ Văn Phong. Cụ Phong sinh năm 1860 tại làng Mai, xưa kia thuộc huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên, ngày nay là huyện Sóc Sơn.
Sinh ra vào thời Nho học thất thế, nhận thấy vận nước nguy nan, sinh thời cụ Phong có tham gia vào phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục mong góp một phần sức lực cho công cuộc giải phóng dân tộc.
Nhận thấy các phong trào yêu nước, đòi dân chủ như Đông Kinh Nghĩa Thục sẽ trở thành mối đe dọa đối với chế độ thuộc địa, thực dân Pháp lúc bấy giờ thẳng tay đàn áp, hòng dập tắt ngọn lửa yêu nước này. Cụ Phong cùng nhiều đồng chí bị lưu đày sang Guyane, một vùng thuộc địa của Pháp.
Năm 1924, cụ Phong cùng 12 đồng chí đã tổ chức vượt ngục. Sau khi liên lạc với tổ chức, cụ được cấp cuốc tịch Trung Hoa và giả dạng người Hoa sang Việt Nam làm nghề chữa bệnh. Về nước, cụ lại phải theo tàu thủy vào Sài Gòn theo sự chuẩn bị của tổ chức chứ không thể về quê.
Từ khi còn trong tù, sợ mình không thể giữ được mạng sống, cụ Phong đã gửi gắm một người đồng chí là cụ Đồ Chưng, dẫn dắt cưu mang con cháu mình với mong mỏi rằng con cháu cụ không lầm đường lạc lối giữa thời buổi nhuyễn nhương.
Nhà nho Đỗ Văn Phong cũng nhắn gửi rằng muốn mọi hoạt động của con cháu đều thống nhất dưới cái tên Mai Lĩnh, ngụ ý không quên nguồn cội quê hương làng Mai, núi Lĩnh.
NXB Mai Lĩnh ở Hải Phòng năm 1936 và logo nhà xuất bản (trái). |
Và nhất họ là phải làm được điều gì đó để khai mở dân trí, có lợi cho việc giải phóng dân tộc. Lúc này trong đầu nhà nho Phong đã nghĩ tới chuyện mở nhà xuất bản thương hiệu Mai Lĩnh, tiền thân của nhà xuất bản. Và nhà in Mai Lĩnh bắt đầu từ đây.
Ban đầu các con của cụ Phong mở cửa hiệu tạp hóa và trường tư thục với cái tên Mai Lĩnh. Đến năm 1936, ông Đỗ Văn Mai, con thứ của nhà nho, cho ra tờ Hải Phòng tuần báo. Khi nhà Mai Lĩnh quyết định lên Hà Nội thì nhà in và nhà xuất bản Mai Lĩnh mới chính thức ra đời.
Chiếc nôi vàng một thuở
Thời bấy giờ, ngoài việc in sách, các nhà xuất bản còn cho ra đời các tờ báo riêng, báo chí và văn chương bổ trợ cho nhau, Mai Lĩnh cũng không ngoại lệ. Ý thức được xuất bản báo chí và văn chương là làm văn hóa, mà văn hóa thì phải đẹp, NXB Mai Lĩnh từ khi in Hải Phòng tuần báo đã chú ý đến việc trình bày đẹp, in giấy tốt để ra mắt độc giả những ấn phẩm chất lượng từ nội dung đến hình thức.
Vào thời điểm nào các nhà xuất bản cũng có những định hướng phát triển của mình. Nếu những người đồng nghiệp đình đám thời ấy như Đời Nay, Tân Dân, Hàn Thuyên, Lê Cường… đua nhau in các tác phẩm ăn khách thì NXB Mai Lĩnh vẫn kiên định với chủ chương của mình.
Khi ấy, Đời Nay cho in hàng loạt tác phẩm của Tự Lực văn đoàn với mong muốn quảng bá tư tưởng mới, chống lễ giáo phong kiến hà khắc, góp phần giải phóng phụ nữ.
Mai Lĩnh lại tập trung xuất bản những cuốn sách mang tư tưởng chống phong kiến và chế độ thực dân, góp phần cổ vũ công cuộc đấu tranh, giải phóng dân tộc.
Một số tác phẩm nổi tiếng như Tắt đèn (1939) và Làm đĩ (1939) vừa được NXB Mai Lĩnh in ra đã bị cấm phát hành hay thu hồi. Nhưng với tinh thần cảm tử, NXB Mai Lĩnh vẫn không bỏ cuộc và giữ quan điểm: “Cái gì có lợi cho dân trí là in, là xuất bản”.
NXB Mai Lĩnh là "bà đỡ" cho nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn chương Việt Nam, trong đó có các tác phẩm của Ngô Tất Tố. |
Nơi đây cũng đã đỡ đầu cho tác phẩm của nhiều nhà văn trong giai đoạn mới vào nghề, trong đó phải kể tới “ông hoàng trinh thám xứ Bắc” Phạm Cao Củng, hay một cái tên đáng nể chuyên viết tiểu thuyết lịch sử của thời kì này là Nguyễn Triệu Luật.
Thời điểm ấy, NXB Mai Lĩnh đã tổ chức cho các nhà văn đi thực tế, thâm nhập đời sống xã hội để sáng tác. Bấy giờ, để dễ bề cai trị, nhà cầm quyền để các tệ nạn như: nghiện thuốc phiện, đĩ điếm, trộm cắp… tràn lan trong xã hội.
Để thức tỉnh tầng lớp thanh niên khỏi u mê lầm lạc, đứng lên đấu tranh cho dân tộc, NXB Mai Lĩnh đã mạnh dạn cử người đưa các nhà văn xâm nhập các ổ tệ nạn để làm tư liệu sáng tác.
Sau chuyến đi do NXB Mai Lĩnh tổ chức, “ông vua phóng sự đất bắc” Vũ Trọng Phụng đã cho ra đời những cuốn tiểu thuyết phóng sự nổi tiếng, phản ánh thực trạng xã hội một cách sâu sắc. Nhờ hướng đi thông minh và tiến bộ này, đội ngũ các nhà văn đến cộng tác với NXB Mai Lĩnh ngày một đông và phần lớn là các tên tuổi cự phách
Có một giai thoại rằng: Khi ấy do quá túng bấn, nhà văn Ngô Tất Tố đã đến vay tiền của chủ bút Đỗ Văn Mai. Ông Mai nói rằng nhà văn có thể chấp bằng bản thảo, coi như lĩnh trước tiền nhuận bút.
Bí quá, nhà văn Ngô Tất Tố mới nói sẽ in một tiểu thuyết lấy tựa Tắt đèn ở Mai Lĩnh. Vì theo nhà văn, hoàn cảnh của ông lúc ấy còn mờ mịt hơn cả tiền đồ của chị Dậu.
Do những tác động của thời cuộc về chính trị và văn hóa nên thời kì vàng son của NXB Mai Lĩnh kéo dài chưa tròn một thập kỷ, từ năm 1936 đến 1944. Nhưng những con người làm nên cái tên lừng lẫy ấy đã để lại nhiều bài học giá trị trong lĩnh vực xuất bản cho hậu thế.
Cuối tuần qua, buổi tọa đàm mang tên "NXB Mai Lĩnh, vàng son một thuở" diễn ra tại Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội). Tọa đàm do câu lạc bộ "Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng" tổ chức. Tọa đàm nhận được sự quan tâm của đông đảo các nhà văn, nhà nghiên cứu, đại diện gia đình Mai Lĩnh tới dự.