Nằm trong không gian chính trị Ba Đình, không gian Di sản văn hóa thế giới Thăng Long - Hà Nội, tòa nhà Quốc hội không chỉ là biểu tượng quyền lực của quốc gia mà còn là gạch nối truyền thống của trung tâm quyền lực lâu đời trong lịch sử dân tộc.
Cuộc khai quật năm 2008-2009 do Viện Khảo cổ học thực hiện đã phát hiện nhiều di tích, di vật khảo cổ của nhiều thời kỳ nằm xếp chồng lên nhau tại khu vực xây tòa nhà Quốc hội. Cuốn sách Những khám phá dưới lòng đất Nhà Quốc hội thể hiện những di sản, di vật mang giá trị cốt lõi của các phát hiện quan trọng này.
PGS.TS Bùi Minh Trí - Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh thành, chủ biên cuốn sách - trò chuyện về những di sản tại khu vực lòng đất tòa nhà Quốc hội và cuốn sách.
PGS. TS Bùi Minh Trí - chủ biên cuốn sách. |
Nhiều di vật tiêu biểu
- Để làm nên cuốn sách dầy dặn hình ảnh, tư liệu này, hẳn tác giả đã có một quá trình làm việc dài hơi?
- Từ năm 2011 đến nay, Viện Nghiên cứu Kinh thành (trước đó là Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành) được Thủ tướng giao nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu trưng bày di vật phát hiện được tại khu vực xây dựng tòa nhà Quốc hội, tái hiện trưng bày dưới tầng hầm nhà Quốc hội.
Trên cơ sở đó, Viện Nghiên cứu Kinh thành đã đầu tư nhiều năm để tổ chức thành công dự án Trưng bày Di tích, di vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội.
Đây là dự án trưng bày mang đẳng cấp quốc tế. Nó được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của khoa học công nghệ năm 2017. Để quảng bá được nội dung khoa học trưng bày, Trung tâm Nghiên cứu kinh thành đã nghiên cứu, xuất bản cuốn sách Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội.
Cuốn sách ra đời trong năm 2016, phục vụ ngay việc quảng bá sâu hơn, cụ thể hơn về những nội dung trưng bày.
- Cuốn sách gồm những nội dung chính như thế nào?
-Sách phản ánh sâu rộng các nội dung trưng bày. Nó được cấu trúc theo nội dung, kịch bản trưng bày dưới lòng đất tòa nhà Quốc hội. Bất cứ cuộc trưng bày nào đạt chuẩn quốc tế phải có công trình nghiên cứu kèm theo. Đây là một trong những công trình nghiên cứu kèm theo của dự án.
Sách Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội. |
- Ông có thể kể một vài di tích, di vật tiêu biểu được thể hiện trong cuốn sách?
- Có rất nhiều cái tiêu biểu, quan trọng. Di vật, di tích ở đây đều là tiêu biểu, đặc sắc mang giá trị biểu trưng cao, mang giá trị cốt lõi nhất của những khám phá khảo cổ học tại khu vực xây tòa nhà Quốc hội.
Các di tích kiến trúc có từ thời Đại La đến Đinh Tiền Lê, sâu rộng hơn đến thời Lý, gồm các di tích kiến trúc, giếng nước, các di tích mộ táng… đều được tái hiện trưng bày, phản ánh sinh động trong cuốn sách này.
Về di vật, rất nhiều loại hình di vật đặc sắc được lựa chọn. Ví dụ các loại ngói trang trí trên mái cung điện thời Lý, phản ánh vẻ đẹp tráng lệ, tính vương quyền, thần quyền, nét đẹp độc đáo riêng có của kiến trúc cung điện thời Lý.
Những món đồ gốm ngự dụng dành riêng cho nhà vua, hoàng hậu được thể hiện trong sách. Bên cạnh đó là những đồ dùng, vật dụng thể hiện thú chơi tao nhã trong hoàng cung Thăng Long, như chiếc cóng đồ sành (dùng để chơi chim) cũng được đưa vào sách.
Trong sách còn có những di vật phản ánh tôn giáo tín ngưỡng, chứng minh Phật giáo thời Lý, Trần rất phát triển.
Nội dung trong sách cho chúng ta thấy đời sống phong phú, đa dạng trong đời sống hoàng cung Thăng Long xưa.
- Những khám phá dưới lòng đất tòa nhà Quốc hội có ý nghĩa như thế nào?
- Những khám phá đó cho mọi người bắt đầu biết nhiều hơn đến Hoàng thành Thăng Long. Trước đó người ta nhận diện rất mơ hồ, bàn đến Thăng Long như một khu vực đâu đó chứ không phải khu 18 Hoàng Diệu.
Những phát hiện khảo cổ này cho thấy Hoàng thành Thăng Long không chỉ có 1.000 năm, mà có lịch sử 1.300 năm, với sự tiếp biến không hề đứt đoạn, từ thời tiền Thăng Long đến Thăng Long, những hiện vật đó phản ánh trình độ rất cao của xã hội đương thời.
Đồ gốm sứ, sành, đồ dùng kim loại phản ánh đời sống cao sang của bậc đế vương, qua các vương triều, từ thời Đại La, tới Đinh, Tiền Lê rồi Lý, Trần
Bên cạnh đó còn có những đồ vật từ nước ngoài, thể hiện sự giao lưu kinh tế, nhu cầu đời sống xã hội cao trong vương triều như đồ gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á, Hàn Quốc…
Những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất bù đắp khoảng thiếu của khảo cổ học lịch sử, vén mở bức màn lịch sử, cho ta nhận diện chân xác hơn về lịch sử.
Đưa khoa học tới gần công chúng
Một chiếc bình tỳ bà được tìm thấy cùng những di vật tại cuộc khảo cổ ở khu vực dưới lòng đất Nhà Quốc hội. |
- Với hàm lượng thông tin mang tính khoa học cao, những người làm sách nếu chỉ dựa trên nội dung, kịch bản của trưng bày để thực hiện sách liệu có đủ?
- Chúng tôi mất hơn một năm để làm cuốn sách này. Tất nhiên, cái gì cũng có một quá trình, nó dựa trên thành quả nghiên cứu nhiều năm trước, dựa vào những kinh nghiệm, trải nghiệm trong quá trình thực hiện khai quật, trưng bày.
Tôi vốn là chủ nhiệm dự án khai quật dưới lòng đất tòa nhà Quốc hội và là người quản lý di tích Hoàng thành Thăng long trong nhiều năm (từ 2002).
Hiện nay tôi vẫn là chủ nhiệm dự án Nghiên cứu, Chỉnh lý, Đánh giá giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Cho nên tôi có những kiến thức, có điều kiện biết đến và đánh giá, so sánh để viết sách.
- Một cuốn sách về khảo cổ như này có ý nghĩa gì với độc giả phổ thông?
- Nó làm cho độc giả nhận diện rõ ràng hơn về những khám phá khảo cổ học dưới lòng Nhà Quốc hội. Nó giúp người đọc nhận diện rõ ràng hơn về Hoàng thành Thăng Long không chỉ bó hẹp ở khu vực 18 Hoàng Diệu, mà quy mô rất rộng lớn, trong đó nhà Quốc hội chỉ là một trong những khu vực minh chứng điều đó.
Sách giúp mọi người hiểu rõ hơn các loại hình vật liệu kiến trúc, hình thái kiến trúc, đồ dùng vật dụng trong hoàng cung Thăng Long, và cho mọi người thấy, ngày một cảm nhận ngày một sâu hơn về vẻ đẹp tráng lệ, đời sống cao sang của hoàng cung Thăng Long trong lịch sử.
Sách có rất nhiều ý nghĩa cho nhận thức xã hội. Đó là cơ sở tin cậy để giáo dục thế hệ trẻ, quảng bá di sản tới Việt Nam. Sách in hai phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh với giấy chất lượng cao, cho mọi người tiếp cận gần hơn, rõ hơn về những giá trị khám phá khảo cổ.
Với cuốn sách, kết quả khảo cổ học không chỉ là công trình nghiên cứu, mà còn đưa công trình nghiên cứu đó đến công chúng. Cuốn sách này đưa khoa học đến gần hơn với công chúng.
Như vậy, kết quả nghiên cứu không bị cất vào ngăn tủ, mà nó trở thành công cụ hữu hiệu phục vụ cộng đồng xã hội.
Sách Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội do Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành và NXB Khoa học xã hội phát hành, PGS.TS Bùi Minh Trí chủ biên, biên tập bởi PGS.TS Bùi Minh Trí, PGS.TS Lại Văn Tới.
Cuốn sách hiện vào chung khảo Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam 2018. Đây là giải thưởng về sách lớn nhất Việt Nam, thu hút sự quan tâm của hầu hết nhà xuất bản trên cả nước.
Giải thưởng Sách quốc gia do Hội Xuất bản Việt Nam và Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào sáng 19/4 tại hội trường Thư viện quốc gia, 31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Trung Nguyên Legend.