Trước đó, ông Kyaw Moe Tun khi phát biểu ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) vào ngày 27/2 đã thúc giục cộng đồng quốc tế gây áp lực để hỗ trợ "khôi phục nền dân chủ" ở Myanmar.
Bởi vì phát ngôn này, thông báo của đài MRTV cáo buộc ông Kyaw Moe Tun "phản bội đất nước, phát ngôn cho một tổ chức không chính thức và cũng không đại diện cho quốc gia, và lạm dụng đặc quyền và chức trách của một đại sứ".
Ông Kyaw Moe Tun đưa biểu tượng 3 ngón tay sau khi kết thúc bài phát biểu gây chấn động ở Liên Hợp Quốc vì công khai chỉ trích chính quyền quân sự. Ảnh: Reuters. |
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng LHQ hôm 26/2, ông Kyaw Moe Tun kêu gọi “cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt ngay lập tức cuộc chính biến, ngăn chặn đàn áp người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho nhân dân và khôi phục nền dân chủ".
"Đã đến lúc quân đội (Myanmar) phải lập tức từ bỏ quyền lực và thả những người bị bắt", ông nói.
Nhiều đại sứ các nước phương Tây ủng hộ phát biểu của ông Kyaw Moe Tun. Ở Myanmar, người dân cũng thể hiện sự ủng hộ đối với vị đại sứ trên mạng xã hội.
Phát biểu của ông Kyaw Moe Tun - đi ngược lại lập trường của những người đang nắm quyền tại một quốc gia - là rất hiếm, theo AFP.
Laetitia van den Assum, một cựu đại sứ Hà Lan và từng là thành viên Ủy ban Cố vấn vấn đề Rakhine, nói hành động của ông Kyaw Moe Tun sẽ đưa vấn đề ở Myanmar đến một giai đoạn mới, theo Nikkei Asia.
"Nếu chính quyền quân sự muốn hủy bỏ bổ nhiệm đại sứ, và chỉ định một người đại diện mới, thì Liên Hợp Quốc sẽ buộc phải ra quyết định", bà nói.
Ông Kyaw Moe Tun trở thành đại diện thường trực của Myanmar tại LHQ từ tháng 10/2020, theo thông tin đăng trên website của LHQ.
Trong ba tuần qua, hàng trăm nghìn người Myanmar xuống đường biểu tình phản đối quân đội và đòi thả tự do cho các lãnh đạo dân sự.
Trước đó, hôm 1/2, quân đội Myanmar tiến hành chính biến, giành quyền điều hành đất nước và bắt giữ các lãnh đạo dân chủ, bao gồm cựu cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi.
Dù không đưa ra được bằng chứng, quân đội Myanmar cáo buộc cuộc bầu cử năm 2020 diễn ra gian lận.
Theo kết quả cuộc bầu cử năm ngoái, chiến thắng thuộc về đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi với kết quả áp đảo.
Sau khi giành quyền kiểm soát đất nước, quân đội cam kết sẽ tổ chức bầu cử lại và trao trả quyền lực. Tuy nhiên, dư luận quốc tế vẫn gây áp lực phản đối cuộc chính biến.