Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội: Báo chí cần cạnh tranh tích cực hơn với mạng xã hội

Mong báo chí sẵn sàng đón nhận bình luận đa chiều, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cho rằng lên mạng xã hội phải linh hoạt. “Chạy grab mà vẫn comple, cà vạt thì rất vướng víu”, ông ví von.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Đỗ Chí Nghĩa nêu quan điểm này khi cho ý kiến về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng 7/1.

Là đại biểu Quốc hội công tác trong lĩnh vực báo chí, ông Nghĩa dành nhiều thời gian chia sẻ về quy hoạch báo chí trong quy hoạch tổng thể quốc gia lần này.

Cần những phương thức linh hoạt hơn

Dẫn báo cáo Chính phủ nêu quy hoạch hình thành mạng lưới 20% cơ quan báo chí điện tử có ảnh hưởng lớn, tích cực trong xã hội để có hỗ trợ phù hợp, ông Nghĩa băn khoăn: “Vậy 80% các cơ quan báo chí còn lại thì sao? Có quan trọng hay không?”.

Theo vị đại biểu, phân định như vậy dễ dẫn đến sự phân tâm và đầu tư không hiệu quả. Thay vì đầu tư trực tiếp vào các cơ quan báo chí, ông góp ý nên tập trung đặt hàng báo chí cho những sản phẩm có chất lượng cao.

Nếu không có ai bình luận thì bài báo có thể rất hay, nhưng không có sức ảnh hưởng.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa

Sau khi xem dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia, ông Nghĩa hoan nghênh việc Chính phủ đề xuất tích hợp mạng xã hội và trang thông tin điện tử vào cùng một giấy phép. Theo ông, như vậy rất hiệu quả.

“Hiện nay chúng ta yêu cầu mạng xã hội riêng, trang thông tin điện tử riêng. Mạng xã hội được phép bình luận nhưng không được đưa các thông tin lên, trong khi trang thông tin điện tử được phép đưa thông tin lên nhưng không được phép bình luận”, theo ông Nghĩa, như vậy là chúng ta đang tự hạn chế tác động xã hội của mình, trong khi các mạng xã hội nước ngoài không bị chế tài này.

Nêu thực tế hiện nay, các cơ quan báo chí đưa lên mạng thông tin của mình nhưng đang rất lo lắng vì không quản lý được bình luận của bạn đọc. Do đó, hầu hết cơ quan báo chí phải đóng phần bình luận.

“Nhưng nếu không có ai bình luận ở đó thì bài có thể rất hay nhưng không thể nổi lên đầu các trang mạng xã hội. Như vậy, rõ ràng sức ảnh hưởng, tác động bị hạn chế”, ông Nghĩa phân tích.

canh tranh mang xa hoi anh 1

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Đỗ Chí Nghĩa. Ảnh: Phạm Thắng.

Ông đề xuất báo chí cần đưa thông tin lên mạnh mẽ và sẵn sàng đón nhận những bình luận đa chiều để có sự cạnh tranh tích cực hơn với mạng xã hội.

“Đã lên mạng xã hội thì phải có những phương thức linh hoạt hơn. Nếu chúng ta chạy grab mà vẫn comple, cà vạt thì rất vướng víu”, vị đại biểu ví von.

Về chủ trương khuyến khích sáp nhập tổ chức, cơ quan báo chí của bộ, ngành, địa phương theo hướng đa phương tiện, đa nền tảng, trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) ủng hộ định hướng này. Bà thậm chí đề nghị bỏ từ khuyến khích, thay vào đó, yêu cầu phải làm như vậy.

Song nhìn nhận ở một khía cạnh khác, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nêu thực tế một số nơi đã sáp nhập theo hướng này, và việc xây trụ sở sau sáp nhập tốn kém hàng trăm tỷ đồng ở mỗi cơ quan, trong khi không phải địa phương nào cũng có nguồn lực cho việc này.

Với đài phát thanh, truyền hình ở các địa phương, ông Nghĩa góp ý có thể cân nhắc phát triển thành các đài phát thanh truyền hình vùng, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế vùng, quy hoạch vùng.

Như vậy cũng bớt được chi phí hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng cho một đài ở địa phương, trong khi tính liên kết, tầm nhìn rộng mở hơn rất nhiều.

Dự báo tốt để tránh hệ lụy quy hoạch

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh) ví quy hoạch tổng thể quốc gia như người lính mở đường, có vai trò tạo động lực phát triển. Song ông lưu ý quy hoạch phải khả thi, hiệu quả và dễ thực hiện.

“Quy hoạch tổng thể quốc gia không phải bản tập hợp hay phép cộng đơn giản các quy hoạch thành phần, cũng không phải nhắc lại cơ học chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch này không nên quy định quá chi tiết mục tiêu cụ thể, mà chỉ nêu khái quát, giới hạn tối đa hoặc tối thiểu chỉ tiêu để các ngành, địa phương có có căn cứ xây dựng quy hoạch cấp thấp hơn một cách phù hợp”, ông An góp ý.

canh tranh mang xa hoi anh 2

Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh). Ảnh: Phạm Thắng.

Quy hoạch nêu rõ có 4 vùng động lực, nhưng ông An đề nghị bổ sung thêm vùng động lực Thanh Hóa - Nghệ An vì đây là 2 địa bàn phát triển thời gian qua.

Chung góp ý, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) đề nghị khi xây dựng quy hoạch tổng thể không để một số nội dung xa rời thực tiễn. Bên cạnh đó, cần dự báo mức độ chính xác cao nhất để không gặp phải hệ lụy về sau.

“Ví dụ với các vùng kinh tế động lực, nếu không dự báo tốt về mức độ di dân hoặc chính sách phát triển vùng kinh tế, đô thị vệ tinh, thì sẽ gặp phải những khó khăn về mật độ dân cư đông cục bộ, gây tắc nghẽn, ngập úng đô thị trong tương lai”, theo ông Tuấn, đây là bài học và là vấn đề nhức nhối nhiều đô thị lớn trên cả nước đang gặp phải.

Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội

Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.

Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Đại biểu Quốc hội: Đừng vẽ quy hoạch như Paris, New York

Nguồn lực thực hiện quy hoạch là vấn đề nhiều ĐBQH băn khoăn. Theo ông Trần Hoàng Ngân, quy hoạch phải khả thi, rõ nguồn lực chứ “đừng vẽ như Paris, New York rồi không làm được".

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm