Theo tờ trình của Chính phủ, 24/54 địa phương có đề xuất chuyển nguồn kinh phí phòng chống dịch Covid-19 với tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng. Số kinh phí này được bố trí trong dự toán để chi cho phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021, được đề xuất chuyển sang niên độ ngân sách năm 2022 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong năm này.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách (cơ quan thẩm tra) cho biết khoản kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương không thuộc trường hợp được chuyển nguồn, theo Luật Ngân sách Nhà nước.
Theo quy định tại khoản 3 của Nghị quyết số 30, Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định với các nhiệm vụ chi cho công tác phòng, chống dịch, nhưng chỉ được thực hiện đến hết ngày 31/12/2022.
Quốc hội biểu quyết điều chỉnh chương trình kỳ họp bất thường, bổ sung việc xem xét chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch năm 2021 của các địa phương. Ảnh: Phạm Thắng. |
Đến nay đã hết thời hạn Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể quyết định nội dung này theo ủy quyền của Quốc hội. Vì vậy, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 là cần thiết.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng đến ngày 7/1, Chính phủ mới có tờ trình gửi Quốc hội về vấn đề này là quá chậm, làm ảnh hưởng đến công tác thẩm tra, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm việc này.
Dù vậy, cơ quan thẩm tra vẫn nhất trí với tờ trình của Chính phủ cho phép chuyển nguồn hơn 5.000 tỷ kinh phí phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 sang niên độ ngân sách năm 2022 với lập luận đây là việc cần thiết.
Đối với các địa phương chưa có báo cáo về tình hình kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 còn dư, cơ quan thẩm tra đề nghị thực hiện đúng quy định, phải cắt giảm, hủy dự toán kinh phí ngân sách địa phương còn dư theo quy định. Các địa phương bảo đảm tự sắp xếp, cân đối nguồn lực để thực hiện, không bổ sung ngân sách Trung ương thực hiện nhiệm vụ này.
Ngay sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra, Quốc hội thảo luận tại tổ về nội dung mới được bổ sung này.
Sách hay về xã hội
Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Nghiên cứu Văn minh vật chất của người Việt ngược dòng thời gian, tái hiện quá khứ, ngọn nguồn văn hóa Việt qua đời sống vật chất phong phú, đầy biện chứng khoa học.