Trong cuộc gặp tại bang Hawaii (Mỹ), tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tái xác nhận cam kết của Nhà Trắng với hai đồng minh thân cận nhất tại châu Á về “nền hòa bình và ổn định lâu dài trong khu vực”, theo CNN.
Nội dung cuộc gặp không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc nhưng nêu bật lên tầm quan trọng của “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. Hơn nữa, Mỹ cũng cam kết sẵn sàng cung cấp biện pháp răn đe bằng “toàn bộ” năng lực quân sự của mình. Cả hai điều này được cho là rõ ràng nhắm tới Trung Quốc, quốc gia được Lầu Năm Góc coi là “đối thủ cạnh tranh”.
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Ảnh: CNN. |
Cuộc gặp của tướng lĩnh Mỹ với người đồng cấp diễn ra sau bài phát biểu đầu tiên của Tổng thống Joe Biden trước lưỡng viện quốc hội vào tối 28/4. Trong bài phát biểu, ông Biden đặt ưu tiên là ứng phó với Trung Quốc và “hành vi thương mại không công bằng” của nước này.
Cuộc gặp ngày 29/4 còn diễn ra vào thời điểm Nhà Trắng vừa chính thức tuyên bố rút quân khỏi Afghanistan. Chưa đầy 100 trong tổng số 2.500 lính Mỹ đã rời Afghanistan, nhưng hành động rút khí tài quân sự và binh lính đã thể hiện quyết tâm rời quốc gia này trước ngày 11/9 của chính quyền Biden.
Bên cạnh cuộc gặp ngày 29/4, những buổi gặp mặt trước đó giữa lãnh đạo quân đội ba nước Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc cũng nhấn mạnh sự chuyển hướng của chính quyền Tổng thống Biden từ những cuộc chiến trong 20 năm qua đến cuộc cạnh tranh tương lai.
Giữa tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có chuyến thăm quốc tế đầu tiên, hội kiến người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản. Hai tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã thăm Nhà Trắng, trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea In theo lịch sẽ tới thăm Mỹ vào tháng 5.
Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Biden vẫn giữ cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc trong trường hợp cần thiết. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng kể từ khi ông Biden nhậm chức, Mỹ triển khai hai đợt tuần tra tự do hàng hải (FONOP) vào ngày 5/2 và 17/2.
Đầu tháng 3, Lầu Năm Góc lập tổ công tác chuyên trách về Trung Quốc để hiểu rõ hơn cách ứng phó với thách thức mà đất nước đông dân nhất thế giới đặt ra với quân đội Mỹ.
Ngay trong tháng 4, Mỹ và Trung Quốc một lần nữa lại “chạm mặt” khi tàu sân bay hai nước vào Biển Đông. Phía Mỹ cử nhóm tác chiến tàu sân bay Theodore Roosevelt cùng với nhóm tàu đổ bộ tấn công Makin Island đến tập trận chung. Sau đó 10 ngày, ba tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ áp sát tàu sân bay Liêu Ninh cùng nhóm 5 tàu hộ tống của Trung Quốc trên vùng biển này.