Cảnh sát ở Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, đã xịt hơi cay vào đám đông, theo AP. Những người biểu tình ở đây bị truy đuổi khi họ cố gắng tập trung tại điểm hẹn ở giao lộ Trung tâm Hledan.
Người dân chạy tán loạn và tìm cách rửa sạch hơi cay dính vào mắt. Tuy nhiên, sau đó họ vẫn tiếp tục tập hợp lại.
Biểu tình đã liên tiếp diễn ra ở Myanmar sau khi quân đội thực hiện cuộc chính biến, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi cùng Tổng thống Win Myint và các quan chức cấp cao khác vào ngày 1/2.
Người biểu tình bỏ chạy để tránh hơi cay của lực lượng an ninh vào ngày 1/3 ở Yangon. Ảnh: AP. |
Quân đội đã đưa ra một số cáo buộc nhắm vào bà Aung San Suu Kyi. Đây là nỗ lực tạo cơ sở pháp lý để giam giữ nhà lãnh đạo này và ngăn cản bà tham gia cuộc bầu cử quân đội đã hứa sẽ tổ chức trong một năm tới.
Ngày 1/3, bà Aung San Suu Kyi ra hầu tòa qua video và bị truy tố thêm các tội danh mới, luật sư Khin Maung Zaw của nhà lãnh đạo này nói với các phóng viên.
Bà Aung San Suu Kyi bị buộc tội kích động tình trạng bất ổn và tội danh này có mức án tối đa là hai năm tù. Tội danh còn lại mới được đưa ra ngày 1/3 có mức án tối đa là một năm tù.
Kể từ khi quân đội tiếp quản chính quyền, phong trào phản đối ở các thành phố trên khắp Myanmar liên tục gia tăng. Lực lượng an ninh cũng ngày càng trở nên bạo lực trong việc trấn áp người biểu tình.
Một quan chức nhân quyền của Liên Hợp Quốc dẫn "nguồn tin đáng tin cậy" nói ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương trên khắp Myanmar sau các vụ trấn áp ngày 28/2, theo AP.
Đây là ngày đẫm máu nhất kể từ khi quân đội tiếp quản chính quyền ngày 1/2.
Họ cũng thực hiện hàng loạt vụ bắt giữ. AP dẫn thông tin từ một tổ chức quốc tế cho biết khoảng 1.000 người bị lực lượng an ninh Myanmar bắt vào ngày 28/2.