Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương tiện giao thông Sài Gòn - Chợ Lớn xưa

Cuốn sách "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ" cho thấy những quy định về phương tiện giao thông trên đường phố Sài Gòn xưa.

Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954) của tác giả Nguyễn Đình Tư, NXB Tổng hợp TP HCM phát hành. Sách cung cấp khá đầy đủ, chi tiết nhiều thông tin, tư liệu có giá trị về chế độ thực dân Pháp ở Nam Kỳ.

Thông qua sách, những vấn đề của chế độ thực dân ở Nam Kỳ được thể hiện rõ, từ đây có thể suy rộng ra tình hình nước Việt Nam trong khoảng thời gian dưới 80 năm bị Pháp đô hộ.

Được sự đồng ý của NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.

Phuong tien giao thong Sai Gon - Cho Lon xua anh 1
Bộ sách Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954).

Tiêu chuẩn nghiêm ngặt về xe xích lô trên đường phố

Ngày 19/2/1937, Khu trưởng Khu Sài Gòn - Chợ Lớn ban hành nghị định được Thống đốc Nam Kỳ phê duyệt ngày 25/2/1937 ấn định quy chế chạy xe xích lô (Cyclo-pousse).

Các nhà kinh doanh muốn khai thác loại xe này, ngoài việc phải đảm bảo xe đủ tiện lợi, vững chắc và sạch sẽ, còn phải sản xuất xe theo các tiêu chuẩn sau đây: Chỗ ngồi của khách phải để phía trước, phu xe ngồi đạp phía sau.

Mỗi xe có 3 bánh, 2 bánh phía trước để điều khiển, một ở phía sau để đẩy. Bánh xe sau phải gắn ổ thắng đùm thật mạnh, đường kính lớn, tối thiểu 130 mm.

Các bánh xe có đường kính tối thiểu 700 mm, gắn vỏ ruột bơm hơi. Chắn bùn thuộc loại bao trùm. Xe phải quay vòng được một đường bán kính 1,50 m (do bánh trước tạo thành).

Chiều dài của xe không được vượt quá 2,60 m, chiều rộng bên này qua bên kia nắp ổ bánh xe không quá 1 m. Xe phải gắn chuông báo cùng một kiểu. Đệm dựa và ngồi phải bọc vải trắng.

Chỗ gác tay phải bọc vải trắng hoặc làm bằng kim loại hay bằng gỗ sơn hay đánh bóng. Mui xe và tấm che phải làm bằng thứ vải dày kín, phải trình mẫu vải trước và được sự chấp nhận của cơ quan chuyên môn. Mui xe và tấm che không được đụng vào đầu và đầu gối của khách.

Đèn có thể treo ở trục gần bánh phía trước bên trái. Phu xe không bắt buộc phải chở khách ra khỏi ranh giới khu. Nếu bằng lòng đi thì theo giá biểu thỏa thuận.

Tất cả đều áp dụng cho xe xích lô các quy định của Nghị định Thống đốc Nam Kỳ ngày 8/5/1936 và của Khu trưởng ngày 31/1/1935, ngày 19/3, 21/4, 28-5 và 26/4/1936. Cũng áp dụng điều 32 của Nghị định ngày 26/4/1935 liên quan đến việc đánh số các xe kéo.

Mười lăm ngày cuối mỗi quý, các xe phải được đưa tới khám tại Kiểm soát viên khu, miễn phí, ở Sài Gòn hay ở Chợ Lớn tùy trường hợp. Nếu không đưa tới khám thì không được lưu thông quý kế tiếp trước khi hoàn thành thủ tục. Nếu bắt gặp trên đường sẽ bị bắt gửi tới nhà giam giữ.

Khi đưa xe tới khám phải xuất trình giấy phép lưu thông với Kiểm soát viên khu và được trả lại chủ xe với lời xác nhận, sau khi nạp đủ thuế lưu thông, và nếu cần, sau khi cấp thẻ môn bài.

Xe xích lô coi như tự ý không lưu thông nữa nếu không đưa tới khám hàng quý. Số đăng ký sẽ bị hủy và sẽ cấp cho người nào có đơn xin lưu thông xe. Tuy nhiên, số xe ấy còn được bảo lưu đến ngày 15 tháng thứ nhất của quý đối với chủ xe có đơn báo với cơ quan thẩm quyền rằng xe đang sửa chữa và sẽ cho lưu thông tiếp vào đầu quý. Quá hạn đó mới hủy bỏ thực sự.

Phuong tien giao thong Sai Gon - Cho Lon xua anh 2
Xích lô máy trên đường phố Sài Gòn năm 1950. Ảnh: Harrison Forman

Các xe lưu thông bị kiểm soát viên khu hay nhân viên cảnh sát bắt gặp không được vững chắc hay không được sạch sẽ sẽ bị đưa ngay tới nhà giam giữ của khu, giấy phép bị thu giữ và chỉ trả lại chủ xe sau khi xe được sửa chữa và đưa tới tái khám.

Các phu xe xích lô phải ăn mặc tử tế, sạch sẽ. Chủ xe phải có bộ đồng phục và huy hiệu riêng cho những phu xe của mình. Không được chở hàng hóa có mùi hôi thối.

Không được chạy xe không trên đường Catinat, trừ trường hợp vừa trả khách tìm đến đường ngang để rẽ. Không được đậu xe cách cổng trường dưới 20 m. Không được vượt lên để trả lời tiếng gọi của khách hay để mời khách đi xe. Không được ngủ trong xe.

Giá biểu tiền cước của xe xích lô không được cao hơn xe kéo.
Việc cho lưu thông xe xích lô theo các điều kiện của Nghị định này không có hàm ý tăng thêm số lượng xe kéo đã đăng ký trên địa bàn Khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Mỗi xe xích lô mới xin lưu thông phải có một xe kéo ngưng hoạt động.

Nghị định ngày 20/2/1937 của Trưởng khu Sài Gòn - Chợ Lớn cho phép Công ty Pháp về tàu điện ở Đông Dương chạy xe khách tuyến Sài Gòn - Cap Saint Jacques qua Biên Hòa, Bà Rịa và ngược lại bằng xe hiệu Renault 15 sức ngựa, dài 7,40 m, rộng 2,35 m, xe chở được 50 hành khách có 33 chỗ ngồi. Xe không tải nặng 3.754 kg, có chở khách nặng 6.454 kg kể cả 200 kg hành lý xách tay. Giấy phép có hiệu lực từ ngày 21/2/1937.

Giá cước xe phải thu theo quy định

Nghị định ngày 21/8/1937 của Trưởng khu Sài Gòn - Chợ Lớn Buissière sửa đổi điều kiện đặc biệt về xe xích lô đạp quy định ở Nghị định ngày 19/2/1937 như sau:

"Chỗ ngồi của người đạp xe có thể ở trước hay sau xe. Mỗi xe có 3 bánh, tùy người lái ngồi trước hay sau, bánh xe điều khiển phải có 2 thắng đùm đường kính lớn thật chắc. Bánh bằng cao su, kể cả vỏ, đường kính khoảng 700 mm. Dè che bánh theo kiểu che kín hay theo kiểu xe kéo hiện hữu. Đèn để dưới chỗ ngồi của khách, phía bên trái, phải thắp sáng khi trời tối . 

Tuy trước đây hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn đã có những quy định về giá cước chạy xe trong các thành phố, nhưng giá sinh hoạt của dân chúng ngày một tăng cao, nhất là từ sau khi Chiến tranh Thế giới lần thứ hai bùng nổ, xứ Đông Dương bị cô lập khỏi chính quốc.

Phuong tien giao thong Sai Gon - Cho Lon xua anh 3
Bộ sách là nguồn tư liệu quý về chế độ thực dân Pháp tại Nam Kỳ. 

Vì vậy ngày 3/1/1944, Khu trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn ban hành nghị định ấn định lại giá cước trên địa bàn nội vi toàn khu theo giá biểu sau đây áp dụng cho các loại xe kéo và xe đạp: chạy tới 500 m giá cước là 0$10, 1.000 m là 0$15, 1.500 m là 0$20, 2.000 m là 0$25, 3.000 m là 0$30, 4.000 m là 0$50, 5.000 m là 0$60, 6.000 m là 0$70, trên 6.000 m thêm 0$10 cho 1.000 m.

Nếu xe không chở tiếp thì phải quay về bến gần nhất. Xe không được chạy ngoài khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn, trừ vùng ngoại ô sát khu. Trường hợp này giá cước tùy hai bên thỏa thuận.

Nghị định ngày 5/8/1944 quy định thêm là khách có thể thuê xe một lượt đi, hoặc khứ hồi, hoặc giờ. Nếu thuê một lượt đi thì theo giá biểu trên đây. Nếu thuê khứ hồi thì theo giá 2 lần, tối đa có 10 phút chờ. Nếu thuê giờ có nhiều lần dừng thì giá cước 1$00 một giờ, nếu không dừng thì 1$25.

Giải thưởng Sách quốc gia do Hội Xuất bản Việt Nam và Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào sáng 19/4 tại hội trường Thư viện Quốc gia, 31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Trung Nguyên Legend.

Thực dân Pháp cai trị Nam Kỳ với chế độ như thế nào?

Bộ sách “Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ” nghiên cứu một cách hệ thống về thực dân Pháp, cách tổ chức, cai trị, bóc lột ở Nam Kỳ trong gần 100 năm.


Trích sách "Chế độ thực dân Pháp trên đất Nam Kỳ (1859-1954)"

Bạn có thể quan tâm