Hải quân Trung Quốc phát triển thành lực lượng chiến đấu mặt nước có số lượng tàu nhiều nhất thế giới, nhưng họ có một điểm yếu lớn, đó là địa lý, theo Nikkei Asia.
“Khi bạn nhìn vào các căn cứ tàu ngầm Trung Quốc, mỗi căn cứ đều có một vùng biển nông mà tàu ngầm phải đi qua để tiến vào vùng nước sâu”, Tom Shugart, cựu chỉ huy tàu ngầm Mỹ nói với Nikkei.
Nhìn qua Google Earth, bờ biển Trung Quốc đại lục được bao quanh bởi màu xanh nhạt, đồng nghĩa với vùng biển nông. Trong khi vùng nước xanh đậm (biển sâu) lập tức đổ ra từ bờ biển phía đông Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản.
Một khi tàu ngầm ở vùng nước sâu, chúng gần như không thể bị tìm thấy. Các tàu ngầm Nhật Bản, Đài Loan có thể đi thẳng vào vùng biển sâu - một điều xa xỉ mà các tàu ngầm Trung Quốc không có.
“Để di chuyển từ vùng biển gần Trung Quốc đại lục ra biển sâu, các tàu ngầm phải quá cảnh qua các vị trí án ngữ và eo biển khác nhau trong chuỗi đảo đầu tiên. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho đối thủ - lực lượng tàu ngầm của Mỹ và đồng minh giám - sát chặt chẽ hơn và có thể đánh chặn nếu xảy ra xung đột”, ông Shugart, thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ nói.
Đề cao vai trò của Nhật Bản
Jeffrey Hornung, nhà khoa học chính trị tại Tập đoàn RAND (tổ chức tư vấn quốc phòng cho Lầu Năm Góc), cho biết kiểm soát vị trí án ngữ có thể là một trong những đóng góp quan trọng nhất của Nhật Bản trong cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc.
Các vị trí án ngữ quan trọng gồm chuỗi đảo Nansei của Nhật Bản trải dài từ cực nam Kyushu đến phía bắc của Đài Loan. Nó bao gồm các nhóm đảo nhỏ hơn với chuỗi đảo Osumi, Tokara, Amami, Okinawa, Miyako và Yaeyama.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu tại trụ sở Bộ tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii ngày 30/4. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ. |
Trong tháng 4, tàu sân bay Liêu Ninh và 5 tàu hộ tống của Trung Quốc đã đi qua eo biển Miyako, một tuyến đường thủy rộng 250 km, nằm giữa quần đảo Okinawa và Miyako, trước khi tiến về phía nam Đài Loan.
Đây là một trong những tuyến đường biển chính mà hải quân Trung Quốc buộc phải đi qua để tiến vào Tây Thái Bình Dương.
“Vai trò của Nhật Bản là kiểm soát vị trí án ngữ. Nếu bạn nhìn vào quần đảo Nansei, có rất nhiều vị trí án ngữ mà với sự kết hợp giữa khả năng tàu ngầm và khai thác phòng thủ, Nhật Bản có thể kiểm soát khu vực, buộc lực lượng Trung Quốc phải chiến đấu ở biển Hoa Đông”, ông Hornung nói.
Ông khuyên Nhật Bản nên tập trung vào phòng thủ với tên lửa hành trình chống hạm, hoặc máy bay tuần tra hàng hải chống ngầm P-3C Orion để săn lùng tàu ngầm Trung Quốc. Điều này sẽ giải phóng rất nhiều nguồn lực cho Mỹ để tập trung vào chiến đấu.
Ông Hornung đưa ra các khuyến nghị tương tự trong một nghiên cứu gần đây có tiêu đề “Những đóng góp tiềm năng của Nhật Bản trong phòng thủ ở biển Hoa Đông”, được Lầu Năm Góc tài trợ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan, trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh ngày 16/4. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo 2 nước đề cập đến vấn đề Đài Loan kể từ năm 1969.
Điều này thúc đẩy nhiều cuộc thảo luận về cách hai đồng minh có thể làm việc cùng nhau nếu hòa bình bị phá vỡ.
Hôm 30/4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa ra khái niệm mới về “khả năng răn đe tích hợp”, kêu gọi các đồng minh chung tay để chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai, sẽ không giống như những cuộc chiến tranh cũ.
Tàu ngầm Nhật có nhiều lợi thế
Ông Shugart, cựu sĩ quan tác chiến tàu ngầm với hơn 25 năm kinh nghiệm, cho biết các tàu ngầm điện - diesel của Nhật Bản đặc biệt phù hợp với nhiệm vụ kiểm soát các vị trí án ngữ.
“Hạm đội tàu ngầm của đồng minh chúng ta như Nhật Bản, Australia có thể rất hữu ích cho việc phòng thủ điểm. Tàu ngầm làm nhiệm vụ này phần lớn đứng yên, không bắt buộc di chuyển nhanh", vị cựu sĩ quan tàu ngầm nói.
Nhật Bản sở hữu hạm đội tàu ngầm phi hạt nhân hàng đầu thế giới. Ảnh: JMSDF. |
Các tàu ngầm hạt nhân của Mỹ phù hợp với đại dương mở, đuổi theo kẻ thù hoặc chuẩn bị phóng tên lửa ở một vị trí bí mật.
“Phòng thủ chuỗi đảo tại các vị trí án ngữ có thể là cách hữu ích để sử dụng hạm đội tàu ngầm phi hạt nhân của Nhật Bản, Australia, và có thể là Hàn Quốc”, ông Shugart nói.
Đó là kiểu hợp tác mà Mỹ và các đồng minh đang lên kế hoạch, khi họ chuẩn bị cho khả năng xung đột với Trung Quốc trong tương lai.
“Cách chúng ta chiến đấu trong cuộc chiến lớn tiếp theo sẽ rất khác so với cách chúng ta chiến đấu trước đây”, Bộ trưởng Austin nói trong bài phát biểu tại Hawaii, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải “thấu hiểu nhanh hơn, ra quyết định và hành động nhanh hơn”.
Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản đang vận hành 22 tàu ngầm phi hạt nhân, gồm 12 tàu ngầm lớp Soryu và 10 tàu lớp Oyashio. Trong đó lớp Soryu được đánh giá là một trong những tàu ngầm phi hạt nhân hàng đầu thế giới.
Ngoài ra, Nhật Bản đang phát triển tàu ngầm điện - diesel mới lớp Taigei được trang bị pin lithium-ion cho phép hoạt động lâu hơn dưới nước. Tàu ngầm mới dự kiến được đưa vào trực chiến từ năm 2022, hoặc 2023.