Sáng 7/4, nhạc sĩ Quốc Bảo có buổi giao lưu với bạn đọc nhân dịp ra mắt sách Sài Gòn của tôi tại đường sách TP.HCM. Cuốn sách thiết kế nhỏ gọn, với kích thước 15x15 cm, được viết song ngữ kết hợp giữa hình ảnh và tản văn.
Quốc Bảo cho biết ý tưởng thực hiện cuốn sách đến với anh từ năm 2014. Đầu tiên, anh dự định tái hiện hình ảnh Sài Gòn theo góc nhìn của các nhiếp ảnh gia Mỹ vào năm 1961 đăng trên tạp chí Life.
Tuy nhiên sau khi đã chuẩn bị máy móc, thiết bị cần thiết cho buổi chụp hình thì anh phải bỏ ngang vì những tấm ảnh đó quá xấu. "Ánh sáng và kiến trúc của năm 1961 mới chụp đẹp như thế. Vì vậy tôi ghi lại hình ảnh Sài Gòn theo góc nhìn và sự thưởng thức của tôi", anh cho biết.
Nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam thể hiện bài Tình ca phố của Quốc Bảo trong buổi giao lưu. Ảnh: Huy Sơn. |
Nhạc sĩ nhấn mạnh: "Nếu chúng ta cứ giữ trong tâm tưởng hình ảnh cũ và cố gắng tái hiện nó thì sẽ luôn thất vọng. Sài Gòn không không có ký ức, chỉ có ngày hôm nay".
Nhận định này ngay lập tức khiến nhiều độc giả tại Đường sách không đồng tình. "Nếu ai đó mất đi phần ký ức sẽ bị một nỗi đau. Mọi người thương Sài Gòn vì Sài Gòn có những điểm đặc biệt như kiến trúc, cây xanh, con đường...
Nếu Sài Gòn cũng hiện đại, cũng có tòa nhà cao tầng và trung tâm thương mại không thì làm gì còn nét riêng. Nơi nào trên thế giới mà không có nhà cao tầng và trung tâm thương mại", một độc giả ý kiến.
Đáp lại, nhạc sĩ Quốc Bảo cho rằng bản thân anh và gia đình từng sống trong thời gian chứng kiến niềm đau, nuối tiếc để giữ lại Sài Gòn trong tâm tưởng. Tuy nhiên thực tế đã thay đổi nhiều.
"Tôi viết về ký ức Sài Gòn trong giấc mơ hơn là so sánh Sài Gòn của ngày hôm nay và trước đây. Vì vậy tôi dùng cách diễn đạt sốc là thành phố không có ký ức. Tôi nghĩ mỗi người có ký ức về Sài Gòn của riêng mình nhưng không thể đòi hỏi cả Sài Gòn phải bảo tồn ký ức cho mình", nhạc sĩ nói.
Bìa sách Sài Gòn của tôi. Ảnh: BTC. |
Sài Gòn ở tâm trí của Quốc Bảo thể hiện trong sách là những không gian, thời gian thật tĩnh, trầm lặng. Đó là hình ảnh chiếc điện thoại công cộng mốc meo, tơi tả vì dầm mưa dãi nắng. Đó là những con người bình dị - lạ lùng không thân quen nhưng vẫn khiến lòng phải nhớ.
Không chỉ có ồn ào, náo nhiệt và kẹt xe, Sài Gòn còn đầy ân tình. Đó là người đánh giày tên Long tìm thấy niềm vui, sự thong dong trong công việc của mình.
Sau khi đã kiếm đủ bữa ăn cho gia đình, anh thường dựa xe đạp vào gốc cây to phía góc Ngô Đức Kế - Đồng Khởi, đi bộ một vòng quãng hai cây số quanh khu vực, trở lại nơi để xe để đánh một ván cờ vào những ngày trời đẹp.
Đó còn là những tài xế taxi, bảo vệ các tòa nhà, quý ông về hưu, hay vài người chạy bộ quây quần bên quán cóc. Họ ngồi đó rồi cùng chuyện trò, không khoảng cách, và rộn vang tiếng cười. Họ ngồi bên nhau bên ly cà phê, chút trà nóng, vài điếu thuốc mua lẻ, bát hủ tiếu...
Buổi giao lưu có sự tham gia của các khách mời nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam, MC Nguyên Minh, ca sĩ June Nguyễn. Ảnh: Huy Sơn. |
Các khách mời của buổi giao lưu như nhiếp ảnh Phạm Hoài Nam, MC Nguyên Minh cũng chia sẻ những kí ức của bản thân về Sài Gòn. Họ đều không sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn nhưng có thời gian đáng nhớ ở mảnh đất này. Theo họ, Sài Gòn là thành phố không ngủ. Sự tấp nập, nhộn nhịp khiến thành phố đông đúc, kẹt xe là đương nhiên.
Họ cho rằng, với người yêu Sài Gòn thì dù thành phố có kẹt xe, ngập úng hay khói bụi thì đều nhìn ra vẻ đáng yêu từ những nhược điểm đó.