Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Chuyện đằng sau những bảo vật quyền uy, quý giá của triều Nguyễn

Từ ấn, kiếm, thẻ bài tới đồ thờ cúng, sinh hoạt... đều làm bằng vật liệu quý hiếm, chế tác tinh xảo, thể hiện quyền lực, uy phong, sự xa hoa nhà Nguyễn.

Bao vat Hoang cung trieu Nguyen anh 1Bao vat Hoang cung trieu Nguyen anh 2

Từ ấn, kiếm, thẻ bài tới đồ thờ cúng, sinh hoạt... Tất cả đều được làm bằng vật liệu quý hiếm, chế tác tinh xảo, thể hiện quyền lực, uy phong, sự xa hoa nhà Nguyễn.

Nhà Nguyễn (1802-1945) là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, để lại khối di sản đồ sộ. Trong khối di sản đó có một bộ sưu tập bảo vật vô giá do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ. Bộ sưu tập này gồm 2.500 hiện vật quan trọng, quý giá, linh thiêng nhất của vương triều nhà Nguyễn.

Cuốn sách Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn do NXB Văn hóa Dân tộc, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp thực hiện, lựa chọn những hiện vật quan trọng, ý nghĩa nhất trong bộ sưu tập ấy.

Bao vat Hoang cung trieu Nguyen anh 3

Theo số liệu thống kê, ước tính các vua triều Nguyễn cho đúc hơn 100 ấn, ấn làm từ vàng được gọi là kim bảo, ấn làm bằng ngọc được gọi là ngọc tỷ. Kim bảo và ngọc tỷ là biểu trưng cho quyền lực tối cao của vua, trọng khí quốc gia.

Bao vat Hoang cung trieu Nguyen anh 4

Bộ sưu tập tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ được 85 kim bảo, ngọc tỷ. Trong đó, ấn Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ là một ngọc tỷ đặc biệt. Chiếc ấn này mới được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.

Nếu như hầu hết ấn ngọc đều do triều đình nhà Nguyễn nhập nguyên liệu từ Miến Điện, Ấn Độ, Trung Quốc, riêng Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ được làm từ khối ngọc trong nước.

Theo sử cũ, vào năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), có người dâng lên vua một viên ngọc cực lớn, vốn là sản vật của núi ngọc huyện Hoà Điền vùng đất Quảng Nam. Nhà vua vô cùng mừng rỡ liền sai quan Hữu tư mài giũa thành ngọc tỷ, một năm sau thì xong.

Đây là ngọc tỷ lớn, với kích cỡ cao 14,2 cm, cạnh 13,2 x 12,7 cm, bề dày 4,3 cm. Trên lưng ấn, phía bên trái khắc dòng chữ Hán, có nghĩa: “Được ngày lành, lễ Thành phụng chỉ cung kính khắc”. Phía bên phải khắc: “Ngày 15 tháng 3 năm Thiệu Trị, 1847”. Phần trên đầu rồng khắc: “Nam Giao đại lễ để cáo (để tế cáo đại lễ đàn Nam Giao)”.

Đại Nam thụ thiên vĩnh mệnh truyền quốc tỷ (Ngọc tỷ truyền quốc của nước Đại Nam, nhận mệnh lâu dài từ Trời) dùng cho những bản sắc mệnh ban cho các nước chư hầu, những việc ban bố cho thiên hạ.

Ngọc tỷ này chẳng những là một bảo vật truyền quốc mà còn khẳng định nguyên liệu ngọc quý đã tìm được ở Việt Nam và kỹ thuật tạo tác do chính những người trong ngự xưởng của cung đình Huế thực hiện.

Bao vat Hoang cung trieu Nguyen anh 5

Cùng ấn, bảo kiếm cũng là vật biểu trưng cho quyền lực triều đình, trọng khí quốc gia. Trong số những chiếc kiếm của hoàng đế triều Nguyễn, thanh An dân bảo kiếm niên hiệu Khải Định (1916-1925) đặc biệt hơn cả.

Kiếm dài 90 cm, có chuôi vàng nạm đá quý, vỏ đồi mồi bọc vàng. Các thanh kiếm còn lại có chuôi ngọc bọc vàng hoặc chuôi ngà, vỏ đồi mồi bọc vàng hoặc bọc bạc.

Kim sách là loại thư tịch đặc biệt, dùng để ghi các sắc mệnh, chiếu dụ vua ban về chính sự, lễ nghi triều đình. Đó là các sự kiện như: hoàng đế lên ngôi, lập hoàng thái tử, tấn phong hoàng hậu, phong tước, dâng, ban tôn hiệu cho hoàng thân… Trong bộ sưu tập lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có 94 kim sách, hầu hết làm bằng vàng hoặc mạ vàng.

Bao vat Hoang cung trieu Nguyen anh 6

Kim sách lớn nhất được vua Gia Long đúc vào năm Cảnh Hưng thứ 57 (1796) tôn thân mẫu Nguyễn Thị Hoàn làm Quốc mẫu Vương Thái phi.

Vua Gia Long là người cho đúc nhiều kim sách nhất. Ngay sau khi lên ngôi hoàng đế năm 1806, ông cho đúc một loạt kim sách dâng tôn hiệu, thụy hiệu cho 9 chúa Nguyễn, 9 vương hậu, thân phụ Nguyễn Phúc Luân, đổi dâng tôn hiệu cho Vương Thái hậu Nguyễn Thị Hoàn làm Hoàng Thái hậu, tấn phong cho vợ là Vương hậu Tống Thị Lan làm Hoàng hậu.

Mũ miện của vua triều Nguyễn cũng là một trong những vật biểu trưng cho quyền lực. Trong bộ sưu tập tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia có bốn chiếc mũ phục dựng. Do thời gian dài bảo quản ở trong kho, những vật liệu của mũ bị mục nát, chỉ những chi tiết bằng kim loại mới giữ được, nên các nghệ nhân phải phục dựng lại.

Đặc biệt, trong sưu tập có mũ bình thiên. Mũ bình thiên vốn được vua đội vào dịp tế Trời - Đất hàng năm ở đàn Nam Giao để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình. Loại mũ này được vua Minh Mệnh cho chế tác lần đầu vào năm 1831.

Mũ bình thiên có đỉnh là một mặt phẳng hình chữ nhật, trước và sau mũ mỗi phía kết 12 tua hạt ngọc lẫn hạt vàng, tượng trưng cho 12 tháng. Mỗi bông hoa, hình mặt trời bằng vàng gắn trang trí trên mũ đều được tô điểm bằng cách cẩn ngọc hoặc đá quý.

Những chiếc mũ xung thiên được vua sử dụng thường xuyên, trong các dịp thiết triều, thường triều hay thực hiện các nghi lễ khánh tiết của triều đình.

Đại diện Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết những chiếc mũ này được chế tác tinh xảo tới từng tia mặt trời đính trên mũ. Nghệ nhân thời nay không thể chuốt được những tia mặt trời bằng vàng đạt độ tinh tế như thế.

Bao vat Hoang cung trieu Nguyen anh 7

Bên cạnh việc xây hàng loạt công trình nghi lễ như đàn Nam Giao, điện Phụng Tiên, Thái Miếu, Thế Miếu, Hưng Miếu… nhà Nguyễn còn cho chế tác rất nhiều đồ nghi lễ.

Trong sưu tập tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, có chiếc hoàng tông (ống ngọc vàng trong tròn, ngoài vuông, tượng trưng cho Đất) bằng ngọc nâu vàng. Tông cùng với bích phiến (phiến ngọc tròn màu xanh, tượng trưng cho Trời) là hai vật tế quan trọng bậc nhất trong lễ tế Giao.

Những đài thờ, mâm bồng, đỉnh trầm, chân nến, khay chén… của nhà Nguyễn đều được chế tạo với những chất liệu như vàng, bạc, đá quý, san hô...

Một số vật dụng thuộc bộ văn phòng tứ bảo từng sử dụng trong hoàng cung triều Nguyễn có trong sưu tập lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Các vật dụng này được chế tác với kỹ thuật tinh xảo bằng chất liệu quý hiếm. Bút, nghiên, thủy chú (lọ đựng mài mực), hộp son, gác bút, ống bút, chặn giấy… được làm bằng vàng, bạc, ngọc, ngà.

Trong bộ văn phòng tứ bảo, đáng chú ý nhất có 4 chiếc nghiên ngọc đề thơ Ngự chế của vua Thiệu Trị, gồm: Nghiên Ngự chế châu nghiễn thi nhất thủ (một bài thơ Ngự chế về nghiên mài son của vua) được tạo năm 1841, nghiên Ngự chế mặc nghiễn thi nhất thủ (1847), nghiên Ngự chế thi, Hữu mặc nghiễn (1847), nghiên Ngự chế thi, Hữu châu nghiễn (1847).

Trong sưu tập còn có một số trấn phong đặt trên bàn làm việc của vua như trấn phong Sơn hà nhất thống bằng bạc khảm vàng của vua Khải Định, trấn  phong Thiên tử vạn niên bằng bạc khảm vàng của vua Bảo Đại.

Bao vat Hoang cung trieu Nguyen anh 10

Trong số 2.500 bảo vật triều Nguyễn, chiếm đa số là đồ dùng sinh hoạt. Bát, đĩa, thìa, đũa, lồng ấp, các bộ đồ trà, thuốc, trầu cau, ống nhổ, khay trầu… đa dạng.

Đáng chú ý trong những vật dụng này là những chiếc quán tẩy làm hoàn toàn bằng vàng, ngọc, vàng cẩn đá quý, những bộ đồ trà bằng ngọc bịt vàng của vua Thiệu Trị… là hoàn hảo nhất trong các bộ đồ trà bằng ngọc hiện có trong sưu tập.

Trên những hiện vật này thường khắc họ tên của nhiều người thợ trong ngự xưởng, cho thấy đồ vật có xuất xứ, được làm riêng cho hoàng cung.

Bao vat Hoang cung trieu Nguyen anh 11

Những vật dụng thường ngày được chế tác với chất liệu quý, do nghệ nhân tài hoa làm ra cho thấy sự xa xỉ của hoàng cung. Một bộ đồ ăn trầu của vua, hoàng hậu gồm cối, chày giã, sêu, đinh ba đều được làm bằng vàng. Ống nhổ cao 9,1 cm dùng để đựng nước thừa, nước cốt trầu cũng bằng vàng.

Những chiếc hộp đựng trầu cau, vật dụng trong hoàng cung cũng được làm bằng vàng, ngọc với hoa văn rồng, phượng. Bát ăn cơm dùng trong cung đình là bát ngọc bọc vàng, đũa cũng là đĩa ngọc. Có những chiếc thìa được làm từ ngọc, san hô, vàng được chạm, khắc tinh tế.

Các hiện vật trong bộ sưu tập Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia vốn do ngự xưởng chế tác dành riêng cho các vua và hoàng tộc sử dụng, với sự quản lý vô cùng nghiêm cẩn.

Nguồn gốc bộ sưu tập này do vua Bảo Đại thống nhất với vương triều bàn giao lại cho chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945.

Sau lễ thoái vị của vua Bảo Đại, toàn bộ hiện vật này được chuyển ra Hà Nội. Tới năm 1946, toàn quốc kháng chiến nổ ra, bộ sưu tập này được di tản, cất giữ ở Liên khu 5.

Cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia kể trong kháng chiến, có những lúc ngân sách kiệt quệ, một số ý kiến cho rằng nên lấy những hiện vật này nấu thành vàng để dùng cho kháng chiến, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết giữ lại. Vì thế, khối di sản lớn này được lưu giữ cho những đời sau.

Sau này, các hiện vật được bàn giao cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia). Sưu tập được lưu giữ trong căn phòng đặc biệt về an ninh, phòng cháy, cùng các công tác bảo quản hiện vật.

Cuốn sách Bảo vật Hoàng cung triều Nguyễn gồm hình ảnh, thông tin về các hiện vật đặc sắc nhất trong bộ sưu tập, cung cấp tới bạn đọc tri thức về văn hóa, lịch sử, những di sản mà nhà Nguyễn để lại. 

Bao vat Hoang cung trieu Nguyen anh 12


Giải thưởng Sách quốc gia do Hội Xuất bản Việt Nam và Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào sáng 19/4 tại hội trường Thư viện quốc gia, 31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội. 

Đơn vị đồng hành: Tập đoàn Trung Nguyên Legend.


Bộ sưu tập ấn và kiếm vàng quý hiếm triều Nguyễn

Những bảo vật hoàng cung này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Ấn và kiếm được coi là vật bảo chứng cho sự hiện diện và xác nhận ý chí, mệnh lệnh của vua.


Tần Tần

Minh họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm