Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Chiến thắng của ông Biden không dễ dàng như dự đoán

Với chiến thắng tại Pennsylvania, ông Biden đã giành đủ 270 phiếu đại cử tri để trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, chấm dứt thời kỳ đầy sóng gió khi ông Trump nắm quyền.

ket qua bau cu anh 1

Joe Biden đã được truyền thông Mỹ công bố là người chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, sau khi kiểm phiếu tại bang Pennsylvania hoàn tất ngày 7/11.

Việc ông Biden trở thành tổng thống thứ 46 của nước Mỹ hứa hẹn khôi phục trạng thái chính trị bình ổn và tinh thần đoàn kết quốc gia, giúp đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế đang hoành hành.

Cử tri Mỹ quay lưng với ông Trump

"Chiến thắng của ông Biden đến từ việc hàng triệu cử tri từ chối trao cơ hội cho ông Trump bởi họ đã kiệt sức trước những hành vi gây chia rẽ và chính quyền hỗn loạn của ông, họ là những phụ nữ, người da màu, người già, người trẻ, và một nhóm các đảng viên Cộng hòa bất mãn", New York Times bình luận.

Kết quả công bố ngày 7/11 cũng là thời khắc lịch sử đối với Thượng nghị sĩ Kamala Harris. Nữ chính trị gia của bang California sẽ trở thành phụ nữ đầu tiên đảm nhiệm chức vụ phó tổng thống.

Đối với ông Biden, ở tuổi 78, chính trị gia xuất thân từ Scranton, Pennsylvania, đã hoàn thành mục tiêu trở thành tổng thống sau gần 50 năm kể từ lần chạy đua đầu tiên.

ket qua bau cu anh 2

Tổng thống Trump không giành đủ 270 phiếu đại cử tri để tái đắc cử. Ảnh: New York Times.

Ông Biden đã đưa ra trước cử tri Mỹ một chương trình nghị sự truyền thống của đảng Dân chủ. Trong một tuyên bố ngắn ngày 7/11, ông Biden kêu gọi hàn gắn và đoàn kết đất nước.

"Khi chiến dịch này kết thúc, đó là lúc chúng ta cần để sự giận dữ và những lời lẽ thù hận gay gắt lại sau lưng, để sát cánh bên nhau như một dân tộc. Đây là lúc nước Mỹ cần đoàn kết và hàn gắn. Chúng ta là nước Mỹ. Không điều gì là không thể nếu chúng ta sát cánh bên nhau", ông Biden tuyên bố.

Trong tuyên bố mới nhất đưa ra ngày 7/11, Tổng thống Trump khẳng định "cuộc bầu cử còn lâu mới kết thúc". Ông Trump đe dọa chiến dịch tranh cử của ông sẽ "khởi động các vụ kiện ở tòa án" nhưng không đưa ra thêm chi tiết.

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020 được truyền thông Mỹ tuyên bố ngã ngũ sau 4 ngày kiểm phiếu căng thẳng tại các bang chiến trường. Đây là cuộc trưng cầu dân ý đối với Tổng thống Trump, theo cách chưa từng có tiền lệ trong thời hiện đại, New York Times đánh giá.

"Ông ấy khao khát sự chú ý. Cử tri, dù yêu mến hay căm ghét, đều hăm hở đưa ra phán xét đối với nhiệm kỳ của ông Trump. Từ đầu tới cuối cuộc đua, Tổng thống Trump trở thành nhân vật trung tâm trong chiến dịch tranh cử", New York Times bình luận.

Thông điệp từ lá phiếu cử tri

Sự tập trung cao độ không ngừng nghỉ đã giúp ông Biden giành chiến thắng tại các thành trì của đảng Dân chủ ở vùng công nghiệp Trung Tây. Ông Biden đã giành lại 3 bang mà đảng Dân chủ từng để mất hồi năm 2016 nhờ vào cử tri từ khu vực ngoại ô và các thành phố lớn.

Dù đã quay lưng với ông Trump, lá phiếu của các cử tri cũng gửi đi một thông điệp khó lường đối với chính sách trung tả ông Biden theo đuổi, khi đảng Dân chủ mất đi nhiều ghế ở Hạ viện, trong khi hầu như không có cơ hội giành lại thế đa số ở Thượng viện.

Thái độ không nhất quán thể hiện qua lá phiếu cho thấy đối với phần đông cử tri, việc họ quay lưng với ông Trump thuần túy chỉ xuất phát từ cá nhân tổng thống, không liên quan tới đường lối của đảng Cộng hòa.

Dù có bị đánh bại, ông Trump vẫn cho thấy sức hút đối với lượng lớn cử tri da trắng cũng như người sống ở khu vực nông thôn. Điều này làm bật lên sự chia rẽ sâu sắc tại nước Mỹ mà ông Biden sẽ phải đối mặt.

Phải mất rất nhiều thời gian kết cục cuộc bầu cử mới trở nên rõ ràng, các tiểu bang vật lộn với các thách thức pháp lý, cũng như khó khăn hậu cần hệ quả từ bỏ phiếu qua thư tăng vọt trong bối cảnh đại dịch.

ket qua bau cu anh 3

Những người phản đối Tổng thống Trump biểu tình trên đường phố. Ảnh: New York Times.

Với số lượng phiếu bầu sớm và phiếu bầu qua thư khổng lồ, một số bang không thể kịp thời thông báo kết quả kiểm phiếu vào sáng 4/11, Tổng thống Trump đã vượt lên dẫn trước nhờ vào số lượng cử tri Cộng hòa bỏ phiếu trực tiếp trong ngày bầu cử áp đảo.

Nhưng khi các thành phố lớn ở Trung Tây và bờ Tây bắt đầu công bố kết quả kiểm phiếu, bản đồ đại cử tri dần chuyển màu xanh có lợi cho ông Biden.

Đến trưa 4/11, cựu phó tổng thống đã giành lại hai bang chiến trường thuộc "bức tường xanh" là Wisconsin và Michigan từng ngả về phía đảng Cộng hòa năm 2016, đưa cuộc đua vào thế nghẹt thở. Ông Biden cũng vượt lên ở Arizona, bang thành trì trong gần 30 năm của đảng Cộng hòa.

Tới ngày 7/11, khi phiếu bầu qua thư tại Philadelphia và Pittsburg đã được kiểm xong, ông Biden giành lại Pennsylvania với 20 phiếu đại cử tri và chiến thắng chung cuộc.

Không giống các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, chiến thắng của ông Biden không hề dễ dàng. Tại Wisconsin và Pennsylvania, ông Biden chỉ thắng với khoảng cách vài chục nghìn phiếu phổ thông.

Trong khi đó, ông Trump đã thắng cách biệt tại Ohio và Florida, hai bang luôn đóng vai trò quan trọng và từng định đoạt số phận các ứng viên trong những kỳ bầu cử trước đây.

Trong nhiều ngày sau khi đóng hòm phiếu, ông Biden và đảng Dân chủ đối mặt hàng loạt cuộc tấn công từ Tổng thống Trump.

Tối 3/11, ông Trump tự tuyên bố chiến thắng và cáo buộc đảng Dân chủ đang tìm cách gian lận nhằm "đánh cắp" cuộc bầu cử. Cáo buộc này được lặp lại nhiều lần, dù không có bằng chứng nào được ông Trump và đội ngũ tranh cử đưa ra.

Khi các bang chiến trường ngả về phía ông Biden, trợ lý chiến dịch của ông Trump lớn tiếng tuyên bố sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin, đồng thời có hành động pháp lý để ngăn chặn kiểm phiếu ở Michigan và Pennsylvania.

Sáng 6/11, chiến dịch của ông Trump ra thông báo đe dọa sẽ tiếp tục các thủ tục pháp lý thách thức kết quả kiểm phiếu. Bất chấp cục diện đảo chiều ở Pennsylvania và Georgia, chiến dịch của ông Trump khẳng định "cuộc bầu cử vẫn chưa kết thúc".

Mặc dù vậy, tới nay, không có dấu hiệu nào cho thấy chiến lược sử dụng công cụ pháp lý của phe Tổng thống Trump sẽ phát huy hiệu quả. Khi kiểm phiếu hoàn tất ở Pennsylvania, ông Biden đã giành đủ 270 phiếu đại cử tri để tuyên bố chiến thắng, đồng thời dẫn trước đối thủ hơn 4 triệu phiếu phổ thông.

Đại dịch định hình cuộc bầu cử

Sau tất cả, virus corona và sự tàn phá khủng khiếp của nó có ảnh hưởng lớn tới cuộc bầu cử, định hình lựa chọn của cử tri.

Đối mặt với các cử tri vốn đã mệt mỏi vì hành vi bất thường của mình, ông Trump đã đánh dấu chấm hết cho thời gian ngồi tại Nhà Trắng của bản thân khi liên tục giảm nhẹ sự nguy hiểm của dịch bệnh đang tạo ra cuộc khủng hoảng kép y tế - kinh tế cho nước Mỹ.

Kể từ khi đại dịch bùng phát, cho tới lúc chính bản thân mình nhiễm bệnh, và tới sát thời gian bầu cử, ông Trump vẫn coi thường ý kiến của các cố vấn y tế, dù hơn 230.000 người Mỹ đã thiệt mạng vì Covid-19.

Ngược lại, ông Biden tìm cách xoa dịu khối cử tri đang thất vọng trước chiến lược chống dịch bệnh sai lầm của chính quyền Tổng thống Trump. Cựu phó tổng thống biến mình thành một lựa chọn an toàn cho đa phần người Mỹ.

Dù không đưa ra được một thông điệp với những chính sách và tư tưởng tươi sáng, ông Biden mang lại bảo đảm chèo lái đất nước thoát khỏi cái mà ông gọi là "mùa đông đen tối" vì dịch bệnh.

ket qua bau cu anh 4

Ông Joe Biden và phu nhân. Ảnh: New York Times.

Trong suốt thời gian vận động, Tổng thống Trump chế giễu việc đeo khẩu trang và liên tục tập hợp cử tri ủng hộ, gây nguy hiểm cho cả nhân viên dưới quyền và cử tri.

Ngược lại, ông Biden và bà Haris vận động thận trọng, tránh các hoạt động ngoài trời, luôn đeo khẩu trang và tuân thủ giãn cách xã hội.

Tin rằng có thể chiến thắng tại các bang công nghiệp miền Bắc đã ngả về ông Trump năm 2016, ông Biden tập trung sức lực ở Michigan, Wisconsin và Pennsylvania.

Ông Biden cuối cùng thành công tại 3 bang này nhờ sự ủng hộ vượt trội từ khối cử tri nữ giới, bất chấp nỗ lực vận động "cầu xin sự ủng hộ của những bà nội trợ ngoại ô" từ phía Tổng thống Trump.

Nhiều cử tri nữ đóng vai trò quyết định số phận của Tổng thống Trump vốn là cư dân ngoại ô có học thức. Tiếng nói của nhóm cử tri này được chú ý lần đầu trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018, khi sự ủng hộ của nữ giới giúp phe Dân chủ giành quyền kiểm soát áp đảo ở Hạ viện.

Bên cạnh đại dịch, chiến dịch bầu cử năm 2020 diễn ra trong bối cảnh bất ổn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, bao gồm việc Hạ viện bỏ phiếu đòi luận tội tổng thống, làn sóng biểu tình chống bất công và bạo lực cảnh sát biến tướng thành bạo động.

Cái chết của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg, cùng việc Nhà Trắng và Thượng viện nhánh chóng bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett vào vị trí bà Ginsburg để lại, càng tích tụ thêm sự bất mãn của cử tri đối với Nhà Trắng.

Thách thức chờ đợi ông Biden

Suốt quá trình chuẩn bị cho bầu cử, ông Trump gắn bó với lập trường bảo thủ. Tổng thống Trump bị đánh giá là khiến chia rẽ về vấn đề chủng tộc càng thêm trầm trọng. Trong nhiều tháng, ông Trump thêu dệt lên những nghi ngờ xung quanh tính chính danh của tiến trình chính trị dân chủ.

Trong khi đó, ông Biden mang lại thông điệp hàn gắn hấp dẫn các cử tri cực tả tới trung hữu. Ông mang lại một mục tiêu chung cho cử tri, đó là thoát khỏi một tổng thống liên tục có phát ngôn và hành động bị miêu tả là thiếu trung thực.

Tổng thống Trump cũng bị một số đảng viên giàu ảnh hưởng của phe Cộng hòa xa lánh. Một số người thậm chí tuyên bố ủng hộ ứng viên Dân chủ Joe Biden, như bà Cindy McCain, góa phụ của cố Thượng nghị sĩ Arizona Joe McCain. Cựu Tổng thống George. W. Bush và Thượng nghị sĩ Mitt Romney thì từ chối ủng hộ ông Trump.

Chiến thắng cuộc bầu cử, ông Biden sẽ một lần nữa quay trở lại Washington, nhưng với vị thế hoàn toàn khác. Trên cương vị tổng thống, ông Biden sẽ đứng trước áp lực sớm có được vaccine đối phó với Covid-19 và phân phát cho người dân.

Phục hồi nền kinh tế suy thoái nặng và chấm dứt bất bình đẳng chủng tộc là hai vấn đề tiếp theo ông Biden phải sớm đối mặt.

ket qua bau cu anh 5

Cử tri ủng hộ ông Biden và bà Harris. Ảnh: New York Times.

Nhiệm kỳ của ông Biden dự kiến gặp nhiều bất lợi bởi tình trạng phân cực ngày càng nghiêm trọng ở Thượng viện. Trong khi nhiều thượng nghị sĩ Cộng hòa tán thành với đường lối của Tổng thống Trump, các chính trị gia Dân chủ lại ngày càng thiên về phía cánh tả.

Nếu không thể làm cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa hai phe, ông Biden sẽ đối mặt sức ép to lớn từ nội bộ đảng buộc ông từ bỏ hợp tác với phe Cộng hòa và chuyển sang đối đầu.

Ông Biden bước đầu cho thấy hy vọng hai phe có thể làm việc cùng nhau tại lưỡng viện lập pháp, đồng thời bác bỏ những mục tiêu tham vọng nhất của đảng Dân chủ như chăm sóc sức khỏe và thỏa thuận năng lượng sạch.

Hai bi kịch cuộc đời của Joe Biden khiến cử tri Mỹ đồng cảm

Vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của vợ, con trai và con gái đã định hình một phần thế giới quan của ông Biden. Đó cũng là điều khiến cử tri Mỹ cảm thông với ứng viên đảng Dân chủ.

Ông Obama: Tôi không thể tự hào hơn được chúc mừng Joe Biden

Cựu Tổng thống Barack Obama gọi việc ông Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ là chiến thắng "lịch sử và mang tính quyết định".

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm