Thông báo được công bố trên đài truyền hình do quân đội quản lý, theo Bloomberg.
Ngày 1/3, đài truyền hình nhà nước MRTV cũng xác nhận khoảng 1.300 người biểu tình đã bị bắt giữ trong ngày 28/2. Ít nhất 11 người thiệt mạng liên quan những cuộc đụng độ giữa người biểu tình chống chính phủ quân sự và lực lượng an ninh vào cuối tuần qua.
Trong khi đó, Văn phòng Nhân quyền Liên Hợp Quốc dẫn các nguồn tin khẳng định có ít nhất 18 người biểu tình thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Một số trang tin và hãng truyền thông Myanmar dẫn lời nhân chứng cho biết cảnh sát bắn đạn thật vào người biểu tình.
Lực lượng an ninh Myanmar dùng hơi cay khi đụng độ với người biểu tình ở Yangon ngày 1/3. Ảnh: AFP. |
Các cuộc biểu tình quy mô lớn có thể tiếp tục bùng phát trong ngày 2/3, bất chấp phản ứng quyết liệt từ quân đội và cảnh sát.
Người dân bất bình trước loạt cáo buộc mà chính quyền đương nhiệm nhắm vào bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và là người bị quân đội tước quyền lực và truất vị trí cố vấn nhà nước trong cuộc chính biến ngày 1/2.
Ngoài 2 cáo buộc vi phạm luật xuất nhập khẩu vì tàng trữ bộ đàm không giấy phép và vi phạm quy định chống dịch Covid-19 vì vận động tranh cử trong năm 2020, bà Aung San Suu Kyi tiếp tục chịu cáo buộc mới từ cảnh sát.
Trong phiên trình diện trực tuyến trước tòa ngày 1/3, cựu lãnh đạo Myanmar bị buộc tội kích động quần chúng làm loạn và vi phạm luật truyền thông Myanmar.
Người biểu tình tại Dawei trúng đạn khi đụng độ với cảnh sát ngày 28/2. Ảnh: AFP. |
Tuyên bố không cho lực lượng an ninh dùng đạn thật được chính phủ quân sự, đứng đầu là thống tướng Min Aung Hlaing, công bố giữa giai đoạn sức ép quốc tế ngày một lớn. Mỹ và một số nước đã ra biện pháp trừng phạt đối với tướng lĩnh Myanmar có trách nhiệm trong vụ chính biến tháng 2 và trấn áp người biểu tình.
Đại diện chính phủ quân sự Myanmar dự kiến có cuộc họp trực tuyến không chính thức với các ngoại trưởng ASEAN trong ngày 2/3. Nội dung sẽ tập trung vào tình hình bạo lực tại nước này.
Trước đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 1/3 kêu gọi chính phủ đương nhiệm ở Myanmar trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi cùng các quan chức của chính quyền dân sự. Ông lo ngại bất ổn ở quốc gia thành viên ASEAN sẽ đe dọa toàn khu vực Đông Nam Á.
Không can thiệp vào vấn đề nội bộ các thành viên vốn là tôn chỉ hoạt động của ASEAN. Thông điệp ngày 1/3 từ chính phủ Singapore vẫn phản ánh rõ tinh thần này. Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan khẳng định giải quyết cuộc khủng hoảng là trách nhiệm của riêng giới chức Myanmar.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cũng gọi tình hình nước láng giềng là "vấn đề chính trị" và là "chuyện của nước họ". Trong khi đó, Indonesia ngày 28/2 đã có bước đi quyết liệt hơn khi thẳng thắn kêu gọi lực lượng an ninh Myanmar "không sử dụng vũ lực và hành động với mức kiềm chế cao nhất, tránh gây ra thêm thương vong".