“Xứ Thuận Hóa hưởng thái bình đã lâu ngày, công sở và tư gia đều giầu có, đồ ăn mặc và đồ dùng đều xa hoa”, Lê Quý Đôn đã nhận xét như vậy về vùng đất mà ông cai trị.
Sách Phủ biên tạp lục tập hợp những ghi chép khi ông đi kinh lý. |
Đất giàu Thuận - Quảng
Tìm về nguồn gốc sự giàu có của xứ Thuận Hóa, Lê Quý Đôn đã viết: “Trải qua đời Hiếu Vương hào phóng, kẻ dưới bắt chước thành thói quen. Từ quan to đến quan nhỏ, nhà cửa khắc chạm, tường xây bằng đá bằng gạch, màn dùng bằng sa bằng đoạn, khí dụng bằng đồng bằng thau, bàn ghế làm bằng gỗ đan gỗ trắc, cốc chén bằng đồ sứ, yên ngựa dây cương nạm vàng bạc, quần áo là lượt, nệm hoa chiếu mây, lấy sự xa xỉ khoe khoang lẫn nhau".
"Những nguời có chức vị ở dân làng cũng mặc áo đoạn vẽ kiểu bát ty và áo lương, áo sa, áo địa đều là áo mặc thường. Ăn vận áo vải mộc mạc thì cho là đáng hổ thẹn. Ngay đến binh sĩ cũng ngồi chiếu mây, dựa gối xếp, ấp lò hương cổ, uống nước trà ngon, chén sứ bịt bạc, ống súc bằng thau, chén bát đĩa dùng để ăn uống đều là đồ sứ của Trung Quốc. Một bữa ăn ba bát sứ to. Đàn bà con gái vận áo sa, áo lụa đỏ, thêu hoa ở cổ áo. Quen thói hoang phí, coi tiền bạc như rác, thóc gạo như bùn”.
Cuối thời các chúa Nguyễn, quyền thần Trương Phúc Loan là người nổi tiếng chuyên quyền và tham lam, vơ vét của cải nên rất giàu có. Lê Quý Đôn mô tả về sự giàu có của Trương Phúc Loan như sau:
“Phúc Loan chuyên quyền hơn 30 năm, tham lam tàn nhần, giết hại nhiều người. Được ăn ngụ lộc về hoa lợi ở các nguồn Sái, Thu Bồn, Trà Đính, Trà Vân, Đồng Hương, mỗi năm thu được bốn, năm vạn. Phúc Loan lại cai quản việc tàu buôn, cơ Trung Tượng, giữ Hộ Bộ và các việc khác, thu lợi cũng đến ba, bốn vạn. Trong nhà chứa vàng, bạc, châu ngọc, gấm vóc, của báu chật ních, ruộng vuờn nhà cửa, tôi tớ, trâu ngựa không biết bao nhiêu mà kể".
"Những đội binh thuộc quyền của hắn, cứ mỗi năm phải nộp 5 gánh sợi mây dùng thay vào những lõi dây mục đễ xâu tiền kẽm. Hắn có làm một cái vườn đặt tên là vuờn Phấn Dương, gặp kỳ mùa thu nước lên, hòm đựng bị ẩm ướt, đem vàng bày vào chiếu mây phơi ra ngoài nắng, sáng loáng cả một cái sân”.
Khi quân của vua Lê, chúa Trịnh đánh vào Đàng Trong, các quan của chúa Nguyễn tâu với chúa Nguyễn Phúc Thuần bắt Trương Phúc Loan đem nộp cho quân Trịnh. Người con của Trương Phúc Loan đã đút lót cho quan hầu của Việp quận công tên là Tạo Thuận 30 dật vàng, sau lại đưa cho Tuân Thọ hầu nộp vàng muời 30 dật, bạc 200 dật xin chuộc tội, cùng với “lễ riêng vàng bạc châu báu không biết bao nhiêu mà kể”.
Mùa xuân năm Bính Dần, khi có lệnh đem Phúc Loan giải về kinh đô Thăng Long, Phúc Loan cầu cạnh Lê Quý Đôn xin hoãn, đem lễ tới 20 dật vàng mười và cho người lệ mục 5 dật.
Lê Quý Đôn viết lại trong sách: “Số vàng ấy tôi từ chối không nhận. Tôi hỏi sao nhà mi lắm vàng thế ? Kẻ đem lễ nói tiền ấy là do bán ruộng vườn mà có”.
Tuy nhiên nhà bác học họ Lê nhận xét: “Xứ Thuận Hóa sản vật rất ít. Các sản vật quý đều lấy ở Quảng Nam. Đấy là một nơi sản vật nhiều nhất trong nước. Người ở Thăng Hoa và Điện Bàn biết dệt vải, lụa, sa tanh, đoạn, lụa hoa, nghề dệt ấy không kém gì người Quảng Đông. Về đồng ruộng thì nhiều và tốt, thóc gạo ngon. Trầm hương, tốc hương, loài voi, loài tê giác, vàng bạc, đồi mồi, ngọc châu, ngọc trai, bông, sáp vàng, đường mật, dầu son, hồ tiêu, cá muối, cau tươi và các thứ gỗ đều là thổ sản ở nơi ấy”.
Ông cũng đánh giá về tiềm lực kinh tế của các vùng đất mới mà các chúa Nguyễn khai phá: “Ba phủ Quy Nhân (Quy Nhơn ngày nay), Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi ngày nay) và Gia Định, số thóc gạo nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Các khách buôn Trung Quốc đến mua buôn rất nhiều.
Các xứ Hòn Lãnh, Thu Bồn và Phương Tây sinh sản nhiều loài voi, loài trâu, loài ngựa. Nhà dân thường cũng có nuôi voi. Ở Quy Nhân, Quảng Nghĩa cũng có nhiều voi. Ngựa sinh ở núi ở hang hằng trăm, nghìn đàn một, có loài cao đến 2 thuớc 5 thốn. Người miền ấy nuôi và dậy cho ngựa thuần thục dùng ngựa tải hàng hóa đi Phú An (Phú Yên ngày nay). Cả cho đến đàn bà con gái đi chợ hay đi đuờng xa đều thường thường cưỡi ngựa”.
Lê Quý Đôn cũng đánh giá cao việc quần thần của chúa Nguyễn ghi chép sổ sách về thu chi hằng năm rất cẩn thận: “Khi chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng vương, người giữ thái giám tên là Mai Văn Hoan biên từ năm Bính Dần (1746) đến năm Nhâm Thân (1752) số tổng kê hàng năm hai xứ nộp thuế bằng vàng, bạc và tiền và sổ hàng năm chi tiêu các việc".
"Về số tiền có năm thu 338.100 quan, mà tiêu ra đến hơn 364.400 quan; cũng có năm thu 423.300 quan mà tiêu có 389.400 quan. Tóm lại tiền thu vào cũng đủ chi ra. Có khi số tiền không đủ chi, thì lấy bạc mà phát. Các số ấy, sau khi hết năm, tính toán xong viết cẩn thận, đến ngày mồng 3 tháng giêng năm sau trình nộp. Năm nào tính rõ ràng năm ấy, đó cũng là một chính sách hay vậy”.
Ông cũng nhận xét: “Trước kia họ Nguyễn dùng đồng rất xa xỉ”, khi thấy trong Thuận Hóa dùng đồng thau làm ra đinh ốc để sửa sang lâu đài, dinh các và tàu thuyền. “Đó chẳng là xa phí quá lắm ru?”, ông bình luận.
Tượng nhà bác học, danh nhân Lê Quý Đôn trong khuôn viên Đại học Văn Hóa. Ảnh: huc |
Nhà bác học lớn của Việt Nam thời phong kiến
Lê Quý Đôn (1726 - 1784), lúc nhỏ tên là Lê Danh Phương, tự là Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, làm quan dưới thời Lê trung hưng, là nhà văn, nhà thơ, và được mệnh danh là "nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến”.
Ông quê ở làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ; nay là thôn Phú Hiếu thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông từng đỗ đầu kỳ thi Hương, đến năm 1752, đi thi Hội đỗ Hội nguyên. Vào thi Đình, ông đỗ luôn Bảng nhãn. Vì kỳ thi này không lấy đỗ Trạng nguyên, nên kể như cả ba lần thi, ông đều đỗ đầu.
Danh sĩ Ngô Thì Sĩ khen ông rằng ”Tướng công văn chương lừng lẫy, thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đỗ đầu trúng nhất giáp cập đệ, không những nuớc ta tôn trọng, lại nổi tiếng cả đến Trung Quốc”.
Năm Giáp Ngọ (1774), chúa Trịnh Sâm thân chinh mang quân đánh chúa Nguyễn ở Thuận Hóa, Lê Quý Đôn được cử giữ chức Lưu thủ ở Thăng Long. Đầu năm Ất Mùi (1775), tướng Hoàng Ngũ Phúc đánh chiếm được Thuận Hóa.
Năm Bính Thân (1776), chúa Trịnh Sâm đặt ty trấn phủ ở Thuận Hóa. Lê Quý Đôn đang giữ chức Tả thị lang bộ Lại kiêm Tổng tài Quốc sử quán, được điều vào Thuận Hóa làm Hiệp trấn Tham tán quân cơ. Tại đây, ông soạn bộ sách Phủ biên tạp lục.
Trong lời tựa sách, Lê Quý Đôn viết: “Thường khi tôi đi kinh lý các nơi, du lịch núi sông, dò hỏi di tích, tìm xét tục lệ xưa, góp nhặt văn thơ cổ, tùy bút mà ghi chép, thành ra từng loại, đặt tên là Phủ biên tạp lục, vết móng chim hồng gọi là lưu ghi việc đương thời vậy. Không ra khỏi cửa ngõ, ngồi mà biết ngoài nghìn dặm, thì quyển “tạp lục” này cũng có thể cung cấp đuợc chút ít vậy”.
Ngô Thì Sĩ nhận xét: “Trong bộ sách ấy chép núi, sông, thành, ấp, ngạch binh, ngạch thuế, nhân tài, vật sản và nguyên ủy đầu đuôi họ Nguyễn truyền nối, đánh dẹp, thay đổi hai xứ ấy, kể rõ ràng như chỉ vào bàn tay”.
Ngoài Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn còn là tác giả nhiều cuốn sách khảo cứu giá trị khác như Quần thư khảo biện, Thánh mô hiền phạm lục, Vân Đài loại ngữ, các sách khảo về lịch sử như Đại Việt thông sử, Quốc triều tục biên, Kiến văn tiểu lục, Lịch đại danh thần ngôn hành lục...
Sách Phủ biên tạp lục đã được nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần dịch, hiệu đính, chú thích và được NXB Giáo dục xuất bản năm 2007. Nhóm tác giả thuộc Viện sử học cũng dịch một bản, được NXB Văn hóa Thông tin in năm 2007.