Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liên Hợp Quốc vẫn thừa nhận vị đại sứ bị quân đội Myanmar sa thải

Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun vẫn là đại diện hợp pháp của nước này, theo Mỹ và LHQ, dù chính quyền quân sự Myanmar đã tuyên bố cách chức ông sau khi ông lên án vụ binh biến.

Hai ngày sau khi chính quyền quân sự Myanmar thông báo ông Kyaw Moe Tun không còn đại diện cho Naypyidaw tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield hôm 1/3 cho biết bà vẫn coi ông là đại diện hợp pháp của nước này, theo South China Morning Post.

Người phát ngôn của tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, ông Stephane Dujarric, cho biết bất kỳ thách thức nào đối với tư cách của ông Kyaw Moe Tun sẽ cần được giải quyết tại một ủy ban chuyên trách của Liên Hợp Quốc. Ủy ban đến nay vẫn chưa hành động về vấn đề này.

Dai su Myanmar tai LHQ van tiep tuc giu ghe anh 1

Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun. Ảnh: Reuters.

Phát biểu thay mặt nhà lãnh đạo dân cử Myanmar Aung San Suu Kyi, người bị quân đội nước này lật đổ một tháng trước, ông Kyaw Moe Tun hôm 26/2 kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện "hành động mạnh mẽ nhất có thể" để chấm dứt sự nắm quyền của quân đội tại Myanmar.

Việc các đại sứ đi ngược lại lập trường của chính phủ đất nước mà họ đại diện khi phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là điều bất thường. Đài phát thanh truyền hình nhà nước Myanmar MRTV sau đó nói ông Kyaw Moe Tun đã "phản bội đất nước và lên tiếng cho một tổ chức không chính thức, không đại diện cho đất nước, lạm dụng quyền lực và trách nhiệm của một đại sứ".

“Chúng tôi được khích lệ trước tuyên bố dũng cảm [của ông Kyaw Moe Tun]", bà Thomas-Greenfield nói với các phóng viên tại Liên Hợp Quốc hôm 1/3. "Chúng tôi chưa thấy bất kỳ bằng chứng chính thức hoặc yêu cầu nào về việc cách chức ông, và hiện tại ông vẫn là đại diện của chính phủ Myanmar".

Mỹ cam kết gây sức ép để quân đội Myanmar từ bỏ quyền lực và khôi phục chính phủ được bầu lên một cách dân chủ. "Nhưng tình thế chúng ta đang thấy không cho thấy rằng họ đã sẵn sàng thực hiện điều mà tôi cho là quyết định dễ dàng đối với họ", bà nói.

Phát biểu trước bà Thomas-Greenfield, ông Dujarric nói nếu có việc thành lập chính phủ (mới) ở bất kỳ quốc gia thành viên nào, Liên Hợp Quốc không bắt buộc phải công nhận chế độ đã tiếm quyền.

"Bạn sẽ không ngạc nhiên khi biết rằng có một số quy trình nhất định tại Liên Hợp Quốc. Trước hết, chúng tôi cần được thông báo chính thức về sự thay đổi chính phủ, thay đổi đại diện thường trực", ông Dujarric nói.

"Nếu có câu hỏi về sự hợp thức của ai đó ngồi ghế một quốc gia thành viên cụ thể, thì chính các quốc gia thành viên mới có quyền thách thức và thảo luận", ông cho hay.

Myanmar cách chức đại sứ ở LHQ vì chỉ trích quân đội

Đài truyền hình nhà nước Myanmar MRTV thông báo ông Kyaw Moe Tun, đại sứ nước này tại Liên Hợp Quốc, bị sa thải sau khi có phát ngôn chỉ trích chính quyền quân sự.

Vị đại sứ 'dũng cảm và mạnh mẽ' chống lại quân đội Myanmar

Nhiều ý kiến quốc tế ca ngợi Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun, khi ông lên án vụ chính biến ở quê nhà và khẩn cầu quốc tế hành động để hỗ trợ khôi phục nền dân chủ.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm