Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhật đổ tiền cho đảo của Ấn Độ để giám sát tàu ngầm Trung Quốc

Nhật Bản đã gửi khoản hỗ trợ đầu tiên đến quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ. Những đảo này có lợi thế trong việc giám sát tàu ngầm Trung Quốc đi qua eo biển Malacca.

Gần như không thể phát hiện tàu ngầm trên biển, trừ khi giám sát chúng ngay từ khi rời cảng. Một cơ hội quan trọng để theo dõi các tàu ngầm Trung Quốc đi từ Biển Đông vào Ấn Độ Dương là khi chúng đi qua eo biển Malacca, theo Nikkei Asia.

Eo biển này là tuyến đường đông đúc với vùng nước nông, vì vậy, tàu ngầm buộc phải nổi lên khi đi qua.

Tàu thuyền ra khỏi eo biển Malacca sẽ đi qua quần đảo Andaman và Nicobar. Đây là lãnh thổ của Ấn Độ, bao gồm 524 hòn đảo, trong đó 38 đảo có người sinh sống.

Và những hòn đảo có vị trí chiến lược này gần đây đã nhận được các khoản hỗ trợ phát triển đầu tiên từ chính phủ Nhật Bản.

Ngày 26/3, Đại sứ Nhật Bản tại Ấn Độ Satoshi Suzuki và Vụ trưởng Vụ Kinh tế thuộc Bộ Tài chính Ấn Độ CS Mohapatra ký thỏa thuận tại New Delhi về khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 36 triệu USD.

Khoản viện trợ này dùng để lắp đặt hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin tại nhà máy điện Phoenix Bay Power trên đảo Nam Andaman. Hệ thống sẽ giúp ổn định nguồn năng lượng tái tạo cho hòn đảo.

Đảo Nam Andaman đang dựa vào nguồn điện sản xuất từ ​​dầu diesel. Đây là nguồn năng lượng rất tốn kém và thải ra khí nhà kính.

Với hệ thống pin mới được lắp đặt, nhà máy có thể tạo ra 30 megawatt điện tính đến năm 2026 và giảm 2.683 tấn carbon dioxide mỗi năm, Nikkei Asia dẫn lại một thông báo.

Nhat Ban giam sat tau ngam Trung Quoc anh 1

Một chiếc thuyền treo cờ Ấn Độ trên đảo Neill, thuộc quần đảo Andaman. Ảnh: Nikkei Asia.

Khoản hỗ trợ đầu tiên

Mặc dù Nhật Bản đã đề nghị hỗ trợ khẩn cấp cho các hòn đảo trước và sau trận động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, "đây là khoản tài trợ đầu tiên chính phủ Nhật Bản cung cấp cho một dự án ở đây", quan chức tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Ấn Độ nói với Nikkei Asia.

“Khoản hỗ trợ này góp phần vào mục tiêu chung của chúng tôi về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Đồng thời, khoản hỗ trợ cũng góp phần thực hiện mục tiêu của Thủ tướng Yoshihide Suga về biến đổi khí hậu”, quan chức này nói.

Quan chức trên nói thêm rằng nhân viên từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã đến thăm hòn đảo nhiều lần để chuẩn bị cho khoản tài trợ.

Mặc dù khoản tài trợ 36 triệu USD này không quá lớn, các nhà phân tích đồng tình rằng đây là hành động mang tính ý nghĩa và tính biểu tượng.

“Lợi thế thực sự mà các đảo Andaman mang lại cho Ấn Độ là khả năng giám sát những vùng biển quan trọng”, Darshana Baruah, nghiên cứu viên của Chương trình Nam Á tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói với Nikkei Asia. "Các đảo mang lại lợi thế không thể so sánh được trong việc theo dõi và giám sát eo biển Malacca. Nơi này cũng nằm gần eo biển Indonesia, một tuyến đường khác vào Ấn Độ Dương, đặc biệt là đối với tàu ngầm".

Nhat Ban giam sat tau ngam Trung Quoc anh 2

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin Type 094A chạy bằng năng lượng hạt nhân của hải quân Trung Quốc trong một cuộc duyệt binh ở Biển Đông vào tháng 4/2018. Ảnh: Reuters.

"Một cơ chế giám sát và phản ứng chặt chẽ sẽ giúp Ấn Độ phát hiện các tàu Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương", chuyên gia này nói thêm.

Tuy nhiên, để tối đa hóa tiềm năng và đưa thêm nhân sự lên các đảo, Ấn Độ sẽ cần phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm nước, điện, nhà ở và Internet ở đó.

“Khoản tài trợ của Nhật Bản giải quyết một yêu cầu quan trọng trên thực tế, đó là giúp Ấn Độ tận dụng tốt hơn tiềm năng chiến lược của Andaman và Nicobar”, bà Baruah nhận định.

“Vì những hạn chế của hiến pháp Nhật Bản, đây là một trong những cách tốt nhất Tokyo có thể hỗ trợ đối tác ở Ấn Độ Dương giải quyết những thách thức và mối đe dọa mới tại khu vực", bà Baruah nói thêm.

Tanvi Madan, thành viên cấp cao và giám đốc của Dự án Ấn Độ tại Viện Brookings, lưu ý mặc dù lưới điện được tài trợ là cơ sở hạ tầng dân sự, “nó phục vụ mục đích kép”.

Bà Madan nói khoản tài trợ xuất hiện vào thời điểm Ấn Độ đang "đưa Andaman và Nicobar vào vị trí quan trọng hơn trong chiến lược của mình". Khoản tài trợ này cũng phản ánh sự thay đổi trong thái độ của cả phía Ấn Độ và Nhật Bản.

Bước chuyển lớn trong chiến lược của Ấn Độ

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên Nhật Bản mở rộng cho vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) vào năm 1958. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn luôn do dự trong việc đưa các quốc gia bên ngoài vào Ấn Độ Dương.

Về phần mình, Nhật Bản cũng không hoạt động quá tích cực ở vùng ngoại vi chiến lược của Ấn Độ để tránh khiêu khích Trung Quốc một cách không cần thiết, bà Madan nói.

Tuy nhiên, ngoài khoản tài trợ ở Andaman, Nhật Bản đã tiến hành các dự án kết nối đường bộ ở Đông Bắc Ấn Độ, tại các bang như Meghalaya, Mizoram, Assam và Tripura giáp biên giới Bangladesh và Myanmar.

"Nhật Bản đã vượt qua lằn ranh màu đỏ đó - đúng hơn là ranh giới màu cam - ở vùng đông bắc cùng quần đảo Andaman và Nicobar. Việc này có ý nghĩa quan trọng đối với cả Ấn Độ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", chuyên gia Madan nói thêm.

Bà Madan nói về phía Ấn Độ, có hai điều rõ ràng. Một là Ấn Độ nhận thức rằng Trung Quốc sẽ ngày càng tích cực hơn ở khu vực Ấn Độ Dương. Điều thứ hai là Ấn Độ không thể tự mình giải quyết sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc.

Nhat Ban giam sat tau ngam Trung Quoc anh 3

Các tàu hải quân Ấn Độ tham gia cuộc tập trận bảo vệ quần đảo Andaman và Nicobar. Ảnh: Hải quân Ấn Độ.

"Giờ đây bạn đã thấy bước chuyển lớn hơn trong chiến lược của Ấn Độ, bao gồm cả việc phát triển năng lực của chính mình và chào đón các đối tác từ bên ngoài", bà Madan chỉ ra.

Vào tháng 9/2020, lần đầu tiên máy bay giám sát và tác chiến chống ngầm tầm xa P-8 Poseidon của hải quân Mỹ tiếp nhiên liệu tại một căn cứ của Ấn Độ ở quần đảo Andaman và Nicobar.

“Sau nhiều lần do dự, Ấn Độ đang tỏ ra sẵn sàng tận dụng vị trí địa lý quan trọng của Andaman cũng như làm việc với các đối tác quan trọng”, bà Baruah của Quỹ Carnegie cho biết.

"Nhật Bản là một nhân tố không thể thiếu trong quá trình hiện đại hóa kinh tế của Ấn Độ”, Titli Basu, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng của Ấn Độ, nói với Nikkei Asia.

“ODA Nhật Bản không chỉ để lại dấu ấn trong các dự án cơ sở hạ tầng và giao thông quan trọng của Ấn Độ. Tokyo cũng là đối tác đáng tin cậy nhất trong việc phát triển các vùng ngoại vi chiến lược của Ấn Độ, như các bang vùng đông bắc cùng quần đảo Andaman và Nicobar”, bà Basu cho biết.

“Mục tiêu là kết nối các cực tăng trưởng kinh tế cùng các mối liên kết và mặt khác, xây dựng đòn bẩy chiến lược trong trò chơi quyền lực giữa các nước lớn”, chuyên gia này nói thêm.

Các hòn đảo chiến lược này sẽ đóng vai trò quan trọng trong trò chơi quyền lực.

Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện của mình ở Ấn Độ Dương. Bắc Kinh cũng mở căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti và xây dựng một loạt cảng thương mại ở Myanmar, Pakistan, Sri Lanka và Maldives. Những cảng này vẫn có thể phục vụ mục đích quân sự.

Trung Quốc thông báo tập trận quân sự 2 ngày ở Biển Đông

Trung Quốc sẽ tập trận quân sự ở Biển Đông vào ngày 29 và 30/3 trong bối cảnh căng thẳng khu vực tiếp tục gia tăng.

'Tam chủng chiến pháp' của Trung Quốc ở đá Ba Đầu

Chuyên gia Hoàng Việt cho rằng Trung Quốc tính toán kỹ trước khi đưa tàu cá ra neo đậu trái phép ở đá Ba Đầu. Ông nói cần thận trọng, tránh tạo cớ cho Bắc Kinh sử dụng vũ lực.

Như Trần

Theo Nikkei Asia

Bạn có thể quan tâm